![]() |
Vợ chồng nên thống nhất cách chi tiêu trong gia đình. |
Trong ví của Bích và chồng cô luôn có 2 thẻ ATM, một chiếc để check quỹ chung và một chiếc hoàn toàn cá nhân. Hai vợ chồng thống nhất ngay từ khi mới cưới: thu nhập của ai người đó giữ, mỗi người hàng tháng có trách nhiệm "bắn"vào tài khoản chung một khoản cố định để chi tiêu cho gia đình. Ngoài những mua sắm chung, cấm ai xài lạm vào quỹ dành cho "tổ ấm".
Bích bảo, lúc đầu mẹ cô tỏ ra không hài lòng với cách quản lý tiền của con gái. Bà sợ con rể làm ra tiền, mang về thì ít mà vung vãi thì nhiều. Nhưng Bích gạt đi vì cô thấy hầu như anh chồng, chị vợ nào, mặc dù khăng khăng đã quy hết tiền nong về một mối, cũng len lén lập qũy đen quỹ đỏ. Vợ thì bảo để phòng thân, chồng thì bảo để thi thoảng bia bọt, tụ tập bạn bè... Rồi chồng lúc nào cũng đinh ninh vợ chả bao giờ hết tiền như cô ấy kêu còn vợ thì luôn nghĩ chồng bớt xén tiền lương đi bù khú... Thế là lựa lúc chồng đi tắm, vợ lục ví kiểm tra, chồng hết tháng mà chưa nộp đủ lương cho vợ cũng vẫn ung dung nhấc điện thoại alo rủ bạn đi nhậu... Bởi thế, Bích và Lâm thống nhất: công khai "tiền anh, tiền em, tiền của chúng ta" cho dễ sống.
Bích bảo: "Nếu vợ chồng đều có ý thức vun vén cho gia đình thì việc chi tiêu trong gia đình sẽ trở nên nhẹ nhàng. Như gia đình mình, mặc dù có tài khoản chi tiêu chung nhưng thực ra tòan dùng quỹ đó vào những việc lớn như sắm đồ đạc, sửa chữa nhà cửa, đi du lịch hoặc đầu tư cho con cái... Những chi tiêu chợ búa hàng ngày thì tiện ai người đó chi, chả lẽ đi chợ mua đồ ăn hay mua cái áo, cái quần cũng mang thẻ chung ra rút trong khi trong túi có sẵn tiền riêng. Nhờ cách đó mà vợ chồng mình tiết kiệm được kha khá đấy".
Lâm, chồng Bích cũng rất khoái cách xài tiền này. Anh bảo: "Đàn ông rất ghét bị quản lý, về mọi mặt. Cách làm này khiến cho tôi cảm thấy mình được tòan quyền sử dụng đồng tiền mình kiếm được mà vẫn hoàn thành trách nhiệm với gia đình. Chúng tôi không bao giờ muốn biết trong túi người kia có bao nhiêu tiền nhưng luôn an tâm vì mình có thể tiêu xài khoản tiền riêng một cách thoải mái mà không ảnh hưởng đến "nồi cơm" chung. Đôi khi rút tiền riêng mua tặng vợ hộp phấn hay bó hoa đắt tiền, vợ sung sướng cảm ơn mà không phải rên rỉ vì xót ruột, tôi có cảm giác đúng là được tặng vợ, thích hơn nhiều".
Cách chi tiêu giống như vợ chồng Bích - Lâm có vẻ chưa phải là phổ biến. Đa phần người VN hiện nay vẫn quan niệm về gia đình một cách khá chặt chẽ về nhiều mặt, đặc biệt là kinh tế. Người vợ lâu nay vẫn được xem là người giữ "tay hòm chìa khóa", là bà nội tướng đảm trách việc cơm, áo, gạo, tiền. Chồng và con cái đi làm, lĩnh lương về là phải có trách nhiệm "nộp" đầy đủ, trừ lại một khoản để chi tiêu cá nhân rất nhỏ. Vậy nên nhiều bà vợ hễ thấy chồng, con tự dưng tiêu xài thoáng hơn, mua sắm nhiều hơn một chút là dò la, truy xét xem tiền ở đâu ra và "quy kết" là không trung thực trong thu nhập. Thấm nhuần quan niệm mô hình "kinh tế gia đình tập trung" ấy từ mẹ đẻ, chị Hòa áp dụng triệt để vào gia đình nhỏ của mình.
Chị Hòa và anh Bình yêu nhau từ thời sinh viên, lấy nhau trong điều kiện cả hai vẫn còn nhiều khó khăn. Anh đi làm, lương, thưởng, tiền làm thêm, ăn trưa... tất tật anh mang về nộp vợ. Chị Hòa khéo thu vén nên cuộc sống của hai vợ chồng với đứa con 3 tuổi cũng tạm ổn. Mỗi sáng, chị đưa cho anh ít tiền "xăng xe và ăn sáng" (nhiều ít tùy thời điểm) và anh Lâm cũng đành phải bằng lòng với kiểu chi tiêu dè sẻn đó vì nghĩ nó phù hợp với tình hình tài chính của gia đình.
Vài năm sau, công việc làm ăn của anh phất lên, thu nhập cao gấp cả chục lần những năm mới cưới, anh có nhiều mối quan hệ hơn và phải chi tiêu nhiều hơn nhưng dường như chị Hòa lại không chịu quen với những nhu cầu đã phát triển của chồng. Mặc cho chồng phân trần cần tiền để tiêu việc này việc nọ, chị vẫn bắt anh "dốc hết ví này" nộp đủ và đưa ra danh sách dài dằng dặc các khoản chi tiêu và cũng công bố cho chồng biết số tiền chị đã tiết kiệm được cho cả gia đình. Vậy là mỗi sáng, anh vẫn phải chìa tay nhận 20.000 đồng trước khi ra khỏi nhà. Rồi một hôm... "Anh đã quá chán với cái kiểu mỗi sáng em chia cho anh 20.000 để "xăng xe và ăn sáng" rồi. Anh còn có bạn bè nữa chứ! Em làm anh mất hết cả sĩ diện!", anh Bình gay gắt nói. Chị Hòa, vợ anh, quá ngạc nhiên trước phản ứng dữ dội chưa từng thấy ở chồng, đứng đờ ra không biết làm thế nào.
Rồi sau một hồi ngồi nghe vợ khóc lóc sụt sùi vì "oan ức" rằng mình thu vén, tiết kiệm cũng là vì chồng vì con, ăn không dám ăn ngon, mặc không dám mặc đẹp... chị Hòa mới bình tâm nghe chồng nói điều phải trái. Lần đầu nghe xong, chị im lặng nghi ngờ chồng muốn giữ tiền để tiêu vào những chuyện... mờ ám! Lần thứ hai, rồi thứ 3... cùng với những lời khuyên của bạn bè, chị mới đồng ý cùng anh thống nhất cách chi tiêu tiền bạc trong gia đình. Từ nay, anh Bình sẽ dành một phần thu nhập để chị dùng trong sinh hoạt hàng ngày, lo lắng cho con cái, một phần anh giữ để phục vụ công việc làm ăn và lo những việc lớn trong gia đình, họ tộc. Như thế vừa san sẻ gánh nặng tính toán chi tiêu cho vợ, vừa khiến cho anh thoải mái trong giao tế, làm ăn. Anh Bình bảo: "Lúc đầu có thể cô ấy sẽ chưa quen, nhưng đầu vào thay đổi thì đầu ra cũng phải thay đổi theo mới là hợp lý. Muốn sống chung thoải mái thì phải tin tưởng nhau, đặc biệt là vấn đề tài chính thì nên rõ ràng".
Ngược lại với mô hình "bà nội tướng" vẫn còn tồn tại, tuy không nhiều, gia đình chịu sự quản lý tài chính của những "lão tổng quản". Người ta bảo đàn bà giỏi tính toán thì chồng con được nhờ, còn đàn ông mà tính toán thì dễ làm vợ con... ức chế. Chả phải ở nông thôn mà ngay cả ở thành phố, đây đó người ta vẫn bắt gặp cảnh vợ chìa tay nhận tiền chợ hàng ngày từ chồng kèm theo những căn vặn chi li khoản nọ khoản kia... Bà Sim, quê ở Vĩnh Phúc, bỏ lên Hà Nội làm oshin một phần cũng vì để thoát khỏi cảnh ăn nhờ vào lão chồng keo kiệt. Vốn chỉ có nghề làm ruộng, sau khi đất nông nghiệp ở làng bị thu hồi để xây nhà máy, bà đâm ra thất nghiệp. Chồng bà đi buôn kiếm ra tiền, trở thành trụ cột trong nhà. Bà còn mỗi việc ở nhà nấu cơm, trông cháu và ngửa tay nhận tiền của chồng để đi chợ. Mỗi buổi đi chợ với bà là một cực hình: vừa phải mặc cả bã bọt mép, vừa phải ghi nhớ giá từng món hàng về nhỡ ông ấy hỏi. Không ít lần bà phát khóc vì chồng đo lọ nước mắm, đếm củ dưa hành, nói bà vợ già ăn tiêu hoang phí... Bọn con cái hùa theo người cầm kinh tế, coi lời bà cũng chả ra gì... Hơn 50 tuổi, bà Sim ngậm ngùi: "Lấy chồng chả gì khổ bằng phải người bủn xỉn. Nhà tôi lúc nào cũng đầy nghi ngờ, chì chiết, hễ có việc gì động đến tiền một cái là vợ chồng con cái cứ lặng cả đi như phạm húy... Nhục lắm!".
Ngọc Hà