Giới chức Nepal hôm 30/5 cho biết đã tìm thấy 21 trong 22 người có mặt trên chiếc máy bay bị rơi ở sườn núi Himalaya trước đó một ngày. Theo Reuters, có hai người Đức, 4 người Ấn Độ và 16 người Nepal có mặt trên chiếc máy bay De Havilland Canada DHC-6-300 Twin Otter, gặp nạn 15 phút sau khi cất cánh từ thị trấn du lịch Pokhara, cách thủ đô Kathmandu 125 km về phía Tây, sáng 29/5.
"Cơ hội tìm thấy người sống sót là rất nhỏ", Deo Chandra Lal Karna, người phát ngôn Cơ quan Hàng không Dân dụng Nepal, nói.
Binh sĩ và các nhân viên cứu hộ Nepal đã tìm thấy 20 thi thể từ đống đổ nát của máy bay, nằm rải rác trên một con dốc ở độ cao khoảng 4.400 m. Họ cũng đang cố gắng đưa một thi thể khác ra khỏi hiện trường.
Chính phủ cho biết đã lập một hội đồng gồm 5 thành viên để xác định nguyên nhân vụ tai nạn và đưa ra các biện pháp đề phòng trong tương lai.
Địa hình khó khăn và điều kiện thời tiết tồi tệ đã cản trở quá trình tìm kiếm. Một bức ảnh được công bố trên truyền thông Nepal cho thấy các nhân viên cứu hộ mặc đồng phục di chuyển một thi thể từ đống đổ nát, sau đó dùng dây thừng chuyển lên cáng và kéo lên dọc sườn núi dốc.
"Có một đám mây rất dày trong khu vực", Netra Prasad Sharma, quan chức cao cấp nhất ở quận Mustang, nơi xảy ra vụ tai nạn, nói với Reuters qua điện thoại.
Tại thủ đô Kathmandu, họ hàng nạn nhân đã chờ đợi để nhận thi thể người thân được đưa về từ hiện trường tai nạn.
"Tôi đang chờ nhận xác con trai", ông Maniaram Pokhrel nói, giọng run rẩy. Contrai ông Utsav Pokhrel, 25 tuổi, là phi công phụ trên máy bay.
Được vận hành bởi hãng tư nhân Tara Air, chiếc máy bay De Havilland Canada DHC-6-300 Twin Otter gặp tai nạn trong điều kiện thời tiết nhiều mây. Đến sáng 30/5, lực lượng quân đội Nepal mới tìm thấy mảnh vỡ máy bay.
Chiếc máy bay đang trên đường tới Jomsom, một điểm du lịch và hành hương nổi tiếng nằm cách Pokhara khoảng 80 km về phía Tây Bắc. Chuyến bay này thường chỉ khoảng 20 phút. Tuy nhiên, máy bay mất liên lạc với tháp điều khiển Pokhara 5 phút trước khi chuẩn bị hạ cánh.
Hiện trường tai nạn gần với biên giới Nepal - Trung Quốc, trong khu vực của núi Dhaulagiri, đỉnh núi cao thứ 7 thế giới với chiều cao 8.167 m.
Tai nạn hàng không thường xảy ra ở Nepal, nơi có 8 trong số 14 ngọn núi cao nhất thế giới, bao gồm đỉnh Everest, do thời tiết có thể thay đổi bất chợt và gây khó khăn cho các chuyến bay. Đầu năm 2018, một chuyến bay của US-Bangla Airlines, khởi hành từ Dhaka tới Kathmandu, gặp nạn khi hạ cánh và bốc cháy, khiến 51 trên 71 người trên khoang thiệt mạng.
Hướng Dương (Theo Reuters)