“Ngay sau khi phỏng vấn xong, thì mức lương ông ta đề nghị với tôi là 350 USD/tháng!”. Cô tân cử nhân choáng váng vì mới hôm qua thôi còn nhận tháng lương dạy kèm vỏn vẹn 300.000 đồng.
Lương được phát vào đầu và giữa tháng. Nguyễn Ngọc Nga, kế toán một công ty Nhật Bản, cầm 200 USD, hơn 3 triệu trong tay mà hoang mang lo lắng “Trời ơi, biết tiêu gì cho hết ngần này tiền. Mà chỉ 2 tuần nữa thôi, mình lại có tiếp 2 triệu nữa?”
Đó là gần 2 năm trước. Bây giờ, Nga đã ở trong một căn phòng thuê 1 triệu/tháng, ngay quận 3, TP HCM một mình. Căn hộ của một cô gái độc thân gồm có: 1 chiếc Viva, một tủ áo 3 cánh đầy nghẹt áo váy, một chiếc kệ 5 tầng ngổn ngang những món đồ “thấy thích thì mua chứ cũng không biết là để làm gì”; một dàn máy vi tính; một TV màn hình phẳng, một đầu DVD; nồi cơm điện; lò vi ba; máy giặt; tủ lạnh.
Và đi cùng cô, ngồi cùng cô, ngủ cùng cô, thao thức cùng cô là khoản tiền tạm ứng ở cơ quan 2.000 USD (nói dối là vay để mua đất, trong khoản tiền hỗ trợ nhân viên ổn định cuộc sống của công ty), cùng vô số những món nợ rải rác trong bạn bè đến mức bộ nhớ của cô đã phải nhờ đến 1 cuốn sổ bìa da be bé ghi lại hộ.
Nguyễn Thanh Hà, Designer của một công ty quảng cáo tư nhân, cũng rơi vào cái gọi là “cạm bẫy tiền” như Nga. Ngay từ ngày nhận tháng lương đầu tiên, thì tất cả những khát khao mua sắm, sở hữu, tiêu pha bị dồn nén suốt từ nhỏ bùng nổ, lôi Hà chạy băng băng về phía những Super Market, Shop, Show Room.
Tan sở lúc 17h30, nhưng hôm nào cũng quá 21h Hà mới về được đến nhà. Mấy tiếng đồng hồ đó, Hà cùng nhóm bạn làm một tour shop, mua sắm tất cả các sản phẩm phục vụ cho Top to Toe. Số di động của cô rải ở khắp các shop, ngày nào cũng có các cô bán hàng gọi tới, thiết tha thông báo “Em, chiều nay ghé nha, có hàng mới về”.
Hà là nỗi ước ao của tất cả các chủ hàng, cả khi cô không có tiền cũng được nài nỉ: “Em cứ lấy về mặc đi, không đứa khác thấy nó dzợt mất. Tiền bạc, hồi nào có đưa sau”. Thậm chí họ còn mời Hà đến dự sinh nhật và đám cưới nữa!
Thu nhập suýt soát chục triệu một tháng, ở nhà ba mẹ, ăn cơm ba mẹ, đi làm gần 4 năm, cô vẫn không để dành được một chút tiền nào. Có một lần vào chiều thứ 3, Hà lôi ví ra, đếm đi đếm lại còn hai tờ 500.000 đồng và một tờ 100.000 đồng. Cô buột miệng than “Trời ơi, còn có chừng này làm sao sống đủ cho tới cuối tuần”. Lũ bạn quay mặt đi, ghép cô vào tội “Chảnh”. Nhưng cô đâu có ý trộ bà con, sự thật đúng như vậy đấy.
Việt Hùng là trưởng phòng nhân sự một công ty nước ngoài, lương 1.100 USD/tháng. Anh đóng tiền ăn cho mẹ 2 triệu, còn giữ lại tất. Và hiện giờ, hơn 50 triệu là số tiền vay nợ của anh.
Hùng không mua nhà, đất, cũng không mua xe, không bị cô nàng nào “ngon ngọt móc túi” cả. Anh chỉ tiêu pha bình thường thôi. Tuy nhiên anh thú nhận hình như bị nghiện cái cảm giác móc tiền ra để mua một thứ nào đó. “Lúc nào tôi cũng nghĩ đến những thứ mình cần mua. Mua cho mình, cho gia đình, cho bạn bè, thậm chí là bạn của bạn anh cũng rất hay được đột nhiên tặng quà. Anh cười: “Đâu có lý do gì đâu”. Thực ra, là cũng có lý do đấy: để thoả mãn “khoái cảm tiêu tiền” mà không bị dằn vặt là mình hoang phí.
Cưỡi trên chiếc @, Ngọc Tiến (nhân viên bán vé máy bay) cứ phải liên tục thay, dán đề can hai bên hông xe. Hẻm trước nhà anh quá nhỏ. Chỉ cần nghiêng người tránh một chiếc xe đạp thôi, thì cái bụng kềnh càng kia đã quệt vào tường nhà người khác, lãnh sẹo. Trong khi đó, để được vi vút trên con xe này, Tiến đã lãnh nợ ngân hàng đến 70%.
Không phải Tiến không thấu hiểu nỗi phiền phức của một người ở hẻm nhỏ, đi xe to, thu nhập thấp, lãnh nợ cao. Nhưng thà rằng như thế…
Hồng Xuân (biên tập viên tạp chí), mướn 1 phòng trọ chưa đầy chục mét vuông ở cùng cô em. Góp nhặt, vay mượn 4 phương, Xuân mua một con Attila. Mỗi khi cho xe vào ra là 2 xếu mếu. Mỗi tối đi ngủ, 2 chị em phải nằm… đút chân xuống dưới gầm xe mới vừa.
Vậy mà mới đây, cô em, vừa kiếm được việc làm, liền bày tỏ dự định “Chị thấy chiếc XO chưa? Mê hồn! Em sẽ dành tiền, nhờ mẹ mượn thêm ngân hàng để ẵm nó về”.
Xu hướng chung của nhiều thanh niên là mua sắm thật nhiều, rồi còng lưng ra cày trối chết. Trả nợ này chưa xong, lại một chiếc di động, một dàn âm thanh tối tân với những tính năng ưu việt khác rơi vào tầm ngắm. Nợ nhiều hơn, cày nhiều hơn…
Nguyễn Hải chưa đầy 25 tuổi mà nằm trong “Câu lạc bộ 10 triệu”. Ki bo chắt bóp, cộng thêm mượn nợ, chàng mua được một miếng đất. Nợ đất chưa trả xong, Hải ém lại đó. Tiếp tục ki bo chắt bóp, vay thêm ngân hàng 400 triệu, Hải cất lên một căn nhà hai tầng rưỡi thật “mỹ thuật”. Hải lao vào làm việc over night. Hải tự hạ lệnh cho mình “Không được ốm. Nếu không muốn ngân hàng đến… đoạt nhà siết nợ”. Không có thứ 7, ngày 24h, Hải ở văn phòng cày thêm kiếm tiền. Căn nhà rộng mênh mông, được lên tạp chí trong mục “Góc nhà đẹp”, mà chỉ có chuột ở.
“Một người không nợ nần là một kẻ không giàu có”, hay “một quốc gia không nợ nần là một quốc gia nghèo kiết xác”. Đó là định lý được phát biểu bởi những người có biết chút chút về kinh tế. Và được những nhân vật “bóc ngắn cắn dài” sử dụng như bùa hộ mệnh. Nhưng, chớ có lờ tịt đi khái niệm nợ tiêu cực và nợ tích cực trong định lý trên như thế chứ!
Nó tiêu cực: là những khoản vay mượn chỉ khiến cho chúng ta ngày càng nợ chồng nợ chất mà thôi. Đó là vay để mua xe cộ, âm thanh, ánh sáng, áo xống tiêu pha… Tất tần tật những dịch vụ, những thứ hàng hóa tiêu dùng “giá trị sẽ mất dần và… hết hẳn theo thời gian”.
Nếu nợ tích cực: Là những món nợ khiến chúng ta ngày càng thêm giàu có. Ví dụ nhé: bạn vay tiền để mua đất đai, nhà cửa, mua chứng khoán, góp cổ phần, triển khai dự án kinh doanh, để theo đuổi việc học hành… Nợ tích cực càng nhiều, càng chứng tỏ bạn là người có tiềm lực kinh tế.