
Ngọc Thanh (phải) trong pha tranh bóng với đồng đội cũ Bật Hiếu (Thanh Hóa). Ảnh: TTVH.
- Anh là số ít cầu thủ được ăn học đến nơi đến chốn. Lý do nào anh bỏ ngang Đại học để theo nghề cầu thủ cách đây 10 năm?
- Thuở đó cứ nghe khen đá bóng giỏi lẫn quậy phá ở khu Tân Sơn Nhất thì sướng lắm. Ban đầu tôi cũng chỉ nghĩ đá bóng cho vui, chứ không nghĩ đeo đuổi sự nghiệp chuyên nghiệp đến tận bây giờ.
Đến năm 2000, tôi đậu vào trường Đại học Kỹ thuật Công nghiệp TP HCM, khoa Quản trị kinh doanh, rồi có mặt trong đội tuyển trường tham dự giải bóng đá sinh viên TP HCM. Năm ấy, tôi chơi khá hay và ghi nhiều bàn thắng giúp đội đứng thứ 4 tại giải.
Không biết cơ duyên nào, HLV Đạt Hùng của đội trẻ TP HCM theo dõi rồi gọi điện mời tôi vào đội. Đến lúc nhận lời, tôi cũng chỉ nghĩ mình tập tành giữ sức khỏe, chứ coi việc học là nhiệm vụ hàng đầu. Đầu học kỳ 1 năm 3 Đại học, tôi được đôn lên đội một TP HCM. Lúc đó tôi phải đứng trước quyết định duy nhất - chọn bóng đá hay học hành? Cuối cùng tôi gác lại chuyện học, để trở thành cầu thủ chuyên nghiệp. Có người quen vẫn tiếc vì nếu tôi không bỏ nghề thì có thể trở thành một doanh nhân thành đạt, song tôi chưa bao giờ hối hận về quyết định này.
- Hành trình bắt đầu sự nghiệp quần đùi, áo số của Ngọc Thanh có được suôn sẻ hay không?
- Bàn thắng đầu tiên của tôi cho đội Công an TP HCM là vào mùa giải 2001-2002. Tôi còn nhớ mình được tung ra sân trận trận gặp LG Hà Nội ACB trên sân Hàng Đẫy. Thời điểm ấy, chúng tôi thua trước 2 bàn và tôi được tung ra sân để học hỏi kinh nghiệm. May mắn tôi đã có bàn thắng mở đầu sự nghiệp và giúp đội nhà có bàn thắng danh dự trong trận đấu ấy. Tưởng chừng mở đầu tươi đẹp giúp tôi có một khởi đầu thuận lợi, thì bóng đá TP HCM bước vào giai đoạn sa sút. Liên tiếp các đội bóng Sài thành rớt hạng, rồi đến lượt chúng tôi chuyển giao cho Ngân hàng Đông Á. Song mọi thứ càng sa sút rồi chúng tôi rớt hạng lẫn giải thể CLB vào năm 2004. Tôi thất vọng với tình cảnh hiện tại và quyết định tìm bến đỗ mới trong sự nghiệp của mình.
- Năm 2004, Ngọc Thanh bất ngờ ký hợp đồng 3 năm với đội bóng Hải Phòng. Thời điểm đó, có ý kiến cho rằng anh quá liều bởi ít cầu thủ miền trong thi đấu thành công ở đất Bắc. Anh đánh giá gì về ý kiến đó?
- Đúng lúc thất vọng nhất, tôi khá bất ngờ với lời mời của lãnh đạo Hải Phòng. Tôi còn trẻ, lại có máu ưa mạo hiểm nên quyết định ra Lạch Tray, cứ tập rồi quyết định ký hợp đồng hay không chưa muộn. Tôi thấy mình hợp với phong cách thi đấu, lẫn cuộc sống ngoài đất Cảng nên quyết định ký hợp đồng 3 năm, bắt đầu những ngày tháng lang bạt xa quê. Tôi cảm ơn Hải Phòng là nơi cho tôi chút tên tuổi trong sự nghiệp của mình. Không ngờ tôi có đến 6 năm thi đấu tại Lạch Tray. Tôi vẫn nhớ như in khung cảnh mở hội ở sân Lạch Tray trước mỗi giờ thi đấu. Đặc biệt tấm thịnh tình các CĐV đất Cảng với tôi luôn không bao giờ phai.
![]() |
Ngọc Thanh và bàn thắng để đời vào lưới Bình Dương trong màu áo Hải Phòng. Ảnh: ĐH. |
- Kỷ niệm vui nhất lẫn buồn nhất của anh khi thi đấu tại đất Cảng?
- Trong năm cuối cùng trước khi tôi chia tay, tôi và ban huấn luyện đã có những khúc mắc trong tâm lý. Thời điểm ấy, tôi từng có ý định về TP HCM trước khi trận đấu cuối mùa 2010 kết thúc. Tuy nhiên, các CĐV quen biết lẫn đồng đội khuyên tôi ở lại trước và gửi lời chào tới khán giả trước khi về nhà. Tôi quyết định ở lại trận đấu cuối và bất ngờ được tung ra sân. Cảm giác hạnh phúc, sung sướng nhất khi tôi ghi bàn vào lưới Bình Dương, mang lại chiến thắng 2-1 cho đội nhà. Kết quả ấy giúp Hải Phòng đoạt vị trí thứ 2 khi giải đấu kết thúc. Đến lúc này, tôi nghĩ lại nếu mình vì tự ái vào TP HCM trước thì có lẽ số phận không cho tôi một cái kết ấn tượng như vậy.
- Mảnh đất Hải Phòng còn giúp anh tìm được một nửa cho riêng mình lẫn cả sự quý mến CĐV Hải Phòng?
- Tôi thường nói vui rằng cuộc sống luôn là hành trình không điểm cuối và trên mọi khúc cua đều có một bất ngờ dành cho con người. Ngày ra Hải Phòng, tôi cũng không ngờ CĐV lại quý mến mình đến thế. Quan điểm của tôi khi ra sân phải cháy hết mình và sống thực với cá tính của mình. Chưa kể những bàn thắng của tôi giúp đội bóng thăng hạng rồi đoạt những thành tích ấn tượng trong 6 năm qua. Riêng chuyện tình duyên, có lẽ cũng nhờ những ngày tôi ra đất Bắc thi đấu. Tôi có người vợ đảm đang vốn là dân nhà báo nhờ một buổi phỏng vấn. Đến khi chúng tôi quyết định tiến đến hôn nhân, rồi sinh cậu con trai đầu lòng, chính người hâm mộ Hải Phòng vào tận Sài Gòn để mừng đám cưới và chúc chúng tôi có một cuộc sống hạnh phúc. Đó thực sự là cái duyên mà vợ chồng tôi thầm cảm ơn đội bóng, CĐV đất Cảng đã tạo ra.
- Còn quyết định bất ngờ đầu quân cho Đà Nẵng, phải chăng anh vốn thần tượng đàn anh Lê Huỳnh Đức từ hồi còn tập trung ở đội Công an TP HCM?
- Sau khi kết thúc hợp đồng với Hải Phòng, tôi nhận được lời mời đầu tiên và cũng tôn trọng tôi nhất từ Đà Nẵng. Trong sự nghiệp, tôi chưa bao giờ vô địch giải chuyên. Đà Nẵng có khả năng vô địch nên tôi quyết định ký với đội này. Huỳnh Đức là đàn anh lẫn thần tượng của tôi từ hồi còn đá ở TP HCM. Việc tôi lựa chọn đội bóng một phần vì HLV Huỳnh Đức muốn tôi giúp đội nhà vô địch. Tiếc rằng mùa giải vừa qua, chúng tôi để lỡ cơ hội ở một số vòng đấu cuối. Nhưng tôi cũng tự hào với thành tích ghi bàn của mình trong mùa giải đầu tiên.
- Dù có không ít thành công ở cấp độ CLB, anh dường như vẫn chưa có duyên ở cấp độ đội tuyển?
- Năm 2005, tôi được HLV Riedl gọi tập trung U23 Việt Nam chuẩn bị SEA Games năm ấy. Tiếc rằng tôi gặp chấn thương cổ chân từ trước, nên không có cơ hội thể hiện gì nhiều. Đến năm 2008, tôi có phong độ ghi bàn cao ở CLB, được HLV Calisto tập trung lên tuyển Việt Nam chuẩn bị AFF Suzuki Cup 2008. Nhưng do quan điểm bất đồng về chiến thuật với ông Calisto, tôi rời tuyển sớm. Mãi đến vòng loại World Cup 2014 vừa qua, tôi mới được HLV Falko Goetz triệu tập trở lại và có bàn thắng đầu tiên trong sự nghiệp vào lưới Macau. Tôi rất mừng vì bàn thắng đó khẳng định tôi đủ tài năng để cống hiến cho màu áo tuyển quốc gia và khẳng định sự trở lại của Ngọc Thanh sau hai năm vắng bóng. Hy vọng trong năm nay, tôi có thêm cơ hội và may mắn để thi đấu tuyển Việt Nam tại AFF Cup 2012.
- Thời gian vừa qua, các chân sút nội như Ngọc Thanh, Quang Hải, Công Vinh, Việt Thắng đều ít để lại dấu ấn ở các CLB. Anh đánh giá thế nào về các tiền đạo nội trước sự lấn át của ngoại binh?
- Chúng tôi thua tiền đạo ngoại về thể hình, lại phải chơi xu hướng lùi, hay dạt sang biên. Chính lý do ấy, các bàn thắng, lẫn tình huống dứt điểm không thể nhiều khi thâm nhập vòng cấm. Nguyên nhân thứ 2, ban huấn luyện chúng tôi cũng chủ yếu yêu cầu các cầu thủ chuyền bóng tập trung cho chân sút ngoại, khiến xác suất ghi bàn của chúng tôi càng ít ỏi. Dù có cố gắng, một phần lý do khách quan, chủ quan, các tiền đạo nội không có cơ hội để phát huy hết tố chất ghi bàn như các đồng đội nước ngoài cũng vì thế.
Mùa vừa rồi, tôi ghi được 7 bàn cho CLB ở giải vô địch quốc gia. Hy vọng năm nay, tôi sẽ vượt qua thành tích cũ và giúp đội nhà có vị trí càng cao càng tốt. Tôi chưa từng một lần dự giải đấu cao nhất khu vực, nên ở AFF Cup 2012, tôi cũng mong mỏi mình có vị trí lẫn cơ hội giúp đội nhà có thành tích cao. Riêng chuyện gia đình, tôi vẫn thương bà xã phải một mình chăm sóc đứa con đầu lòng, trong cảnh tôi đi xa biền biệt. Tôi cố gắng thi đấu thật tốt, ghi nhiều bàn như món quà cho hai mẹ con trong năm tới. Riêng chuyện trở về TP HCM là điều nằm trong dự định, nhưng tôi phải thi đấu hết 2 năm với Đà Nẵng nữa.
Theo Thể thao & Văn hóa