Quán nhỏ góc đường Chả Cá - Lãn Ông (Hà Nội) không có biển hiệu mời gọi, cũng không có chỗ để xe rộng rãi, khách cũng không quá tấp nập nhưng chẳng ngày nào là ế hàng suốt bao năm nay. Bác chủ hàng chỉ có một nồi nhôm to để bán hàng, chỉ cần mở vung ra là mùi hương ngai ngái, nhưng không khó chịu của các vị thuốc bắc lan tỏa một góc phố.
Tiết tần thuốc bắc là món ăn bí kíp níu chân nhiều thực khách đến với con phố yên tĩnh và cổ kính. Giữa nhiều loại thuốc đông y tỏa hương ngào ngạt, dìu dịu thì dường như tiết tần, mì gà tần là món ăn đặc sản của tuyến phố chuyên bán thuốc này.
Nếu chỉ nhìn sơ qua thì nhiều bạn sẽ lắc đầu bởi món ăn không có màu mè hấp dẫn hay kích thích vị giác, thậm chí là còn hơi khó ăn một chút bởi vị của các loại thuốc lan tỏa. Thế nhưng, nếu đã nghiện thì chỉ cần ngửi ở đâu đó hương thuốc bắc thoang thoảng là bạn sẽ nghĩ ngay tới món tiết tần bốc khói nghi ngút.
Những ngày mưa rét mùa đông là khi quán đông khách nhất. Từng khối tiết cắt vuông vức, mịn màng, nóng bỏng lưỡi quyện với mùi đăng đắng, thơm thơm của lá ngải cứu sẽ khiến bạn ấm sực người ngay lập tức. Nhưng không phải vì thế mà mùa hè quán không bán được hàng. Nếu đã trót mê thì thời tiết chẳng ảnh hưởng gì tới việc thưởng thức cả.
Tiết tần được để trong một nồi lớn, đường kính gần một mét và được đun trên bếp than hồng để đảm bảo luôn nóng sốt. Tiết được hầm chung với lá ngải cứu và một số loại thuốc đông y như hạt ý dĩ, táo tàu nên rất bổ dưỡng, đặc biệt, lá ngải cứu có tác dụng rất tốt cho những người có bệnh đau đầu kinh niên. Những vị thuốc này khiến nước hầm có màu nâu sậm, bốc mùi hương hơi nồng nhưng rất dễ chịu. Lá ngải cứu được lựa chọn để chế biến món ăn này phải không quá non hoặc quá già mới cho ra được đúng vị chuẩn, nếu quá non hoặc quá già sẽ khiến nước dùng bị nồng quá hoặc đắng gắt. Khi ăn, tiết tần sẽ chấm cùng tương ớt vắt chanh hoặc muối ớt chanh để thêm phần đậm đà.
Thực ra, tìm được "cạ cứng" để rủ đi ăn tiết tần không phải dễ vì đây không phải là món ăn có sức hấp dẫn với đa số người ăn. Tuy nhiên, một "vũ khí" lợi hại không kém của quán nhỏ chính là khoai lang tím tẩm bột đường mà ai cũng mê, đặc biệt là các em nhỏ. Dường như chẳng liên quan đến nhau nhưng hầu như ai tới ăn cũng phải gọi cho kỳ được một bát tiết kèm một đĩa khoai rán, một món ngọt ngào và một món đăng đắng.
Khoai lang tím thái miếng nhỏ rồi lăn qua bột mỳ và thêm chút đường rồi rán ngập trong chảo. Công đoạn chỉ có vậy nhưng lại cho ra thành phẩm là những miếng khoai thơm thềm, lớp vỏ ngòn ngọt, thơm ngậy và dẻo dẻo đặc trưng, không thể nhầm lẫn với những quán khác. Trước đây, quán dùng khoai vàng nhưng khi vào mùa, bác chủ quán đổi sang dùng khoai lang tím khiến món ăn thêm bắt mắt và ngon miệng hơn.
Nếu đến quán lần đầu mà không thấy biển hiệu, hãy chú ý đến hình ảnh một bà cụ tóc bạc trắng, hồn hậu và có dáng dấp của những thiếu nữ Hà thành xưa đang ngồi bên chảo nóng. Tuy tuổi đã cao nhưng ngày nắng cũng như ngày mưa, cụ bà vẫn đều đặn giúp con cháu rán khoai bán hàng, bác chủ quán cũng là con trai của bà. Thoạt nhìn qua, bác ấy có vẻ hơi "bặm trợn" một chút nhưng khi tiếp xúc, người ăn sẽ thấy một người chủ quán chu đáo, mến khách và đặc biệt, khi giao tiếp vẫn mang đúng phóng cách tế nhị của người Hà Nội.
Ngoài hai món chính, quán nhỏ còn bán thêm mỳ gà tần, mỳ mọc, bún mọc, tim mề gà... Tuy không hảo hạng được như mỳ gà tần vỉa hè Hàng Cân nhưng chất lượng cũng không tệ, thịt gà ta dai mềm, thấm đẫm vị thuốc bắc. Về đồ uống thì bạn nên chọn sữa ngô, mùi vị cũng khá thơm ngọt.
Tuy nhiên, khi ăn ở đây, bạn nên để ý đến lịch âm một chút vì bác ấy không mở hàng vào ngày rằm và mùng một hàng tháng. Giá cả khá phải chăng, chỉ hơn 100.000 đồng một chút thì 2-3 người có thể ăn no. Quán mở từ 5h30 chiều tới tối, địa chỉ 38 Chả Cá, ngay ngã tư Chả Cá - Lãn Ông.
Bài và ảnh: Shironeko