2012 là năm thành công với Tiến Minh khi duy trì vị trí top 10 thế giới. Ảnh: TK. |
Như vậy, Tiến Minh được xem là một trong những VĐV sẽ “mở hàng” cho thể thao Việt Nam trong năm 2013, một năm với nhiệm vụ quan trọng nhất là chuẩn bị tham dự SEA Games 27 diễn ra tại Myanmar.
Kết thúc năm 2012 với vị trí thứ 8 thế giới được xem là rất thành công với tay vợt số một Việt Nam. Trong năm, Tiến Minh không có nhiều thành tích cao, đáng chú ý nhất là chức vô địch giải Đài Loan (Trung Quốc) mở rộng. Tuy nhiên, với việc tham dự nhiều giải quốc tế, nên Tiến Minh được cộng điểm thưởng để duy trì thứ hạng. Ở những giải đấu cuối năm, do nhiều tay vợt đứng trên Tiến Minh không tham dự đầy đủ nên từ vị trí 13 thế giới, Tiến Minh nhảy lên vị trí thứ 8.
Với việc lọt vào top 10 thế giới, Tiến Minh lại nhận được mức tài trợ 50 triệu đồng mỗi tháng của Becamex Bình Dương. Số tiền này sẽ giảm đáng kể, cụ thể là chỉ còn 20 triệu mỗi tháng nếu Tiến Minh bị bật khỏi top 10 và chỉ nằm ở top 20 tay vợt mạnh nhất thế giới. Với quy định này trong hợp đồng, nhà tài trợ đã tạo ra động lực cần thiết để Tiến Minh ý thức được việc phải cố gắng giữ gìn phong độ, giữ vững vị trí trong top 10.
Trong bối cảnh nền kinh tế khó khăn, đến các cầu thủ bóng đá còn rơi vào cảnh thất nghiệp, thì thu nhập của Tiến Minh thực sự là niềm mơ ước của nhiều VĐV.
Kết thúc năm 2012, Tiến Minh cũng vừa hết hợp đồng với nhà tài trợ Công ty thể thao Victor. Trước đó, nhà tài trợ này đã đầu tư với mức khá “khủng” cho tay vợt TP HCM, với 24.000 USD mỗi năm, kèm theo đó là hai giải châu Á tự chọn. Với số tiền này, Tiến Minh dư khả năng tham dự các giải quốc tế trong năm. Suốt 4 năm qua, việc có hai nhà tài trợ chống lưng cùng lúc, luôn giúp Tiến Minh rất nhiều về vấn đề tài chính. Vì thế mà ở những giải đấu danh giá có điểm thưởng và tiền thưởng cao, Tiến Minh đều có khả năng tham dự được. Điều đó cũng lý giải vì sao, thứ hạng của Tiến Minh được duy trì khá đều trong mấy năm qua, chỉ dao động trên dưới hạng 10 thế giới.
Ngoài thành tích phấn đầu lọt vào top 10, cả hai nhà tài trợ Victor và Bình Dương đều không có những đòi hỏi ghê gớm nào với tay vợt người TP HCM. Vì thế mà Tiến Minh đã không bị gây quá nhiều áp lực từ các nhà tài trợ.
Với tên tuổi của mình, nên ngay sau khi Tiến Minh hết hợp đồng một năm với Victor, đã có Yonex đặt vấn đề. Hai bên không tiết lộ giá trị hợp đồng, nhưng chắc chắn số tiền sẽ không ít hơn so với nhà tài trợ cũ của Tiến Minh. Ngoài ra, phía Yonex sẽ chi trả kinh phí cho Tiến Minh tới 10 trận ở mùa giải 2013. Chỉ tính riêng khoản này, Tiến Minh cũng đỡ được ít nhất trên 400 triệu tiền đi lại, ăn ở.
Như vậy, với số tiền tài trợ khoảng 50 triệu đồng hàng tháng của Yonex, 50 triệu đồng mỗi tháng của Bình Dương, kèm theo khoảng 10 triệu đồng của phía TP HCM và những khoản tiền thưởng ở những giải đấu quốc tế (càng vào sâu càng có tiền thưởng nhiều, thậm chí nhiều giải cứ tham dự là có tiền thưởng), thì mức thu nhập của Tiến Minh hiện nay được dự đoán là không dưới 120 triệu đồng một tháng. Đó thực sự là một số tiền mơ ước của bất cứ VĐV nào của Việt Nam, thậm chí là cả với những ngôi sao bóng đá. Tuy nhiên, đó cũng là số tiền mà Tiến Minh xứng đáng nhận được, bởi cho đến nay, anh vẫn là trường hợp hiếm hoi của làng thể thao Việt Nam lọt vào top 10 thế giới ở một môn nằm trong hệ thông thi đấu Olympic như cầu lông.
Mai Hương