Hiếu Hiền
Ngày xưa lương y như từ mẫu, ngày nay lương y hóa thành dì ghẻ. Nói chẳng ngoa khi đọc nhan nhản khắp mặt báo những vụ việc bác sĩ thiếu trách nhiệm đã gây ra những hậu quả đáng tiếc. Đó là chuyện trên báo, còn chuyện cụ thể mà gia đình tôi vừa trải qua, một lần nữa khiến hình ảnh vị lương y nhân từ ngày càng mờ nhạt.
Nhìn bà chị mình nằm một đống như xác chết, môi nứt nẻ thấy thương. Những cơn đau mà chị phải chịu đựng cả tinh thần lẫn thể xác khiến tôi chỉ dám len lén nhìn chị, nếu không, chắc sẽ khóc mất. Mẹ và tôi cố động viên, nói những chuyện vui cho chị. Đến giờ mẹ vẫn cho chị húp vài muỗng nước cháo loãng, chưa thể ăn gì cả. Thấy chị mà tôi càng thêm giận bác sĩ phụ trách việc chữa chạy cho chị. Bà cũng có tiếng trong sản khoa tại bệnh viện Từ Dũ, chị tôi sau 12 năm, lại phải mổ bứu tử cung lần hai. Theo lịch hẹn là chị phải mổ vào lúc hai giờ chiều.
Sáng hôm ấy, chị nhập viện từ sớm nhưng đợi mãi mà không thấy bác sĩ cho vào phòng mổ. Sau đó, y tá báo chuyển sang 5 giờ chiều vì bác sĩ bận, rồi khi 5 giờ đã trôi qua thì lại được nghe thông báo đợi sang 7h tối. Mọi người đều sốt ruột, đứng ngồi không yên, thêm vào đó, chị tôi lại nhịn ăn hơn một ngày theo lời bác sĩ dặn, nên sức lại càng yếu đi. Cầm cự, chờ đợi tưởng như thời gian dài vô hạn, cuối cùng 9h30 tối, chị tôi mới được mổ. Nhưng điều bất ngờ đến sững sờ, lý do vị bác sĩ ấy đến muộn là do bà phải khám xong hết những bệnh nhân tại phòng mạch tư rồi bà mới đến mổ cho chị tôi.
Tôi không biết vị bác sĩ khả kính này nghĩ gì khi để bệnh nhân và thân nhân đợi mỏi mòn, trong khi bà chỉ lo kiếm thật nhiều tiền. Bác sĩ chứ không phải là ca sĩ, sao bà ta lại có thể vì "show" diễn của mình mà không đoái hoài đến bệnh nhân có hẹn lịch từ trước? Nghe chị tôi nói đêm qua chị đếm thời gian, mong chóng sáng vì mổ xong, y tá quăng chị một đống. Tan thuốc mê giữa khuya, không bóng dáng y tá nào đến an ủi hay xoa dịu cơn đau, buồn tủi vô cùng. Ngẫm cái sự đời, có tiền dâng cho bác sĩ nhưng lại không được đối xử đàng hoàng. Thử hỏi những người không tiền hoặc họ cầm thẻ bảo hiểm y tế thì còn bị đối xử ghẻ lạnh ra sao?
Chuyện đáng buồn hơn là khi chị tôi máu huyết ra dầm dề cả ngày, mẹ tôi cả đêm không ngủ, sáng gọi điện cho bác sĩ ấy để mong bà dành thời gian qua kiểm tra lại. Người ta nói "cứu người như cứu hỏa" nhưng bà vẫn ung dung, thản nhiên như chuyện thường: "Tôi sẽ sắp xếp, chiều qua". Tôi tự hỏi bà có người thân không, có con cái không, sao không hiểu tâm tư của người mẹ khi đang bấn loạn vì con mình xuất huyết? Không lời giải thích hay trấn an, sự lạnh lùng giống như "tiền trao cháo múc", nhận tiền của bệnh nhân, mổ xong là hết trách nhiệm.
Tôi không dám đánh đồng tất cả các bệnh viện hay bác sĩ đều biến chất nhưng đâu đó vẫn còn những người thiếu y đức. Cho dù họ tài giỏi cách mấy nhưng nếu lương tâm đạo đức không còn thì họ sẽ không thể trụ lại được lâu dài. Bệnh viện Việt Nam ta rất nhiều và ai đã nằm viện sẽ còn thấy rất nhiều cảnh dở khóc dở cười. Từ người dọn vệ sinh, y tá, bác sĩ, hình như trong mắt họ giờ chỉ có hình ảnh "bao thư" hơn là cảnh bệnh nhân kêu la, rên rỉ.
Sinh mạng con người được quy đổi thành tiền, dẫu biết đó là chuyện trên cả thế giới chứ không riêng gì Việt Nam. Nhưng ít ra, khi chúng ta đã bỏ tiền ra thì họ cũng nên đối xử một cách tốt hơn chứ hay là ngoài tiền ra còn phải có vị thế, phải có quen biết thì may ra chúng ta mời được chăm sóc chu đáo hơn.
Khi viết những dòng trên đây, tôi biết chị tôi đang đau đớn dữ lắm và có lẽ chị còn phải nằm viện rất lâu khi mà bệnh viện chẳng phải là nơi cứu người mà là để rút tỉa máu thịt, tiền bạc của mọi người. Ôi! Kiếp làm người đã khổ, làm đàn bà càng khổ và làm bệnh nhân thì lại càng khổ hơn.
Vài nét về blogger:
Bài đã đăng: Chúng ta không bao giờ cô đơn; Bạn, tôi và những thứ hơn lòng tự ái; Đi qua thời gian; Tôi có tội, Mùa đông không lạnh, Tung hứng những quả bóng, Khoảnh khắc ta nhận ra, Đừng sống mãi trong hối tiếc, Đi cùng mẹ một chặng đường, Cái tát,Đếm, Sinh nhật hồng,Rơi tự do, Con rối, Cái miệng,Người tốt, Hãy để mọi thứ lên bàn cân,Chết thử, Tình yêu của người đồng tính.