Đến 15h ngày 15/10, 7 thi thể được tìm thấy tại hiện trường sạt lở trạm kiểm lâm 67, xã Phong Xuân (huyện Phong Điền). Đây là nơi 13 người trong đoàn công tác của tỉnh Thừa Thiên Huế và Quân khu 4 mất tích.
Danh tính các nạn nhân chưa vẫn chưa được xác định. Lúc 15h50, xe biển xanh chở hệ thống đèn chiếu sáng với 8 bóng công suất lớn vào hiện trường để phục vụ việc tìm kiếm trong đêm. Ngay sau đó, một xe múc cỡ lớn khác cũng được tăng cường vào trạm kiểm lâm 67. Trời tại Phong Xuân đang tối dần, bắt đầu có mưa.
Nhiều xe cấp cứu di chuyển 80 km từ hiện trường đến bệnh viện 268 ở TP Huế. Xung quanh khu vực bệnh viện, công an, cảnh sát giao thông, kiểm soát quân sự đứng chốt nhiều nơi. Người dân không được tiếp cận gần các lối vào bệnh viện để tránh ùn tắc.
Trước đó, xe đầu kéo chở một xe đào bánh xích có gầu múc cỡ lớn, khoảng 2m3, đi vào trạm kiểm lâm 67. Theo tìm hiểu, khu vực sạt lở có nhiều khối đá lớn bằng xe ôtô bốn chỗ, do vậy xe gầu múc cỡ lớn được điều lên nhằm đẩy nhanh tiến độ công tác tìm kiếm người mất tích.
Trên tuyến đường 71, từ trung tâm xã Phong Xuân (huyện Phong Điền) - nơi đặt sở chỉ huy tiền phương cứu hộ cứu nạn - các đoàn ôtô quân sự, công an và xe chuyên dụng liên tục đi vào khu vực hiện trường trạm kiểm lâm 67 và thủy điện Rào Trăng 3. Ôtô quân sự chở theo nhiều bộ đội cùng trang thiết bị phục vụ công tác tìm kiếm người mất tích. Lúc này đường vào trạm kiểm lâm 67 đã thông, tuy nhiên tuyến giao thông tiếp cận thủy điện Rào Trăng 3 vẫn còn nhiều điểm chia cắt.
Các lực lượng tìm kiếm người mất tích đang chạy đua với thời gian, do thời tiết ở Thừa Thiên Huế được dự báo diễn biến xấu trong chiều nay 15/10 và ngày mai.
Sáng nay, lực lượng cứu hộ xác định được vị trí 13 cán bộ, chiến sĩ trong đoàn công tác gặp nạn ngày 13/10. Hiện trường ngập bùn đất. Sở chỉ huy tiền phương huy động thêm 10 xe múc, hỗ trợ cán bộ, chiến sĩ công binh đang đào bới để tìm kiếm những người bị vùi lấp tại trạm kiểm lâm. Chó nghiệp vụ đã được sử dụng để hỗ trợ lực lượng tìm kiếm.
Trong những ngày qua, lực lượng tìm kiếm tổ chức ba mũi tiếp cận hiện trường: đường hàng không bằng trực thăng; đường thủy với công an tỉnh, kiểm lâm (khoảng 60 người) đi thuyền máy, ca nô...; đường bộ với hàng trăm xe cơ giới, xe đặc chủng mở đường vào các điểm sạt lở.
Chiều qua 14/10, lực lượng cứu hộ đã nhờ kiểm lâm và người địa phương xác định vị trí trạm kiểm lâm 67. Lúc đó, hiện trường sạt lở rộng hàng nghìn m2, ngập bùn đất nên vị trí trạm kiểm lâm chưa được xác định rõ ràng. Sau nhiều nỗ lực đào bới, các chiến sĩ đã tìm thấy một số vật dụng của người mất tích.
Đêm 11/10, mưa lớn khiến cả nửa quả đồi sạt xuống nhà điều hành thủy điện Rào Trăng 3, vùi lấp nhiều công nhân. Ngày 12/10, đoàn công tác 21 người tiến vào thủy điện Rào Trăng 3 để cứu hộ. Đêm cùng ngày, đoàn đến tiểu khu 67, Trạm Kiểm lâm Sông Bồ và dừng nghỉ tại đây.
Nhà kiểm lâm có 4 gian, gồm ba gian nghỉ và một gian bếp. Lúc 0h ngày 13/10, sau tiếng nổ lớn, núi đất đá sụt trùm lên các gian nhà đoàn đang nghỉ; 8 người thoát ra ngoài, 13 người hiện mất tích, trong đó có Phó tư lệnh quân khu 4, thiếu tướng Nguyễn Văn Man, và 10 cán bộ quân đội, 2 cán bộ địa phương.
Chiều cùng ngày, 40 công nhân từ thủy điện Rào Trăng 3 băng rừng đến thủy điện Rào Trăng 4 an toàn; xác định 17 công nhân gặp nạn ở Rào Trăng 3. Tối đó, cứu hộ đường thủy tiếp cận Rào Trăng 4, đưa 5 người bị thương đi cấp cứu.
Võ Thạnh