Mao Yin sau đó được bán cho một cặp vợ chồng không con ở tỉnh Tứ Xuyên.
Mao được cha mẹ nuôi đổi tên thành Gu Ningning và không hề biết cha mẹ ruột đã tìm kiếm mình hơn ba thập kỷ qua. Cha mẹ đẻ của Mao, ông Mao Zhenjing và bà Li Jingzhi, dành 32 năm đi khắp đất nước tìm kiếm con. Bà Li đã bỏ việc, phát hơn 100.000 tờ rơi và tham gia nhiều chương trình truyền hình với hy vọng con trai có thể nhìn thấy và nhận ra mẹ. Bà cũng trở thành tình nguyện viên giúp tìm kiếm cha mẹ cho trẻ em và hiện đã có 29 trường hợp đoàn tụ thành công.
Năm 2009, Bộ Công an Trung Quốc thiết lập một cơ sở dữ liệu ADN nhằm chống lại nạn buôn người ở nước này. Theo các quan chức, 6.300 trẻ em mất tích đã được tìm thấy thông qua cơ sở dữ liệu. Năm 2016, Bộ đã ra mắt hệ thống nhận diện khuôn mặt và giúp tìm 4.385 trong số 4.467 trẻ em bị mất tích, theo Gong Zhiyong, phó giám đốc Cục điều tra hình sự của Bộ Công an.
Mao cũng nằm trong những trường hợp được tìm kiếm nhờ công nghệ nhận diện khuôn mặt. Hồi tháng 4, cảnh sát Tây An được báo cáo về người đàn ông Tứ Xuyên đã mua một đứa trẻ từ Thiểm Tây vào cuối những năm 1980. Cảnh sát đã sử dụng nhận diện khuôn mặt để phân tích nét mặt lúc nhỏ của Mao, dự đoán khuôn mặt của anh trong tương lai rồi so sánh với hình ảnh có trong cơ sở dữ liệu quốc gia.
Sau nhiều lần điều tra và đối chiếu, cảnh sát tìm thấy một người đàn ông tại thành phố Miên Dương có nét mặt giống Mao. Kết quả xét nghiệm ADN cho thấy đó chính là Mao Yin, người con trai mà Li Jingzhi và Mao Zhenjing đang tìm kiếm suốt 32 năm.
Ngày 18/5, Mao, hiện 34 tuổi, đoàn tụ với cha mẹ ruột trong buổi họp báo do cảnh sát Tây An tổ chức. Sau khi vào hội trường, Mao tiến đến cha mẹ và không cầm được nước mắt. Toàn bộ hình ảnh được truyền hình trực tiếp trên đài Truyền hình Trung ương CCTV.
"Tôi không muốn mất con lần nữa. Tôi sẽ không để điều đó xảy ra", Li Jingzhi nức nở ôm chầm con trai thất lạc.
Hiện Mao quản lý một doanh nghiệp trang trí nhà ở tại Tứ Xuyên, nhưng sẽ chuyển về Tây An sống cùng cha mẹ ruột. Mao cho biết trước đó đã rất cảm động khi nhìn thấy bà Li nói về con trai mất tích trên truyền hình nhưng không hề biết đó chính là mẹ ruột mình.
Không có thống kê chính thức về số trẻ em bị bắt cóc tại Trung Quốc mỗi năm. Trên Baby Come Home, website đăng tin trẻ mất tích tại Trung Quốc, có 51.000 đơn tìm con cái.
Sơn Nam (Theo SCMP)