Một đám cưới lấy chồng Việt kiều. Đến giờ, cô dâu vẫn mỏi mòn chờ chồng bảo lãnh xuất ngoại. |
... Tôi nhận được thiệp cưới của Vân, lại một cô bạn nữa lấy chồng Việt kiều! Đến dự tiệc, tôi làm vẻ so bì: “Mày sướng nhá, sắp được xuất ngoại!”. Vân dấm dẳng: “Mày muốn sướng không, tao chỉ cách cho!”.
Vân giới thiệu một loạt bà mối, bảo tôi: “Không tốn kém gì đâu, mấy cha Việt kiều lo hết”. Theo số điện thoại Vân cho, tôi gọi đến gặp bà Ng., người chuyên có “hàng” Việt kiều. Bà Ng. lập tức hẹn tôi đến nhà ngay chiều hôm đó, để “chị em biết mặt”.
Bà Ng. ở một biệt thự nhỏ trong hẻm trên đường Thích Quảng Đức, quận Phú Nhuận. Đó là một phụ nữ trung niên, trang phục diêm dúa. Bà ta vồn vã tìm hiểu tôi đủ chuyện, vừa tranh thủ giới thiệu “hàng”- một kỹ sư Việt kiều Mỹ “mang tâm hồn rất nghệ sĩ, đẹp trai, ga lăng, sành tâm lý phụ nữ”. Bà Ng. khẳng định: “Cưới xong, em muốn ở VN hay sang bên đó cũng được, ảnh chiều vợ lắm!”. Thấy tôi tỏ vẻ thích thú, bà ta hạ giọng: “Ảnh cũng đã có một đời vợ, nhưng ly dị rồi”. Tôi chưa kịp phản ứng, bà Ng. đã chép miệng, khuyên: “Đàn ông đã qua “lửa” biết cách chiều vợ, lo gì”. Chuông điện thoại bỗng reo. Tôi nghe lõm bõm tiếng bà Ng.: “Ổng chê con Hòa hô, sợ làm ăn không tốt... Chắc để kiếm mối khác...”.
Xong chuyện điện thoại, bà Ng. quay lại đon đả: “Em năm nay 22 hả, nhỏ hơn ảnh có 27 tuổi hà!”. Tôi méo mặt cười trừ, sự háo hức vơi bớt. Bà Ng. nhanh nhảu sắp xếp tối hôm sau sẽ để hai bên gặp nhau tìm hiểu. Bà ta căn dặn: “Mai em nhớ trang điểm rồi kiếm cái váy màu tối tối, nhìn đứng đắn một chút. Đừng nhí nhảnh trẻ con quá, ảnh sợ!”.
Đúng hẹn, tôi mặc một bộ váy đen rồi đến nhà bà Ng. Bà ta vẫn chưa vừa ý, léo nhéo: “Sao em không make-up, không biết tiếp thị gì cả!”. Nói đoạn, bà ta nhanh nhảu lấy đồ trang điểm, phết son phấn lên mặt tôi.
Điều chờ đợi rồi cũng đến. Coi mắt tôi là một người đàn ông luống tuổi, mặc quần soọc, áo thun, tóc hoa râm với nụ cười săn đón. Ông ta bắt tay tôi, chào một câu tiếng Tây. Tôi cười ra vẻ e thẹn. Người đàn ông giở giọng “ma ri sến”: “Cô bé xinh thế, từ mặt trăng đi lạc vào đây à?”. Bà Ng. xen ngang: “Thấy chưa, hai người hợp nhau ghê!”, rồi khôn khéo lỉnh mất. Còn lại hai người trong phòng khách, ông Việt kiều đến ngồi cạnh tôi. Tôi nhích người ra sau, phòng thủ theo bản năng. Hỏi chuyện tôi khá nhiều, nhưng ngoài cái tên Trí, ông ta không giới thiệu gì thêm về bản thân. Lát sau, bà Ng. lại xuất hiện, mời chúng tôi đi ăn tối tại một nhà hàng quen trên đường Trần Hưng Đạo, quận 1. Theo sự sắp đặt của bà mối, ông Trí chở tôi trên chiếc xe tay ga bóng loáng. Đi với một người đàn ông xa lạ, chốc chốc lại ngả người về sau gợi chuyện, tôi không khỏi rùng mình.
Để tỏ ra có “tâm hồn nghệ sĩ”, ông Trí bước lên sân khấu “hát với nhau” khoe tài. Bên dưới bà Ng. lim dim mắt thưởng thức, luôn miệng khen hay. Rồi bà ta dúi cho tôi một bó hoa kẹp sẵn mấy tờ giấy bạc, bảo lên tặng ông Trí để “giao lưu tình cảm”. Tôi phải lên tặng hoa với khuôn mặt cố làm ra vẻ tươi vui. Bên dưới, bà Ng. lăng xăng vừa vỗ tay vừa chụp ảnh...
Tiệc tan, trên đường về lại nhà bà Ng., ông Trí huyên thuyên đủ chuyện bằng giọng nói nồng nặc mùi bia. Bất ngờ, ông ta quay lại hỏi tôi có thấy ấm áp không!? Thấy tôi im lặng, ông Trí gật gù: “Em đặc biệt lắm, không giống những phụ nữ bình thường”. Tôi tiếp tục lặng yên. Tưởng tôi “bật đèn xanh”, ông ta quờ tay đặt xuống đùi tôi, suồng sã: “Em đã qua đêm với ai chưa?”. Bắt đầu có chuyện không ổn rồi đây, tôi vờ nghe điện thoại gọi đến, đóng một đoạn kịch bi thương mẹ đau nặng, phải về gấp, rồi nằng nặc cáo từ.
Ngay sáng hôm sau, bà Ng. gọi điện thoại hí hửng báo cho tôi biết ông Trí bị tiếng sét ái tình, thích tôi ngay lần đầu gặp gỡ. Bà ta hào hứng: “Số em sướng thật, đây là cơ hội để em đổi đời đó”, và lại rủ tôi đến nhà. Tôi cáo bệnh, từ chối. Những ngày hôm sau, bà Ng. liên tục gọi điện. Tôi cương quyết không nghe, tắt máy.
“Hai ngày nữa người ta coi mắt tao, Việt kiều Canada”, Trinh nhắn tin cho tôi. Gặp nhau, Trinh cười, khoe: “Bà mối H. gởi hình qua đó cho ông ta. Má tao mới báo hồi sáng. Hôm nay ổng bay, chắc khuya ngày mốt tới. Sáng ngày kia coi mắt luôn”. Giọng nó háo hức. 22 tuổi, bạn tôi chưa một lần cãi mẹ. Tất cả đều là một sự sắp đặt.
Ngày Trinh làm lễ coi mắt, tôi đến phụ. Từ sáng, chưa kịp cho gì vào bụng, bạn tôi đã bị kéo đến một tiệm trang điểm gần nhà. Bà mối H. luôn miệng giục: “Thêm chút son, chồng nó thích con gái trang điểm đậm”. Sau khi được “sơn phết”, bạn tôi bước ra với một gương mặt hoàn toàn lạ lẫm, vừa bồn chồn, vừa náo nức.
Minh, chồng tương lai của Trinh là một anh chàng nhỏ thó, đi xem mắt vợ mà đầu bù tóc rối, râu ria lởm chởm chẳng buồn cạo. Những người trong cuộc bắt đầu làm quen với nhau. Lúc này, cô dâu mới biết chú rể là kỹ sư hóa chất. Đứng cạnh Trinh, tôi nghe một tiếng thở rất dài cố nén.
Hôm sau, Trinh phải đến khách sạn đưa Minh đi chơi để tìm hiểu nhau. Trinh nài nỉ tôi đi chung. Minh luôn miệng đòi ăn món Việt Nam. Chỉ cho Trinh địa chỉ vài quán ăn quen, tôi rút lui. Nhìn anh chàng Việt kiều nhỏ nhắn ngồi sau xe bạn mình, tôi không biết liệu trong vài ngày ngắn ngủi, họ có đủ thời gian để chuẩn bị cho một cuộc sống lâu dài?
Trinh kể, cứ khoảng vài giờ Minh lại đòi đi ăn, hết món này đến món khác. Chẳng biết nói gì, chỉ toàn im lặng, đến ngày thứ ba mới trao đổi được với nhau vài câu. Trinh bảo, ở Canada Minh làm việc bù đầu, nghe bà H. giới thiệu người quen, xem hình thấy hợp nhãn thì về hỏi cưới ngay.
Trinh than buồn, thất vọng, chán chường vì cuộc hôn nhân của nó, rồi rủ tôi đi dạo cho khuây khỏa. Chở Trinh đi, tôi chẳng biết người đang ngồi sau có phải là bạn mình? Trinh vùi mặt vào vai tôi, khóc nấc. Mãi cho đến lúc này, tôi mới nhận ra đây là đứa bạn thân của mình.
Đám cưới được tổ chức một tuần sau đó. Cũng áo hoa, cũng nến, cũng khách mời xênh xang nhưng cô dâu chẳng thấy cười. Linh, cô bạn cũ trong nhóm, xuýt xoa: “Trinh may quá, lấy được Việt kiều”. Trinh quay mặt, chẳng đáp. Sau đêm tân hôn trong khách sạn, chú rể phải bay về Mỹ để kịp đi làm. Cô dâu trở về nhà, bắt đầu cuộc sống chờ bảo lãnh.
Bẵng đi vài tháng, tôi lại gặp Trinh một mình đến nhà thờ cầu nguyện. Trông nó đầy vẻ cô đơn. Sự chờ đợi dễ làm người ta mòn mỏi.
Mới đây, tôi lại nhận được điện thoại của bà Ng., vẫn cái giọng đon đả: “Ông Trí lớn tuổi, không hợp với em, chị biết chứ! Nè, chị có thằng cháu thủy thủ ở Mỹ mới về, chỉ 30 tuổi, hợp với em lắm. Em đến nhé?”. Tôi vừa cười thầm vừa hình dung mớ tiền mà bà Ng. bỏ túi sau mỗi cuộc làm mối thành công...
(Theo Người Lao Động)