Li Jingwei, 37 tuổi, sinh ra ở tỉnh Vân Nam, phía tây nam Trung Quốc. Anh bị người hàng xóm bắt cóc từ năm bốn tuổi và bán cho cha mẹ nuôi ở tỉnh Hà Nam, cách nhà 2.000 km.
Li, người hiện có gia đình riêng, đã cung cấp mẫu máu cho giới chức và bắt đầu tự vẽ bản đồ về ngôi làng nơi anh từng sống theo trí nhớ. Anh dò hỏi trên mạng về các manh mối để tìm hiểu xem nơi này ở đâu. Tấm bản đồ vẽ tay của Li đã giúp cảnh sát xác định ngôi làng nơi anh sống nằm gần thành phố Chiêu Tông, tỉnh Vân Nam, Li cho biết trên Douyin, phiên bản TikTok của Trung Quốc, hôm 28/12.
Nhà chức trách tìm được một phụ nữ có thể là mẹ Li. Kết quả xét nghiệm ADN sau đó xác nhận Li chính là con trai bà. Hai mẹ con sẽ đoàn tụ vào ngày 1/1/2022. Theo giới chức địa phương, bố Li đã qua đời.

Li Jingwei. Ảnh: Weibo
Li cho hay anh có động lực tìm gia đình ruột thịt sau khi biết về những câu chuyện nổi tiếng của Guo Gantang và Sun Haiyang, hai người tìm được cha mẹ đẻ năm 2021. "Tôi nhận ra mình không thể chờ đợi lâu hơn nữa bởi cha mẹ đang ngày càng già đi. Tôi đã lo rằng khi tìm ra quê hương mình thì họ không còn sống nữa", Li nói với Henan Television đầu tuần này.
Guo là người cha nổi tiếng ở Trung Quốc với hành trình kéo dài 24 năm để tìm kiếm đứa con trai thất lạc. Ông chia sẻ thông tin về vụ bắt cóc khi rong ruổi qua 500.000 km bằng xe máy và phải thay tới 10 chiếc xe. Ông đoàn tụ con trai hồi tháng 7. Câu chuyện của Guo đã được chuyển thành bộ phim có tên Lost and Love, sản xuất năm 2015 với diễn xuất của tài tử Hong Kong Andy Lau Tak-wah.
Tháng trước, Sun - một người cha khác cũng truyền cảm hứng cho bộ phim về nạn buôn người - đoàn tụ con trai sau 14 năm tìm kiếm.
"Khi tôi đọc câu chuyện của ông Guo Gangtang, tôi tự nhủ 'mình cần phải cố gắng tìm về với bố mẹ đẻ'. Tôi muốn nhìn thấy họ khi họ còn sống", Li nói.
Bản đồ vẽ tay của Li chi tiết và khiến nhiều người Trung Quốc kinh ngạc. Nó bao gồm đặc điểm của những ngôi nhà trong làng và cách người dân sử dụng những chiếc xô lớn bằng gỗ để nấu cơm ra sao. Anh nhớ người hàng xóm đã dùng đồ chơi để dụ mình. "Nhớ về bố mẹ tôi và những gì xunh quanh nhà là thói quen của tôi suốt một thời gian dài", Li nói.

Bản đồ vẽ tay theo trí nhớ của Li Jingwei. Ảnh: Weibo
Li cho biết ngày còn đi học, anh rất đau lòng khi đọc được những bài báo về đoàn tụ gia đình. Nhưng thời gian trôi đi, anh dần chìm trong công việc, bận rộn với cuộc sống gia đình và những đứa con. Li không nhắc đến việc anh hy vọng điều gì sẽ xảy đến với cha mẹ nuôi. Gần đây, những đứa con bị bắt cóc thường không muốn truy tố bố mẹ nuôi, do được họ đối xử tốt.
Theo Xinhua, tính đến tháng 11/2021, có hơn 8.300 người từng bị bắt cóc trong nhiều thập kỷ đã được tìm thấy nhờ sáng kiến có tên Tuan Yuan.
Hướng Dương (Theo SCMP)