15h10 chiều 29/7, chiếc máy bay thân rộng Airbus 350 của hãng hàng không Vietnam Airlines về từ Guinea Xích đạo hạ cánh xuống sân bay Nội Bài, Hà Nội, kết thúc hành trình 12 tiếng đưa 219 người Việt Nam hồi hương an toàn. Trong số hơn 200 hành khách trên chuyến bay này, 129 người mắc Covid-19. Năm xe cứu thương đã túc trực sẵn, đưa năm bệnh nhân nặng rời đi sớm nhất, những người còn lại di chuyển về Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 tại Đông Anh để cách ly và điều trị. Phi hành đoàn gồm 18 người cũng được đi cách ly ngay sau đó...
Về tới khu cách ly, đặt vali, cởi bỏ đồ bảo hộ, ngả lưng xuống giường, tiếp viên Trương Anh Tú, 38 tuổi, mở điện thoại và nhận "cơn mưa" tin nhắn cùng cuộc gọi hỏi thăm. Anh là một trong hai tiếp viên xung phong phục vụ ở khoang có bệnh nhân dương tính.
10 năm làm nghề, bay không biết bao nhiêu lần nhưng với Tú, chuyến hôm 29/7 đặc biệt nhất với anh. Ngay khi có thông tin về chuyến đón công dân Việt Nam ở Guinea Xích đạo, chàng trai Hà Nội ngay lập tức xin đi làm nhiệm vụ. Đợt đón công dân từ tâm dịch Vũ Hán (Trung Quốc) trở về, anh cũng đăng ký nhưng không được chọn. Lần này, anh cùng 7 tiếp viên nữa được thông báo sẽ có mặt trên chuyến bay tới Guinea Xích đạo hôm 28/7. Có tên trong danh sách, Tú vừa mừng, vừa lo, thấy bản thân phải thật sự quyết tâm.
Lúc xác định đi chuyến này, anh cũng lo khi trên máy bay có quá nhiều trường hợp dương tính, nguy cơ lây nhiễm lớn. Nhưng nếu cứ đắn đo, thì ai sẽ đưa đồng bào về nước. Tú xem đây như một "mệnh lệnh từ trái tim".
Trước ngày lên đường, anh Tú âm thầm chuẩn bị mọi vật dụng cần thiết. Lần đầu đi đón công dân về nước tránh Covid-19 nên anh phải tham khảo kinh nghiệm của các tiếp viên tham gia những chuyến tương tự trước đó. Bản thân anh cũng phải rèn luyện sức khỏe để tăng cường đề kháng, ôn tập các kiến thức về an toàn bay và sơ cứu, để có thể bình tĩnh và chủ động xử lý những tình huống không mong muốn.
Trong suốt quá trình bay, anh Tú được khuyến cáo hạn chế đi vệ sinh. Việc ăn uống diễn ra trong hai phòng áp lực dương. Phi hành đoàn phải mặc bảo hộ hai lớp, riêng những tiếp viên như Tú, do tiếp xúc trực tiếp với khách dương tính nên phải mặc bảo hộ ba lớp.
"Thực sự rất nóng, cảm nhận rõ mồ hôi chảy bên trong, nhưng lúc đó tôi chỉ cảm thấy khâm phục các nhân viên y tế, những người phải thường xuyên đeo khẩu trang và mặc bảo hộ hàng chục tiếng. Tôi chỉ biết cố gắng để đảm bảo sức khỏe cho bản thân, đồng nghiệp, cũng như các hành khách âm tính khác", anh Tú nói.
Khi chuyến bay đáp tại thành phố Bata (Guinea Xích đạo, Tây Phi), mở cửa máy bay và nhìn thấy đồng bào mình vẫy tay chào, Tú và nhiều thành viên khác cùng vẫy tay chào lại. "Cách xa hàng trăm mét nhưng tôi vẫn có thể cảm nhận được sự hân hoan của mọi người vì sắp được về nhà", nam tiếp viên kể.
Lên máy bay, khách và phi hành đoàn đều phải đeo khẩu trang, mặc đồ bảo hộ, và hạn chế giao tiếp, nhưng Tú vẫn có thể cảm nhận sự xúc động qua ánh mắt của những người con xa xứ được hồi hương.
Tú nhớ mãi khoảnh khắc khi một bác sĩ nói vào hệ thống loa phát thanh để động viên một hành khách bị tức ngực và khó thở rằng: "Anh cố gắng nhé, ba tiếng nữa thôi là được về nhà rồi".
"Lúc máy bay đáp tại sân bay Nội Bài chiều 29/7, hành khách đồng loạt vỗ tay và vui mừng nói lớn: 'Về nhà rồi, sống rồi', tôi chỉ muốn trào nước mắt vì xúc động", anh Tú nhớ lại.
Trước đó, sợ bố mẹ lo lắng, Tú chỉ nói với họ là đi "giải cứu". Đến hôm Tú trở về, bố mẹ xem báo đài mới biết con trai đi Guinea Xích đạo về.
"Biết sự thật, bố mẹ không trách móc gì tôi. Bố tếu táo bảo cũng giống như bố ngày xưa biết chiến trường đầy nguy hiển nhưng vẫn xung phong và sẵn sàng lên đường. Chuyến bay hôm qua cũng như vào chiến trường để chở thương bệnh binh trở về. Bố mẹ tôi hoàn toàn ủng hộ, và dặn dò tôi tuân thủ cách ly", Tú chia sẻ.
Đến giờ, khi đã trở về an toàn, Tú vẫn khó ngủ nhưng không phải vì hồi hộp như lúc trước chuyến bay mà vì vui, vì biết hôm qua ít nhất 219 gia đình của các công dân từ Guinea Xích đạo về đã phần nào ngủ ngon. Ngồi trong phòng cách ly của Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2, Anh Tú vẫn chưa nguôi hồi hộp khi nhớ lại hành trình Hà Nội - Guinea Xích đạo - Hà Nội kéo dài gần 30 tiếng vừa trải qua.
"Nói không lo là không đúng, nhưng nỗi lo đó thực sự không là gì so với lo lắng của đồng bào mình bên kia và gia đình của họ. Bản thân tiếp viên chúng tôi cũng đã xác định đó là nhiệm vụ, và lại là nhiệm vụ vô cùng ý nghĩa nữa", Tú tâm sự và cho biết anh đã chờ đợi từng ngày để thực hiện chuyến bay.
Nam tiếp viên cho hay nếu có một chuyến bay nào như thế, anh vẫn sẽ tiếp tục xung phong, nhưng trước mắt là hoàn thành 14 ngày cách ly.
Chiều 29/7, máy bay chở phi hành đoàn Vietnam Airlines gồm 18 người và 219 hành khách hạ cánh xuống sân bay Nội Bài, Hà Nội, sau hành trình 12 tiếng từ Guinea Xích Đạo. Chuyến bay đặc biệt đưa hơn 200 công dân, trong đó 129 người dương tính với nCoV, có sự tham gia của đoàn công tác đặc biệt gồm 4 nhân viên y tế (hai bác sĩ, hai điều dưỡng của Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương), mang theo nhiều trang thiết bị, máy móc, thuốc và phương tiện cấp cứu. Trên máy bay, người mắc bệnh nặng ngồi ở trên để cấp cứu khi cần, người nhẹ hơn ngồi phía sau. Máy bay chia thành 4 khoang, khoang cuối cùng dành cho người dương tính, mắc Covid-19, khoang tiếp theo dành cho người âm tính, sau đó đến nhân viên y tế và tổ bay.
Xuống sân bay, toàn bộ hành khách và phi hành đoàn không di chuyển vào nhà ga nên việc nhập cảnh được thực hiện tại chỗ. 5 xe cứu thương đã túc trực tại sân bay để đưa 5 bệnh nhân nặng rời đi sớm nhất. Trong khi những người còn lại cũng được về Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 tại Đông Anh, Hà Nội, ngay sau đó.
Phạm Chiểu