- Với vai chính trong "Hãy khóc đi em", vở ấn tuợng nhất năm qua của sân khấu IDECAF, một vai bi buộc người xem không chỉ khóc bằng nước mắt, mà bằng cả lòng hướng thiện luôn tồn tại trong tâm hồn. Chị giải thích về sự thành công của mình như thế nào?
- Trước tiên phải nói những vở kịch melo về phụ nữ rất dễ tìm được sự đồng cảm từ khán giả. Kịch bản chắc thì vở diễn càng dễ thuyết phục. Trăng nơi đáy giếng của nhà văn Trần Thùy Mai là một câu chuyện tâm lý. Khi được Nguyễn Thị Minh Ngọc chuyển thành kịch bản, những tình tiết hấp dẫn bất ngờ được giữ lại, tô đậm lên, tạo ra những cú chuyển biến tâm lý có thể “lừa” được khán giả. Vai diễn của tôi giành nhiều thiện cảm vì là vai bi, chứa đựng quá nhiều thương xót cho một số phận. Tôi vào vai với nỗi xúc cảm chân thật. Bởi ở một mặt nào đó, hệt như trong cuộc đời này, tôi rất hiểu cái thiện vẫn phải chịu rất nhiều thiệt thòi, những người chung thủy, thật thà lại dễ gặp nạn. Diễn sao khiến người ta đau xót với nhân vật thì cũng giống như phần nào đánh thức phần tốt đẹp tiềm ẩn trong mỗi người. Tôi nghĩ chẳng cần thủ thuật ghê gớm gì để lấy nước mắt khán giả, mà cái chính, mình tìm được đúng đường để bước vào trái tim người xem.

Diễn viên Thanh Thuỷ.
- Sân khấu phía Nam mạnh về kịch xã hội, trong khi đó chính kịch là thế mạnh của sân khấu phía Bắc, chị có thấy thiệt thòi cho diễn viên khi thường bị đóng khung trong các phong cách kịch nhất định?
- Tôi nghĩ giản dị thôi, nói là phong cách hay trường phái nghe ghê gớm, nhưng thực ra sân khấu chính là nơi phản ánh tính cách đặc điểm vùng miền con người rõ nhất. Người phương Bắc sâu sắc, đa tầng đa nghĩa nên khi diễn chính luận, mỗi lời thoại, mỗi hành động kịch đều ngầm chứa biểu tượng hay thông điệp nào đó. Xem kịch trong Nam, sẽ thấy cách nghĩ, cách cảm của người phương Nam bộc trực đơn giản, tính cách thoải mái phóng khoáng. Cùng một vấn đề, kịch phía Nam sẽ chọn cách thể hiện, diễn đạt chân tình, nhẹ nhõm để thuyết phục người xem. Chẳng hạn Tiếng vạc sành là dạng vở tuyên truyền, đề tài chống ma tuý. Để lôi kéo thuyết phục, chúng tôi dựng và diễn sao thật gần gũi, chọn lọc những chi tiết “đời” nhất để đẩy lên. Có như vậy, mình “phất cờ hồng” thì người ta mới tin, mới theo. Chẳng biết có phải vì thế mà có thời gian, sân khấu kịch phía Nam bị xem là bình dân, kể ra cũng hơi buồn.
- Có thể sân khấu kịch phía Nam bình dân là do tỉ lệ các vở kịch hài trong toàn bộ số lượng vở diễn quá cao, cao đến bất thường. Chẳng hạn một sân khấu có 4 vở trong kịch mục đang trình diễn thì cả 4 đều là kịch hài. Ở góc độ diễn viên, chị nghĩ thế nào về vấn đề này?
- Một khi đã xã hội hoá sân khấu, thì cũng phải chấp nhận sân khấu đáp ứng nhu cầu của khán giả. Đời sống đô thị hiện nay quá bận rộn, căng thẳng và tốc độ. Khán giả rất cần được giải tỏa bằng tiếng cười, một khi tìm đến sân khấu như một nơi để nghỉ ngơi, giải trí. Xu hướng hiện nay của các sân khấu là làm vở hài. Tuổi thọ của những vở hài cũng dài hơi hơn các vở bi. Nói vui nữa, trên cái nền là nhiều vở hài, thì các vở bi, các vở chính kịch như Hãy khóc đi em, Bí mật vườn Lệ Chi sẽ nổi bật lên, dễ được xem là các viên ngọc quý. Còn nhìn ở góc độ một diễn viên, tôi nghĩ đầu tư cho một vai hài vất vả khổ nhọc hơn nhiều. Đóng bi, có thể diễn viên khóc, khán giả không khóc không sao. Nhưng diễn hài, khán giả không cười thì diễn viên sẽ thấy mình vô duyên lắm. Mà cái duyên của nghệ sĩ chủ yếu là do trời cho, rèn luyện thì chỉ thêm kinh nghiệm. Thực ra, tôi vẫn nể phục những diễn viên có thể lấy tiếng cười khán giả. Ngay cả những màn tấu hài phổ biến khắp sân khấu, tụ điểm như hiện nay, để có những màn tấu hay lôi kéo được người xem cũng chẳng phải chuyện đơn giản…
- Là một diễn viên đã lên hàng đàn chị, chị có nhận xét gì về thế hệ diễn viên trẻ hiện nay?
- Tường tận cuộc đời, có nhiều kinh nghiệm vốn liếng cuộc sống là điều bất kỳ diễn viên nào cũng mong mỏi. Tôi thấy các bạn diễn trẻ cũng hăng hái với sàn diễn như thế hệ chúng tôi ngày trước. Thế nhưng cuộc sống hiện nay quá sôi động, mở ra cho các bạn rất nhiều điều kiện làm việc. Diễn viên cũng có thêm nhiều nhu cầu. Những điều như vậy vừa có lợi, vừa có hại. Một khi diễn viên trẻ phải bươn theo các “cơ hội” trước mắt, họ phải đánh đổi thời gian, thời gian để đọc, học, để nghiềm ngẫm bồi đắp lại cho tâm hồn sau khi trút ra trên sàn diễn. Nói thật, thế hệ diễn viên ngày nay thiếu kiến thức, hạn chế nghề nhiều lắm. Mà làm diễn viên, ở độ tuổi nào, cũng không được để mất thói quen học tập. Bởi sân khấu luôn có những vai diễn đòi hỏi học thức, học thức đúng nghĩa không thể tìm đâu khác ngoài sách vở lẫn kinh nghiệm.