H., thành viên một nhóm quý tộc tuyên bố khá xanh rờn: "Hôm nay tiêu hết mai lại có". "Nói có sách, mách có chứng" khi từ đầu đến chân của nàng đều được made in hàng hiệu đến nỗi bao đứa bạn cùng hội còn phải phục sát đất.
"Công chúa" thay cho cái tên cúng cơm H., không diện đầm dạ hội dát vàng mà là bộ cánh của tuổi trẻ thế hệ @, quần jean bó sát với chiếc áo nhìn thường thường "vài trăm đô chớ mấy". Hay thử nghía đôi dép tưởng cỡ mấy chục, ai dè "bèo lắm", bay đứt nửa tháng lương dạy kèm của sinh viên nghèo.
Như thế vẫn còn "thường chán" khi một tiểu kiều nữ có thói quen chỉ dùng trang phục hay “phụ kiện” đi kèm được giới thiệu qua các người mẫu trên báo. Còn thời trang tóc thẳng cũng trở nên "quê cả cục" rồi nên lâu lâu lại uốn một kiểu, nhuộm tim tím cho có vẻ "khác người". Đó là chưa kể tới bọn dế siêu mỏng hay siêu nhẹ gì đó nữa. Vì thế mà các "vệ sĩ" quanh các cô cũng thuộc hàng top, thấy chàng nào có dấu hiệu "quê quê" thì sớm muộn gì cũng cài số ze.
Sau vài lần "lỡ đò", cuối cùng cũng được "đặc cách" tháp tùng hội "những ai nhà quận 1". Cuối tuần không phải "bù khú" ở nhà mà phải "đi đâu đó". Trước tiên chiếc xe Wave phải ở tạm nhà gửi xe, còn gia chủ ngồi ké "con SH" cho khỏi “lạc loài”.
Cũng thật mừng khi điểm dừng tiếp theo không phải ở bar mà là… tòa nhà cao nhất thành phố để uống cà phê và nói chuyện "trên trời dưới đất". Vô tình nhắc đến chuyện học hành khiến họ nghĩ không tới giây nào bởi "đó là chuyện nhỏ, tương lai tụi này đã được trời định sẵn rồi".
Liệu có lo hão không khi sau này những bạn trẻ "học chỉ là vỏ bọc" đấy sẽ nắm giữ một vai trò nào đấy trong xã hội. Và suốt cuộc "vi hành" cùng họ, đấng sinh thành cũng có xuất hiện "ông bà bô tao dạo này bắt đầu thắc mắc làm gì mà tiêu nhiều tiền thế", Quỳnh “Thỏ" (vì nhìn hiền đến lạ) trình bày khó khăn với các "chiến hữu". Nhẩm tính chi phí cho một ngày "đi sơ sơ cho bà chị biết thú vui của tụi này" cũng đi tong nhuận bút vài bài báo dài hơi nếu được đăng. Cứ nghe và nhìn để thấy xót xa, thấy tự dưng mình tiếc cho tiền của người dưng.
Có lẽ suy nghĩ "tiền là công cụ giải khuây" thường bắt nguồn và phát huy hết công dụng từ những cô chiêu cậu ấm, con cái của các gia đình giàu có và thường là bố mẹ không dành nhiều thời gian cho khúc ruột của mình. Mà nhiều khi nguyên nhân cốt lõi bởi họ chỉ đơn thuần cho rằng kiếm nhiều tiền để con cái bằng bạn bằng bè. Thế nên cần bao nhiêu cũng cho, thỉnh thoảng cáu gắt nhưng rồi cũng ậm ừ "xìa" ra.
Có lẽ một phần do công việc làm ăn của những người này đem lại nhiều ngân phiếu nên "có tiêu cũng là con mình chứ ai" là suy nghĩ khó tránh khỏi. Còn khi túi không nặng lắm hay "không quen ít tiền" như lời A.T. (một công tử con nhà dệt) thì sẽ tái xuất những chiêu để "móc túi" bà mẹ "thấy con buồn một tí là lo sốt cả vó lên".
Không những thế mà nhiều "con ngoan" còn sử dụng chiến thuật "móc túi" bố mẹ mình một cách rất trí thức, đó là du học nước ngoài. Từ đó họ sống như một doanh nhân thành đạt, thỉnh thoảng phải về thăm bố mẹ vì "nhớ". Vô hình trung với những người "ít tuổi đời" song "sỏi ăn chơi" này thì tiền chính là điều không thể thiếu và thật đơn giản khi "tụi này sinh ra là để tiêu tiền".
Tuy nhiên, bên cạnh những cô chiêu, cậu ấm thứ thiệt còn có những bạn trẻ giỏi tài ăn chơi đua đòi trong khi ở quê bố mẹ cày từng sào ruộng, bán từng gánh cháo dành dụm nuôi họ ăn học. Và khi không thể bỏ được bệnh "nghiện" xài đồ sang, không muốn bị cho là "cù lần" nên không ít bạn đã lao vào những con đường bất chính khiến nhiều cô gái trở thành "má" chính hiệu, là thú vui cho khách làng chơi.
(Theo Công An Nhân Dân)