Từ những ý tưởng kinh doanh táo bạo trong khi còn gặp nhiều khó khăn về đồng vốn, họ vẫn quyết tâm khởi nghiệp bằng niềm đam mê và khát vọng làm giàu... Bạn bè hay gọi hắn là Thắng... "Tài Dậu" nhưng hắn không phải dân cờ bạc hay là một ông trùm xã hội đen. Hắn là dân hi - tech "pro" với kinh nghiệm gần 7 năm trong lĩnh vực buôn bán, lắp đặt máy tính. Đó là Nguyễn Đại Thắng, sinh năm 1983, nguyên là sinh viên chuyên ngành mạng máy tính, ĐHQG TP HCM. Hồi đó là khoảng tháng 8/2005. Trong cái hẻm nhỏ xíu ở đường Nguyễn Trãi bỗng mọc lên một cái quán cà phê "công nghệ cao" có cái tên rất Tây "DZI" trong khi bên cạnh vẫn là những tiệm hớt tóc, quầy bán bánh mì, hủ tíu bình dân... Quán nhỏ, âm thầm với một nhóm ông chủ trẻ măng nhưng hiếu khách. Giữa thời buổi "trên trời dưới cà phê" với vô vàn những "lâu đài cà phê" trị giá hàng tỷ đồng mọc lên như nấm thì nhiều người e ngại cho quán cà phê nhỏ xíu DZI, cho ý tưởng kinh doanh của nhóm bạn Thắng. Trước đó cả năm trời, Thắng phải lang thang khắp thành phố để tìm địa điểm cho thuê mặt bằng. Tìm được một ngôi nhà cho thuê nguyên căn phù hợp tại quận 1, Thắng quyết định chọn địa điểm mở quán. Cà phê DZI được mở với ý tưởng phục vụ dân yêu thích công nghệ thông tin. Tại đây, Thắng "wifi" muốn chia sẻ với bạn bè những gì hắn hiểu biết về PDA, Pocket PC, laptop..., tất cả những gì được coi là công nghệ cao, là sành điệu vào thời điểm này. Khi đó Thắng đã là thành viên ruột của mạng ppcvn.com, mạng chuyên về PDA, Pocket PC... Nhưng chuyện đời, nhất là thương trường thì không bằng phẳng như người ta mơ ước. Hồi mới mở, 5 thành viên ai cũng hừng hực khí thế với máu mê làm giàu nhưng chỉ được một thời gian, bốn người lần lượt bán cổ phần, nói lời "goodbye" với Thắng. Không mâu thuẫn. Không cạnh tranh. Nhưng nhóm bạn trẻ dường như không chịu được áp lực công việc, không chịu được cảnh kinh doanh tích cóp từng đồng trong quán cà phê. Thắng dường như sụp đổ, nhớ về thời điểm run run xin phép bố mẹ mở quán: "Ý tưởng mở quán cà phê dành cho những người ưa thích công nghệ cao lúc đầu không được bố mẹ em đồng ý". Dốc hết tiền từ những năm bôn ba "chợ đen" làm vi tính, Thắng nghiến răng mua lại cổ phần để tự tay gầy dựng một DZI mới. Một loạt "đồ chơi" sành điệu được mua về: laptop, PDA, Pocket PC... với những dòng chơi thời thượng nhất: IBM, HP, O2... Quán cà phê của Thắng bỗng trở thành một siêu thị hi-tech mà bất kỳ ai đến cũng phải phát thèm: Bán cà phê, trình diễn, giới thiệu, chia sẻ những sản phẩm công nghệ cao đời mới trở thành hướng kinh doanh cực kỳ hấp dẫn với khách hàng. Chưa một quán cà phê IT nào ở Sài Gòn lại có đường hướng kinh doanh mới mẻ và táo bạo như vậy! Nhờ DZI, cái hẻm nhỏ bình dân bỗng sôi động và đổi mới. Những vị khách VIP đã ghé quán: doanh nhân, dân IT, giới trẻ sành điệu. Họ đi Dylan, SH và dùng những chiếc ĐTDĐ, laptop tối tân. Cà phê DZI trở thành nơi thuận tiện để giao lưu học hỏi kinh nghiệm cho những ai đam mê và muốn khám phá các tiện ích mà thiết bị công nghệ cao có thể đem lại. Sáng sáng, ghé DZI sẽ bắt gặp cảnh những vị khách VIP cắm cúi bên laptop, Pocket PC lướt web, check mail... nhâm nhi cà phê. Tại đây, khách được chăm sóc tận tình, mọi thắc mắc về công nghệ đều được chia sẻ, giải thích thấu đáo. Một chiều tôi gặp Thắng ở DZI, Thắng than: "Thực ra đến giờ bán cà phê vẫn lỗ, mỗi tháng em phải bù vô 5-6 triệu đồng. Nhưng thích thì "nuôi" nó thôi! Em muốn tạo DZI thành một thương hiệu cho cà phê, máy tính, mạng, design… Một tổ hợp của DZI". Tôi nghĩ Thắng có thể tiến xa hơn với khát vọng của mình. Thắng chia sẻ một chút thành công từ DZI, một việc làm rất thiết thực mà sắp tới Thắng sẽ triển khai: "Em đang tiến hành lắp đặt hệ thống wifi cho nhà văn hóa sinh viên. Tiến tới sẽ thành lập CLB PDA để những người có chung sở thích cùng chia sẻ". Nhóm 3T và giấc mơ Viet's top Cà phê Viet's top, một trong những quán cà phê wifi đồ sộ nhất Sài Gòn hiện đang là điểm đến quen thuộc của dân hi-tech. Để nó ra đời, nhà đầu tư phải bỏ ra gần 7 tỷ đồng. Nhưng ý tưởng khai sinh và những người điều hành để nó phát triển như ngày nay lại là một nhóm bạn, "nhóm 3T": Lê Danh Tuyên, Đào Phúc Trí, Nguyễn Tường Ngọc Trung. Thật ngạc nhiên vì họ còn rất trẻ: Cùng sinh năm 1980. Trí, một trong 3 thành viên "3T" tâm sự: "Tụi em là bạn thân. Từ lúc còn đi học, ba đứa đã ấp ủ cùng nhau làm một việc gì đó". Câu chuyện chung tay làm giàu của "3T" đã bị gác lại khi cả ba vào đại học, mỗi người một nơi: Tuyên học ở Mỹ, Trung sang Đức, Trí ở lại Việt Nam. Nhưng khoảng cách địa lý không ngăn cản được ước mơ của họ. Những dịp nghỉ hè ngắn ngủi, họ lại chụm đầu với nhau tính toán, bàn bạc: ý tưởng mở một quán cà phê công nghệ cao ra đời. Ròng rã ba tháng trời, Trí và Tuyên lê la khắp các quán lớn nhỏ ở Sài Gòn để "ngồi thiền cà phê" và tìm hiểu. Mắt hai đứa cứ giương lên để quan sát. Rồi học hỏi kinh nghiệm; từ kinh doanh, quản lý, pha chế, phục vụ... Tối về lại bàn bạc, phân tích, tính toán. Một đề án kinh doanh dày 50 trang được đóng gáy. Xong xuôi, cả hội mới... chợt nhận ra: Lấy tiền đâu để làm? Cả bọn quyết định mời gọi nhà đầu tư. Một chuỗi tháng ngày trần ai đã đến với họ: Tìm quan hệ, lên lịch hẹn, thuyết trình. Rồi chạy liên tục. Ẩn chứa sau niềm hy vọng mong manh là cả một nỗi lo lớn: Nếu nói không hết, nhà đầu tư không tin tưởng. Nếu nói hết, bị "chôm" luôn ý tưởng... Gặp lần thứ nhất, "nhà đầu tư" lắc đầu. Lần thứ hai. Lần thứ ba cũng vậy... Đến lần thứ ba mươi. Kết quả cũng không khả quan hơn. Các "nhà đầu tư" lúc đầu rất hứng thú gặp, rất hứng thú lắng nghe và rất hứng thú... hứa. Nhưng kết quả thật phũ phàng: Liên lạc lại, người thì tắt máy, người thì "bận đi du lịch", người thì... lộn số. Có những lần thương thuyết tưởng tiền sẽ được chuyển đến ngay, cả hội mừng như bắt được vàng! Nhưng rồi "nhà đầu tư" cũng khéo léo từ chối. Ý tưởng của "3T" cứ bay theo những lời hứa. Trí nhớ lại: "Tụi em "nhục" rồi thành... quen. Ba đứa động viên nhau và cùng hy vọng: "Nếu không được, họ cũng giới thiệu cho mình nhà đầu tư khác. Quan trọng hơn, mình xây dựng được quan hệ, sau này nếu thành, họ sẽ là... khách quen của quán mình"". Có lần thương thuyết làm Trí nhớ mãi: Lần đó là lần thứ ba mươi mấy, gặp được nhà đầu tư thật lạ lùng, kỳ quái. Anh ấy không hề nghe tụi em nói, không hề quan tâm, đang nói chuyện này lại xọ sang chuyện khác. Bực mình đến mức, Trí xin đi toilet, sau bỏ qua bàn khác ngồi để Tuyên thương thuyết một mình. Rồi cũng thất bại. Mất đến bốn tháng trời ròng rã "buôn nước bọt", "3T" mới thuyết phục được bốn nhà đầu tư. Họ tin tưởng hoàn toàn vào năng lực và sức trẻ của nhóm. Tiền tỷ được rót về. Tỷ lệ ăn chia 8/2 nghiêng về nhà đầu tư. Họ quyết định chọn địa điểm mở quán ở đường Nguyễn Thị Minh Khai khi mà sau lưng là... hồ Con Rùa, "kinh đô" của cà phê thượng lưu Sài Gòn. Gần như là một lời tuyên chiến! "Buôn có bạn, bán có phường, tụi em có đường đi riêng nên không ngại cạnh tranh". Nhưng thương trường không hề bằng phẳng. Ngày Viet's top sắp mở ra cũng là ngày khai trương một tổ hợp cà phê khác giống... y chang, từ bố cục quán, phong cách, đường hướng kinh doanh. Điều cả nhóm lo sợ đã đến. "Một là trùng ý tưởng. Hai là ý tưởng của tụi em đã bị ăn cắp!", Trí coi như đó là một bài học. Ngày Viet's top ra đời, nhiều khách cà phê sành điệu cũng phải tấm tắc trước kiến trúc mới lạ của quán: Quán cà phê được "xây" bằng kính suốt từ tầng trệt lên lầu hai! Dân hi-tech vác laptop, PDA... lên uống cà phê rồi kết nối wifi... ầm ầm. Có khách chọn luôn Viet's top làm "văn phòng không dây": uống cà phê, tiếp đối tác và làm việc trên mạng liên tục. Những ngày này, "3T" đang rất háo hức. "Quán cà phê bằng kính" đầu tiên đã thành công và sắp được tu sửa và mở rộng. Quán thứ hai sẽ tiếp tục được mở ra. Nhưng ước mơ của nhóm còn hơn thế: "Tụi em sẽ mở rộng mô hình Viet's top ở những thành phố lớn. Công ty Viet's top cũng mở rộng kinh doanh du lịch sinh thái cùng nhiều ý tưởng mới mẻ", Trí tâm sự. (Theo Thanh Niên) |