Nằm trên giường bệnh tháng trước, Madhvi Aya hiểu chuyện gì đang xảy ra với mình. Aya từng là bác sĩ tại Ấn Độ. Sau khi nhập cư vào Mỹ, bà trở thành trợ lý bác sĩ cho Trung tâm Y tế Woodhull, Brooklyn, suốt 12 năm nay.
Khi Covid-19 bùng phát, Aya chuyển sang làm việc tại phòng cấp cứu và phải tiếp xúc với hàng loạt bệnh nhân nhiễm nCoV mỗi ngày. Cuối cùng Aya cũng bị lây.
Trong những ngày cuối đời, Madhvi Aya, 61 tuổi, phải một mình chiến đấu với virus. Chồng và con gái của bà không được phép vào thăm do nguy cơ lây nhiễm cao. Aya được điều trị tại một cơ sở y tế gần nhà nên không có đồng nghiệp thân quen ở đó.
"Tình trạng của em không cải thiện rồi", bà nhắn cho chồng, ông Raj, hôm 23/3, và mô tả cơn đau tức ngực khủng khiếp.
Gia đình bà Aya cho biết các cuộc gọi và tin nhắn thưa thớt dần khi bệnh tình của bà chuyển biến xấu.
"Con nhớ mẹ. Xin mẹ đừng bỏ cuộc vì con sẽ không bỏ cuộc đâu. Con cần mẹ về nhà với con", Minnoli, con gái 18 tuổi của Aya, nhắn tin hôm 25/3 để động viên và an ủi mẹ mình.
"Yêu con. Mẹ sẽ trở lại", bà Aya hồi đáp. Đó cũng là tin nhắn cuối cùng của bà dành cho con gái.
Nhân viên y tế tuyến đầu đang phải đối mặt với nguy cơ lây nhiễm virus cao. Rất nhiều y bác sĩ nhiễm bệnh và tử vong nhưng không được công khai danh tính, theo New York Times. Tại Trung tâm Y tế Woodhull, bà Aya không phải là nhân viên duy nhất ra đi trong đại dịch. Bác sĩ chụp X-quang, Thomas Soto, mới qua đời vì Covid-19 sau 12 ngày điều trị. Một nhân viên an ninh tại Woodhull, ông Herb A. Houchen, cũng tử vong trong đợt dịch này.
Theo gia đình bà Aya, bà chỉ được nhập viện khi các triệu chứng trở nên nghiêm trọng. Do bệnh viện quá tải, bà không được điều trị kịp thời, sau đó ra đi trong cô độc.
"Bà ấy luôn sẵn sàng ở bên bệnh nhân. Nhưng khi bà ấy ngã bệnh, chẳng có ai ở đó cả", chồng Aya nói.
Còn với Minnoli, cảm xúc của cô chuyển từ đau buồn sang giận dữ. Cô muốn đổ lỗi cho một hệ thống y tế không đủ khả năng bảo vệ các nhân viên tuyến đầu.
Theo một nhân viên của Trung tâm Y tế Woodhull, đầu tháng 3, các nhân viên tuyến đầu chưa hề được hướng dẫn đeo khẩu trang khi tiếp xúc với bệnh nhân. Sau đó, khi Covid-19 bùng phát dữ dội vào giữa tháng 3, bệnh viện mới yêu cầu toàn bộ bệnh nhân phải đeo khẩu trang.
Trong thời gian ấy, Aya đã tiếp xúc với hàng trăm bệnh nhân mỗi ngày. Aya xuất hiện các triệu chứng ho vào ca làm việc cuối cùng hôm 12/3. Tối 13/3, chồng Aya chở bà đến Trung tâm Y tế Woodhull để khám nhưng bệnh viện quá tải nên bà được hướng dẫn tự cách ly tại nhà.
Tuy nhiên bệnh tình bà Aya không thuyên giảm, cơn ho càng dữ dội hơn và phát sốt liên tục. Ngày 18/3, chồng Aya chở vợ đến Trung tâm Y tế Long Island kiểm tra. Ông không được vào trong và phải chờ bên ngoài bãi đậu xe.
Gần hai giờ sau, bà Aya nhắn tin cho chồng: "Anh hãy về nhà trước, nếu cần gì em sẽ gọi".
Lúc 4h47 sáng ngày 19/3, Aya nhắn tin cho chồng rằng bà vẫn đang đợi có giường trống để được nhập viện. Bà cho biết đã có kết quả xét nghiệm dương tính với nCoV và bảo chồng hãy chăm sóc mẹ mình, đưa đón con gái đi học đúng giờ.
Tình hình của sức khỏe của bà Aya ngày càng chuyển biến xấu. Sáng 29/3, các bác sĩ gọi hỏi chồng bà có muốn gặp lần cuối trước khi bà được đặt ống thở không. Nhưng ông Raj từ chối vì sợ sẽ lên cơn đau tim và bỏ lại con gái không ai chăm sóc. Quyết định đó đã khiến ông ân hận, bởi chiều cùng ngày, bệnh viện báo bà Aya đã qua đời.
Gia đình bà Aya đã quyết định hỏa táng mà không có tang lễ nào diễn ra bởi họ đang trong diện cách ly.
Sau khi Aya qua đời, cô con gái Minnoli vẫn gửi tin nhắn vào điện thoại mẹ mỗi ngày để tìm kiếm sự kết nối duy nhất với người mẹ đã khuất. "Con nhớ mẹ", cô gửi trước khi đi ngủ, và sáng hôm sau khi tỉnh dậy, cô lại nhắn "Cảm ơn mẹ vì đã đến với con trong giấc mơ đêm qua".
Sự suy sụp tinh thần của Minnoli khiến ông Raj vô cùng lo lắng. Ông đã phải liên hệ với bác sĩ tâm lý điều trị sang chấn cho con gái qua video. Tuy nhiên Minnoli vẫn miệt mài gửi tin nhắn vào điện thoại của người mẹ đã mất.
"Trái tim tôi tan nát", ông Raj nói khi chứng kiến con gái rơi vào u sầu.
Sơn Nam (Theo NYT)