Ngày 25/1, đám cưới Ngọc Quyên diễn ra tại Mỹ với nhiều trò chơi vui nhộn, tạo không gian thân thiện cho tiệc đãi khách. Các cô dâu chú rể Việt cũng có thể học hỏi cách tổ chức này để không khí ngày cưới đáng nhớ, ấn tượng. Có nhiều tiết mục, trò chơi đơn giản mà bạn có thể áp dụng cho ngày cưới, đặc biệt khi bạn tổ chức cưới dành riêng cho bạn bè, các trò chơi lại càng trở nên quan trọng, gắn kết mọi người trong tiệc. Ngoisao.net sẽ gợi ý một số cách khuấy động không khí tiệc đãi khách.
1. Tung hoa
Trong đám cưới phương Tây, cô dâu tung bó hoa cưới tặng khách mời là tiết mục không thể thiếu. Phần tung hoa của cô dâu vừa là nghi lễ trong tiệc cưới, vừa có thể coi là một trò chơi đem lại niềm vui cho mọi người. Các cô gái độc thân trong lễ cưới đều có thể tham gia để nhận bó hoa cưới của cô dâu. Cách thức tung hoa đơn giản, cô dâu đứng trên sân khấu tiệc, quay lưng về phía mọi người, còn những cô gái độc thân khách mời đứng thành nhóm phía sau. Cô dâu sẽ tung bó hoa về phía ngẫu nhiên. Người nào nhận được bó hoa của cô dâu được coi như sẽ là người tiếp theo nhận được hạnh phúc từ tình yêu.
2. Chú rể tháo ruy băng may mắn
Tương tự như trò tung hoa, những chàng trai độc thân tới dự đám cưới cũng có dịp nhận được tín vật may mắn từ chú rể. Trước hôn lễ, cô dâu sẽ buộc một chiếc ruy băng nhỏ vào chân, có thể ở cổ chân, bắp chân hoặc thậm chí ngang đùi. Sau khi nghi thức cưới kết thúc, chú rể sẽ có "nhiệm vụ" tháo được chiếc ruy băng này. Nhưng điểm đặc biệt là chú rể chỉ được dùng miệng để làm việc này. Nếu trò chơi khó khăn, chú rể có thể phải loay hoay cả chục phút mới gỡ được vòng ruy băng đó.
Ruy băng của cô dâu sẽ là món quà dành cho các chàng trai độc thân trong đám cưới. Chú rể cũng sẽ tung ruy băng vào người ngẫu nhiên. Người nhanh tay bắt được ruy băng coi như đã dành được may mắn của chú rể và sẽ nhanh chóng có hỷ sự.
Đây là trò chơi vui nhộn nhưng cũng không kém phần táo bạo nên uyên ương cần cân nhắc áp dụng trong đám cưới, hoặc nên thông báo trước với cha mẹ và xin phép khách mời lớn tuổi.
3. Cô dâu chú rể tâm đầu ý hợp
Trong đám cưới, khách mời sẽ muốn chứng kiến tình cảm thắm thiết của đôi uyên ương. Vì vậy trò chơi nhỏ thể hiện sự đồng điệu, thấu hiểu nhau của cô dâu chú rể sẽ thu hút sự chú ý của mọi người. Đạo cụ của trò chơi khá đơn giản, gồm 2 chiếc ghế và 2 đôi giày của cô dâu chú rể.
Cô dâu chú rể ngồi vào hai ghế, xoay lưng lại với nhau. Trên tay mỗi người sẽ cầm 2 chiếc giày lệch nhau, một chiếc giày của cô dâu và một chiếc giày của chú rể. Người chủ trì trò chơi sẽ hỏi hai nhân vật chính một câu hỏi, nội dung liên quan đến chặng đường tình yêu của đôi uyên ương. Ví dụ, câu hỏi có thể là: "Ai là người cầu hôn trước", khi có đáp án, cả hai cùng giơ cao chiếc giày tương ưng. Chiếc giày của cô dâu sẽ tượng trưng cho cô dâu, ngược lại, giày chú rể sẽ tượng trưng cho chú rể.
Đây là trò chơi tuy đơn giản nhưng vui nhộn vì nếu những câu trả lời không giống nhau sẽ trở thành đề tài hài hước để các vị khách cùng "phỏng vấn" cô dâu chú rể. Trò chơi này cũng phù hợp với đám cưới có không gian nhỏ gọn, tạo sự thân mật giữa uyên ương và khách mời.
4. Bịt mắt tìm nhau
Tiết mục này được đặt ra để thử thách cô dâu hoặc chú rể, phải tìm được đúng người bạn đời của mình. Ví dụ, chú rể là người phải "vượt qua thử thách", chú rể sẽ bị bịt kín mắt, sau đó, người chủ trì trò chơi sẽ tìm ra khoảng 10 người, có thể là người thân, bạn bè của đôi uyên ương trong đó có một người là cô dâu thực sự.
Chú rể sẽ phải tự tìm được cô dâu trong khi mắt đã bịt kín. Khó khăn hơn, chú rể chỉ được nhận diện cô dâu qua một phần nhỏ trên cơ thể, có thể là bàn tay, chân hay mái tóc... Trò chơi này sẽ gây ra nhiều tình huống hài hước khi chú rể đi tìm cô dâu. Ngược lại, cô dâu cũng có thể là người trải qua thử thách tìm chú rể.
Chỉ với sự chuẩn bị đơn giản, các cô dâu chú rể sẽ khiến đám cưới bớt nhàm chán và có nhiều thời gian tương tác với khách mời hơn.
Linh Linh