Các chức danh mà bác sỹ Lai Công Hiệp tự quảng cáo. |
Theo thống kê chưa đầy đủ, thì hiện tại trên toàn nước Mỹ có khoảng 100 nghìn hội đoàn tư nhân (bao gồm cả các câu lạc bộ) hoặc đang hoạt động, hoặc ra đời rồi chẳng thấy tăm hơi gì, trong đó có nhiều hội đoàn rất nổi tiếng như “Hội moto Harley Davison”, “Câu lạc bộ thuyền buồm Yatch”, “Hội thanh niên chí nguyện Mỹ”, “Hội hướng đạo Mỹ”...
Thủ tục thành lập hội đoàn, câu lạc bộ rất đơn giản: Chỉ cần có từ 2 người trở lên, nộp đơn cho Tòa thị chính nơi mình đang sinh sống, trong đó nói rõ về mục đích của việc thành lập (hội đoàn ngành nghề hay hội đoàn thiện nguyện, hội đoàn tôn giáo...) để sở thuế kiểm tra nếu có kinh doanh rồi đóng một khoản lệ phí là xong.
Chính vì vậy, năm bảy người ưa thích môn lướt ván ở thành phố Tampa chẳng hạn, một sáng đẹp trời nào đó, họ nộp đơn thành lập “Câu lạc bộ những người lướt ván bang Florida”, hoặc vài ông bác sĩ hứng chí cho ra đời “Hội hút mỡ Mỹ” với một trang web trên mạng Internet rất hoành tráng, là chuyện bình thường.
Để có tiền hoạt động, một số hội đoàn kêu gọi người khác tham gia bằng cách nhắm vào tính háo danh. Nếu ai đồng ý, chỉ cần đóng một khoản lệ phí là sẽ có ngay một tấm bằng hoặc giấy chứng nhận “hội viên” để treo lên lòe thiên hạ. Nhưng, những tấm bằng ấy không hề có một chút giá trị nào nếu ta dùng nó trong hồ sơ xin việc, hoặc để chứng nhận năng lực chuyên môn ở lĩnh vực mà ta đang làm.
Trở lại với danh xưng “tiến sĩ, viện sĩ, giáo sư” mà một vài bác sĩ ở Việt Nam hiện nay khoe khoang, thì có thể khẳng định nơi cấp ra những học vị ấy, đều là những tổ chức, hội đoàn tư nhân. Lấy ví dụ như tổ chức American Biographical Institue (ABI) chẳng hạn, có trụ sở ở 700E Palmdale Blvd, California 93550.
Bất kỳ một ai, ở đâu, làm gì, chỉ cần đóng cho ABI một khoản tiền 500 USD cùng một bản tự giới thiệu về thành tích của mình (kể cả thành tích giả vì không ai kiểm chứng), thì sẽ được ABI đưa ngay vào quyển sách có tên “danh nhân thế giới” cùng tấm bằng chứng nhận và một huy chương. Nhưng về mặt chính thống, chẳng quốc gia nào công nhận chuyện này. (Trang web của ABI từ tháng 6/2005 đến nay, đã không còn hoạt động).
Tương tự như vậy, những tổ chức như “Viện hàn lâm giải phẫu thẩm mỹ Mỹ”, “Viện hàn lâm giải phẫu thẩm mỹ châu Âu”, “Viện hàn lâm giải phẫu thẩm mỹ châu Á, Thái Bình Dương”, “Viện hàn lâm nâng mông quốc tế”, “Viện hàn lâm nâng ngực thế giới”..., đều là những tổ chức mà bằng cấp do họ phát hành, hoàn toàn không có giá trị đối với ngành y tế của tất cả mọi quốc gia.
“Viện hàn lâm nâng mông quốc tế” (ICBS), trụ sở đặt tại 3369 Greatlakes, Miami, do bác sĩ Henry Steven thành lập. Nguyên là một phẫu thuật viên tại Bệnh viện Moffit, Florida, sau khi nghỉ hưu, năm 1996, Steven cùng mấy người bạn thành lập ICMS mà mục đích không ngoài việc bán chức danh cho những người háo danh.
Thủ tục để được “viện” chứng nhận là “viện sĩ” rất đơn giản: Chỉ cần vào trang web của “viện”, rồi điền theo mẫu họ tên, năm sinh, tốt nghiệp bác sĩ ở đâu, chuyên ngành gì, hiện làm việc tại bệnh viện nào, kèm theo một tấm hình cùng 500 USD lệ phí là OK. Để củng cố lòng tin cho những người muốn gia nhập, ngay tại phần cuối của mẫu đơn, có dòng chú thích (notice) rất ấn tượng như sau: “Viện hàn lâm nâng mông quốc tế sẽ kiểm tra tất cả những thông tin mà quý vị vừa khai. Nếu khai không đúng hoặc khai gian dối, viện sẽ khước từ sự chứng nhận quý vị là thành viên của viện”.
Bác sĩ Trịnh Văn Quân, một người sinh sống và làm việc ở Mỹ đã thử đăng ký với những thông tin rất tào lao. Ấy thế mà sau khi chuyển 500 USD vào tài khoản của họ, 45 ngày sau bác sĩ Quân nhận được tấm bằng chứng nhận “viện sĩ”, bưu điện giao tận nhà, chẳng thấy kiểm tra, kiểm chứng gì hết.
Lâu lâu, “viện” lại gửi thư mời các “viện sĩ” về dự hội nghị hoặc đào tạo - chi phí đi lại, ăn ở tự ai nấy lo. Cái gọi là “hội nghị” hoặc “đào tạo” ấy, thực chất chỉ là những bài diễn văn tràng giang đại hải của các “viện sĩ”, những “công trình” chưa hề được kiểm chứng nhưng bù lại khi kết thúc, ai cũng có tấm bằng xanh xanh đỏ đỏ, về khoe với... mẹ nó ở nhà!
Vì vậy, từ những minh chứng cụ thể này, có thể khẳng định các chức danh “tiến sĩ, viện sĩ, giáo sư” mà ông Nguyễn Xuân Ái, Nguyễn Xuân Cương tự khoe, đều “hữu danh, vô thực”.
Bác sĩ Trịnh Văn Quân cũng đã vào trang web của bác sĩ Lai Công Hiệp, Giám đốc “Viện phẫu thuật thẩm mỹ Việt - Mỹ” tại TP HCM, người tự xưng là “đã vinh dự được Marquis Who's Who Publisher - USA, tổ chức lâu đời nhất và danh tiếng nhất trên thế giới, chuyên sưu tầm chân dung danh nhân thế giới, ghi tên vào quyển sách Who's Who in the World 2004, cũng như ông tự xưng là “Viện sĩ Viện hàn lâm phẫu thuật thẩm mỹ Hợp chủng quốc Mỹ, châu Âu, châu Á Thái Bình Dương, Nam Mỹ”.
Bác sĩ Quân đã chụp lại tấm “huy chương danh dự Mỹ” mà ông Lai Công Hiệp quảng cáo, rằng ông được “Viện tiểu sử Mỹ” trao tặng vì “những đóng góp vô giá của ông với kho tàng trí thức và khoa học của nhân loại trong lĩnh vực phẫu thuật thẩm mỹ”.
Tấm ảnh chụp ấy, bác sĩ Quân gửi cho Cục Sở hữu trí tuệ toàn liên bang - Mỹ, để nhờ xác minh và đã được họ trả lời: “Bằng chứng nhận này không nằm trong hệ thống bằng cấp, chứng thư liên bang”. Nói nôm na, đây là bằng giả!
Cũng xin nói thêm về tổ chức Who's Who. Đây là một tổ chức chính thống, có chi nhánh ở hơn 60 quốc gia, quy tụ rất nhiều những nhà khoa học thuộc đủ mọi ngành, chuyên tìm hiểu và viết về những cá nhân nổi tiếng, có nhiều đóng góp cho sự phát triển thế giới (chính trị, văn hóa, kinh tế, khoa học...), để đưa vào cuốn Who's Who, xuất bản 2 năm một lần. Những bộ từ điển uy tín như La Rousse - Pháp, Bách khoa toàn thư từ điển Mỹ (American Encyclopedia), Webster - Anh cũng thường trích dẫn tiểu sử, hình ảnh danh nhân từ Who's Who trong sách của họ.
Để “ăn theo”, một số người bèn lập lờ đánh lận con đen bằng cách lập ra những tổ chức có tên na ná như vậy, chẳng hạn như Inter Who's Who, Asia Who's Who... rồi bên cạnh những danh nhân thật, họ chèn vào những “danh nhân ma” như ông Nguyễn Xuân Ái, ông Lai Công Hiệp miễn là các ông này chịu chi tiền.
(Theo Công An Nhân Dân)