Tôi từng làm bạn với đêm, và làm bạn với những tiếng piano từ một nhà hàng xóm kế bên. Tôi không biết ai chơi những tiếng đàn đó, ngón tay ai đã lướt trên những phím đàn của một cây dương cầm loại lớn ấy, nhưng những âm thanh phát ra từ đó đã từng gắn bó cả một thời với tôi.
BLV Anh Ngọc
Nơi tôi từng sống ấy yên tĩnh lắm. Có lẽ tiếng thì thầm trong đêm khuya những đôi trai gái phía dưới đường, những tiếng dế lẻ loi của đêm lạnh và những tiếng người xe ít ỏi lại qua đã đập vào những bức tường của căn nhà tôi và nhanh chóng mất đi như chưa từng xảy ra. Và rồi bỗng nhiên vang lên những tiếng đàn, bắt đầu từ những bài học đơn giản, những lỗi sơ đẳng hay mắc phải của người đang học đàn, cho đến những serenade và sonate khó hơn khi người đó đã có vẻ thành thạo mà những phím nhạc đã êm ái hơn. Biết bao năm tháng đã trôi qua như thế trong những đêm không ngủ của tôi, từ những bản nhạc được đánh một cách vụng về đến những gì được chơi một cách uyển chuyển, mạnh mẽ và đôi khi sâu lắng hơn.
Tôi không hiểu quá nhiều về nhạc cổ điển, nhưng tôi biết người đó lúc thì chơi Chopin, lúc Beethoven, lúc Liszt, lúc lại Tchaikovski, với những bản nhạc lúc buồn, lúc vui, lúc chậm, lúc nhanh, lúc khoan thai dìu dặt. Tôi không biết và đến bây giờ vẫn không hề biết ai đã chơi những bản nhạc ấy, ngón tay ai đã lướt qua những phím đàn ấy, nhưng tôi sống nhiều tháng năm với nó, qua những đêm mùa thu mát rượi, những đêm đông giá lạnh và cô đơn, những đêm hè nóng nực, những ngày mưa không dứt, những đêm ngập tràn ánh trăng bàng bạc và cô quạnh và không ít đêm tiếng chim lợn kêu ngoài ngõ nghe ghê sợ như một dàn hoà ca của những điều khiến người ta rùng mình.
Có những đêm bỗng nhiên tiếng đàn ấy không hề cất lên, không hiểu tại sao. Chỉ có tiếng chó tru ngoài cửa sổ, tiếng xe máy đôi khi chạy qua khuấy động lên chút ít trong ánh sáng nhàn nhạt và buồn tẻ của ánh đèn cao áp bên kia đường. Tôi không biết tại sao tiếng nhạc không vang lên nữa. Tôi chờ đợi đến tận 2h sáng, và buộc phải tìm cách lấp đi sự trống trải ấy bằng tiếng piano của những bản dạ khúc từ Chopin qua đôi tay điêu luyện của nghề sĩ Rubinstein, hoặc những bản nhạc nhẹ nhàng mà sâu lắng của Richard Clayderman.
Những tiếng thánh thót của piano như những giọt sương rơi xuống cỏ, lắng đọng trong sự tịch mịch của đêm, mở ra những khoảnh khắc đơn côi của kiếp người, đi sâu trong trái tim và tâm hồn của những người không ngủ và đóng lại những nỗi buồn và hoài cảm xâu xa ấy với một nỗi bi quan khó lường. Nhạc đêm của Chopin luôn có một cái gì đó quá bi quan, không biết có phải ông sáng tác những bản ấy lúc sắp qua đời không. Tôi có 2 đĩa dạ khúc của ông, đều do Rubinstein chơi. Tôi cũng từng nghe Đặng Thái Sơn chơi những opus của dạ khúc Chopin, nhưng tôi không bao giờ cảm nhận được vẻ đẹp và nỗi buồn của đêm như khi nghe Rubinstein.
Những tiếng piano của nhà hàng xóm cũng giống như một thói quen mà người ta đã sống với nó và đơn giản là không thể quên được. Đến bây giờ, khi đã đến sống ở một nơi khác, nơi chẳng bao giờ nghe được dù chỉ một tiếng dế, một tiếng rao đêm của người bán bánh khúc, thì tôi vẫn không thể quên những phím tơ vụng về của một người tôi không biết tên, không biết mặt. Và bản thân tôi cũng không muốn biết điều ấy, vì chợt bừng tỉnh ra rằng, đôi khi, đi đến tận cùng của một sự việc và nhân vật có lẽ chẳng bao giờ thú vị như lúc ban đầu.
Hãy cứ để sự bí ẩn ấy tồn tại, như một món quà của cuộc sống đã tặng cho tôi trong những đêm không ngủ, của một quá khứ xa xăm đã hằn lên trong ký ức và đi theo tôi trong suốt cuộc đời...
Vài nét về blogger
BLV Anh Ngọc đang làm tại báo Thể Thao Văn Hóa. Trước đây, anh từng là bình luận viên Seria A của Đài Phát thanh Truyền hình Hà Nội. Sau đó, anh cộng tác với VTC, hiện nay là cây bút chính của báo Thể thao Văn hóa. Các bài viết khác của BLV Anh Ngọc:
Cô đơn trên blog, Lạnh và lẩu, Mấy suy nghĩ về nghề BLV, Bình luận viên nữ, Cái gương, Hà Nội của tôi.