Trần Thị Diệu Tâm
Thỉnh thoảng Anne gặp một cô gái rất trẻ, khuôn mặt bầu bĩnh vừa đi vừa nhìn xuống đất cười một mình. Có lần Anne gặp một người đàn bà độ chừng ba mươi, áo quần tề chỉnh, nhưng lại trát một lớp phấn trắng bệch, tô môi son đỏ chót, trên đầu bà thắt một cái nơ đỏ chói. Cái nơ đỏ và bộ mặt trắng kiểu ấy thì Anne biết bà ta từ bệnh viện đi ra. Người đàn bà trẻ nhìn Anne chào mỉm cười coi như đã là bạn, rồi xin nàng địa chỉ. Anne hỏi để làm gì, trả lời để tôi gởi thiệp chúc cô được mọi điều hạnh phúc.
"Chúc cô được mọi điều hạnh phúc". Sao mà dịu dàng êm ái, Anne cảm động, ghi ngay địa chỉ của mình, bởi vì được nghe người khác chúc cho mình mọi điều hạnh phúc. Anne đưa mảnh giấy nhỏ ghi tên và địa chỉ thật của mình, bà ấy cám ơn rối rít. Tuần lễ sau, Anne nhận được tấm hình tháp Eiffel, mặt sau ghi: "Tôi đến Paris hơn tuần nay, gởi cô tấm hình kỷ niệm, chúc cô mọi điều hạnh phúc. Hãy nhớ đến tôi nhé". Ký tên không rõ, sau đấy Anne gặp người đàn bà, nàng cám ơn đã nhận được tấm thiệp, thì bà nhìn nàng ra vẻ ngạc nhiên, chẳng nói năng gì, đôi mắt nhìn vào một khoảng đâu đâu.
Từ đó, Anne không thể nào hiểu được có điều gì không bình thường ở những người mắc bệnh tâm thần, những người mang trong hồn một chứng bệnh điên.
Chiều hôm sau, cũng như mọi chiều tan sở, Anne rảo bước qua bệnh viện đến trạm Métro. Nàng đi chậm hơn mọi ngày, Paris chiều nay trời đẹp quá, Paris đang vào xuân, cái lạnh khô làm cóng thịt da đã bị lùa vào lãng quên. Buổi sáng mai đi làm có hoa jonquille vàng chào đón hớn hở bên vệ đường, và buổi chiều về, Paris biết để lại chút hơi ấm cho nỗi mệt nhọc của một ngày làm việc.
Anne chợt dừng lại, một người đàn ông Á Đông tiến gần Anne hỏi bằng tiếng Pháp:
- Cô có phải người Việt không?
Anne không trả lời, nhưng hỏi lại:
- Ông muốn hỏi việc gì?
Người đàn ông cười bắt đầu nói tiếng Việt:
- Cô là Như An.
Anne díu mày, lạ quá bỗng dưng có người gọi mình là Như An. Mình chẳng bao giờ quen ông ta.
- Tôi không phải Như An, tôi là Marie Anne.
Nàng lạnh lùng bỏ đi, tiếng người đàn ông thảng thốt níu kéo:
- Em Như An, em không nhận ra anh sao?
Giọng nói khàn đục, chới với. Anne có cảm tưởng như tiếng nấc ực lại trong cổ họng vì mảnh váng cuối cùng bị sóng biển xô ra xa. Nàng quay lại nhìn có vẻ thương hại. Người đàn ông lắp bắp:
- Anh đây, anh là Tường đây
Bây giờ Anne ngở rằng mình là kẻ mất trí nhớ, người đàn ông trước mặt có tên Tường đang cố gắng thúc bách nàng trở về trạng thái có trí nhớ. Anne càng hoảng hốt, nàng nghi ngờ chính mình. Khi nhớ lại cách đây ít hôm, tờ báo France Soir viết về một người đàn ông nói tiếng Anh, bị bệnh mất trí nhớ, buổi sáng mới sáu giờ, trời còn bốn độ âm mà ông đã cởi áo quần xuống sông tắm. Được đưa vào bệnh viện, bác sĩ hỏi gì cũng lắc đầu, hỏi lắm thì không biết, không biết mình ở đâu, không biết mình tên gì, mình bao nhiêu tuổi, gốc nước nào. Các cô y tá bèn đặt người đàn ông mất trí nhớ một cái tên để gọi là ông Smith. Ông Smith là một trong những kẻ im lặng bơ vơ của thời đại mất quá khứ.
Ông Tường nhìn Anne không chớp, chờ đợi. Rồi cái nhìn trở nên đắm đuối, pha chút tuyệt vọng tha thiết. Cái nhìn sắp chìm vào một vùng không có ánh sáng. Anne dịu dàng cười.
Ông Tường mời nàng:
- Chúng mình vào một quán càfé một chút nhé,
Anne như bị thôi miên, gật đầu
- Em uống gì, nước cam hay café?
Ông Tường coi bộ bình thường quá, hay mình là người bệnh mà không biết, Anne lẩn thẩn nghi ngờ.
Khi người bồi bàn mang nước cam ra, ông Tương đưa tay cầm chiếc muổng quậy quậy ly nước cam có đá cho Anne.
Cử chỉ của người đàn ông chợt nàng rùng mình, bởi vì đâu đó trong trí nhớ xa xăm đã thấy vài lần. Đâu nhỉ, nàng lục soát lại quá khứ, thuở ngày xưa còn là sinh viên, mình có quen một người con trai nào tên Tường hay tên Tưởng? Đành chịu thua, thời gian đã đào mòn đục đẽo mọi dĩ vãng để bây giờ nàng trở thành kẻ trần trụi bơ vơ giữa hiện tại không có trọng luợng.
Hay là kiếp trước mình là người yêu của ông ta chăng, ông này lại có tật nhớ dai, nhớ đến cả tiền kiếp mình.
Anne thử lại một lần nữa, nói lại một "sự thật" cho hai người, để xem ai là kẻ nhớ kẻ quên.
- Tôi không phải là Như An, người yêu xưa của ông đâu.
Lần này ông có vẻ giận dữ, phẫn nộ:
- Đừng có đùa, em đã từng viết cho anh hàng chục lá thư tình lúc ấy ở Sài Gòn. Anh đọc thuộc lòng, đọc đi đọc lại bao năm nay rồi, em muốn anh đọc cho nghe không, chúng ta yêu nhau đến thế mà em quên rồi sao?
Trời ơi, thế này thì chết thật. Anne run rẩy đưa ly vội nước cam lên môi uống một hơi.
- Có thật em quên anh rồi sao?
Ông thở dài:
- Trên đời này anh còn mỗi mình em thôi.
Nước mắt Anne muốn trào ra, sao lại có một người thủy chung đến thế vậy.
Ông Tường ơi, tôi muốn tâm sự với ông, tôi muốn kể về tôi cho ông nghe thế này:
"Từ lúc qua đây, tôi sống xuôi theo ngày tháng, tôi không biết rồi tôi trôi về đâu; Lưỡi tôi nhạt, lòng tôi tê, tôi không nếm được, tôi không cảm được, bởi mọi khát khao tôi mơ ước đã chết chìm theo đứa con trai độc nhất, tôi đem con đi để cầu lấy tương lai cho nó. Con chết, mẹ sống, con tôi, thằng bé có cặp mắt rực sáng như mặt trời trên biển đông. Thế là tôi chẳng còn nhìn thấy nó, con tôi không còn nhìn thấy tôi. Mọi người khác cứ cho rằng mặt trời lặn mỗi buổi chiều và mọc lại vào mỗi buổi sáng mai. Nhưng riêng tôi, mặt trời chẳng bao giờ làm thêm một bình minh nữa, mặt trời đã chết. Còn chồng tôi? Ông ấy đã bị thất lạc từ ngày 30 tháng 4, sau đó bạn bè tôi đã thư về cho biết tìm thấy ông sống chung với cô bạn tôi ở Cali. Tôi ra đi với con nhưng lên bờ chỉ một mình. Tôi xin đến Pháp sống đời lặng lẽ, tôi khai trên giấy tờ rằng tôi độc thân, không chồng, không con, không cha mẹ họ hàng anh em, tôi tránh xa những người đồng hường cùng tiếng nói, bởi vì khi nhìn thấy họ, quê hương lại trở về, chồng lại hiện ra, con tôi lại nói nói cười cười. Tôi xin làm việc với người Tây, tập nói tiếng Tây, tôi có bạn đầm và sống độc thân đơn lẻ như Tây, tại sao ư? Tại tôi muốn hóa thân, hóa kiếp để đừng nhớ lại. Người ta phải chờ chết mới luân hồi kiếp khác, tôi chẳng phải đợi chết, tôi luân hồi tôi ngay tại kiếp này. Tôi làm đơn xin vào quốc tịch Pháp với tên Marie Anne, còn họ Nguyễn, tôi muốn đổi cũng không được, vậy tôi là Marie Anne Nguyễn, ngày sinh tháng đẻ tôi cũng đổi luôn, cho nên chẳng khi nào kỷ niệm Anniversaire, ông Tường ơi bởi vì tôi muốn tẩm liệm quá khứ".
Miên man trong đầu như thế, Anne biết rằng mình còn nhớ được một quãng đời mình rồi. Vậy người đàn ông trước mặt chính là một người không bình thường, nhưng ông là người biết quý tình yêu, biết trọng tình yêu hơn cả mọi điều trên thế gian này. Nước mắt một lần nữa từ từ quá khứ thảy xuống. Anne bỗng muốn xác nhận mình là Như An, như một người tình xưa đã xa nhau lâu quá nay mới gặp lại nhau. Nàng không muốn là Marie Anne nữa, vì trước mặt có một người đàn ông đáng được kính trọng và yêu thương, Anne muốn cầm lấy bàn tay của ông và nói rằng em là Như An, Như An thật của anh đây.
Nhưng đầu óc nàng chóang váng, sự xúc động làm đường máu chạy nhanh. Khuôn mặt ông Tường trở nên mờ mờ ảo ảo, hình như ông ta mỉm cười. Đôi mắt ông nhìn xa xa, vào một cõi mênh mông diệu vợi nào đó, cái nhìn như cái nhìn của người đàn bà thắt nơ đỏ, nụ cười của ông như nụ cười của cô gái trẻ.
Anne nhói đau, xót xa cho ông, xót xa cho mình, tại sao ông muốn tìm về quá khứ, trong khi mình, mình muốn quên hết. Một người đàn ông điên đi tìm trí nhớ, một người đàn bà không muốn đánh mất trí nhớ.
Anne muốn chắp quá khứ của người đàn ông vào quá khứ của mình. Nàng muốn được yêu như ông Tường đã yêu.
Sau lần gặp ấy, bẵng đi mấy hôm không thấy ông Tường, Anne đâm ra bồn chồn lo lắng, nàng không bình thản dửng dưng như mọi ngày hôm trước. Buổi chiều về, bước chân lóc cóc của nàng trên vỉa hè lác đá hoa cương vang dội một âm thanh sâu thẳm lạnh lẽo trong lòng nàng.
Đang ao ước gặp ông ấy, thì ở góc phố, ông Tường hiện ra trông khoẻ mạnh hơn hôm trước, nét mặt rạng rỡ.
- Hôm nay cô đi làm về muộn thế.
Anne mỉm cười, ao ước đã có được, hai người chọn một chiếc bàn ở phía ngoài trời quán cafe hôm trước, Paris đang xuân, lề đường tràn ngập khách ngồi nhâm nhi.
Ông Tường nói bâng quơ:
- Nhớ cafe Sài Gòn quá.
Hôm nay ông ăn nói tỉnh táo, chậm rãi, xưng tôi và gọi Anne là cô, không còn anh , không còn Như An nửa, một chút nuối tiếc nơi Anne, ông ta dần dần trở lại bình phục, thế mà nàng lại muốn ông khác hơn, như hôm trước, trong cơn mê.
- Tên cô là gì nhỉ?
Anne phật lòng, đã nói một lần rồi mà không nhớ sao.
- À, hình như Marie.....Marie gì nhỉ?
Anne im lặng, nàng chỉ muốn gọi mình như tên người yêu ngày ấy.
Nhưng ông không nhớ tiếp, hoặc ông không muốn gọi một cái tên chẳng có gì kỷ niệm riêng của ông. Ông mỉm cười bao dung, ngụ ý rằng cái tên nào đi nữa cũng chỉ là một cách gọi.
Người đàn bà trước mặt ông thể hiện trong ông một khối dĩ vãng toàn vẹn say đắm, một vùng tơ mềm trắng muốt.
- Thế cô qua đây lâu chưa?
Hỏi mà như không chờ đợi câu trả lời, ông chờ đợi một điều gì khác nơi Anne, Anne im lặng nhìn ông chăm chú, ông tiếp tục nói:
- Tôi ở phòng 208 bệnh viện bên kia đấy, chắc cô hiểu rồi, xin cho tôi số điện thoại và địa chỉ, để hôm nào khoẻ tôi đến thăm cô.
Anne ngần ngại trả lời:
- Tôi không nhớ số điện thoại, bởi vì tôi không bao giờ gọi cho tôi cả.
- Phải rồi cô nói đúng đấy, vậy thì thôi.
Giọng ông nói đều đều, không vương vấn một chút xúc cảm nào cả. Khi bắt tay ông, ông dịu dàng trao qua tay Anne một cảm nhận êm đềm, bàn tay như tìm kiếm một quá khứ ngọc ngà đã mất, chợt biết nó trở về, tìm thấy ngyên vẹn và đang đợi chờ.
Anne lúng túng khi thấy ông Tường giữ tay mình quá lâu trong tay ông. Ngày xưa hiện ra từ từ đâu đó, ngày xưa còn con gái. Nàng rút tay lại, quay lưng hấp tấp đến trạm Métro về nhà.
Mấy hôm sau không thấy ông, hôm sau nữa cũng không gặp nhau, Anne về đến nhà với trạng thái bức rứt, một tuần rồi hai tuần trôi qua, căn nhà đã thấy vắng, thấy lặng lẽ hơn mọi ngày. Anne quay quắt với mình, hai lần gặp gỡ với ông Tường, một lần say như mê man, một lần tỉnh như lạnh lùng, đã để lại hồn Anne một quyến rũ mới thấy lần đầu.
Tại sao mình không đến bệnh viện thăm ông ta nhỉ, Anne suy nghĩ, phải rồi đến thăm ngay chiều nay khi tan sở.
Cô y tá giở hồ sơ tìm danh sách bệnh nhân, phòng số 208, bệnh nhân tên Tường đã khỏi bệnh xuất viện.
Anne hoảng hốt hỏi ông ấy về nhà đã lâu chưa, cô y tá trả lời cách đây một tuần.
Tại sao mình không đến sớm hơn một tuần, tại sao mình không đưa ông số điện thoại, chắc hẳn rằng trước khi rời khỏi đây, ông đã nhớ mình nhưng không biết làm cách nào.
Cô y tá chợt nhìn Anne, gọi Anne:
- Xin lỗi bà, ông ấy có để lại một lá thư dặn rằng nếu có người đàn bà nào đến tìm thì xin giao lại, chắc là thư của bà.
Anne cầm bức thư, hỏi thầm ông Tường rằng chỉ có một mình tôi, độc nhất mình tôi là người đàn bà đến đây thăm ông phải không.
"Em, anh đã trở về nhà địa chỉ.......trạm métro Montparnasse-Bienvenue. Dù em không phải là Như An đi nữa, thì chúng ta đã thấy nhau, gặp nhau. Anh và em đã chờ đợi nhau trong suốt bao năm nay".
Nàng mỉm cười, nghe mơ hồ có tiếng gọi xa xăm, nàng vội đi ra cửa, quên cả chào cô y tá, hấp tấp vội vã trên vỉa hè lát đá hoa cương, những bước chân gót nhọn lóc cóc reo vui tưởng chừng như tiếng gõ gõ vào một cánh cửa. Cánh cửa hạnh phúc rồi sẽ mở.......