Nờ Ô Nô là tài khoản do Phạm Đức Tuấn, sinh năm 1996, lập và thường thực hiện video đánh giá quán ăn, cửa hàng. Những ngày qua, TikToker này trở thành nhân vật chính trong làn sóng tẩy chay của cộng đồng mạng khi đăng các video với nội dung "người nghèo ăn gì Nờ Ô Nô cho ăn đó". Dù giải thích là làm với mục đích từ thiện, người này thường xuyên sử dụng từ ngữ mang tính miệt thị, chê bai.
Hàng loạt người dùng đã phẫn nộ và report (báo cáo) tài khoản. Ông Lê Quang Tự Do, Cục trưởng Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử - Bộ Thông tin và Truyền thông, cho biết ngày 27/11 đã nhận được các phản ánh của người dân và đã làm việc với TikTok để xử lý tài khoản. Đến trưa 28/11, TikTok xác nhận đã cấm vĩnh viễn tài khoản Nờ Ô Nô. Động thái này có thể sẽ đi kèm các biện pháp ngăn chặn người dùng tạo tài khoản mới trên cùng thiết bị.
Theo ông Do, nội dung trong một số video của kênh có dấu hiệu vi phạm thuần phong mỹ tục, miệt thị người khác. Đại diện Cục cũng đã đề nghị Sở Thông tin và Truyền thông TP HCM liên hệ với Tuấn để làm việc, xác định vi phạm và có các hình thức xử lý tiếp theo, nhưng chủ tài khoản này hiện đã khóa các kênh liên lạc.
Theo quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử, việc cung cấp, chia sẻ thông tin không phù hợp thuần phong mỹ tục có thể bị phạt từ 5 đến 10 triệu đồng.
Thời gian qua, nhiều người làm nội dung trên YouTube, TikTok, Facebook tại Việt Nam đã bị phạt vì hành vi trên. Tuy nhiên ông Do cho biết, không ít người có tâm lý nộp tiền phạt xong vẫn có thể thoải mái làm nội dung tiếp, dẫn đến tình trạng vi phạm nhiều lần.
"Cục đã làm việc với các nền tảng mạng xã hội để xử lý triệt để hơn, trong đó có yêu cầu khóa vĩnh viễn, chặn nguồn tiền quảng cáo của các tài khoản vi phạm", ông Do nói. Ông cũng khuyến khích người dùng phản ánh khi gặp thông tin vi phạm trên mạng xã hội, hoặc báo lên Trung tâm Tin giả của Bộ Thông tin và Truyền thông, cũng như tẩy chay và không lan truyền những nội dung này.
"Việc vi phạm trên không gian mạng xuất hiện ở nhiều nơi và trong nhiều lĩnh vực khác nhau, vì vậy cần sự hỗ trợ của người dùng để phát hiện và ngăn chặn", ông Do nói. "Trong trường hợp của TikToker Nờ Ô Nô, phản ánh từ người dân, trong đó có nhiều người có sức ảnh hưởng đã lên tiếng, góp phần làm trong sạch không gian mạng".
(Theo Vnexpress)