Báo cáo của Bộ tư lệnh Bộ đội biên phòng cho biết, chiếc tiêm kích Su-30 số hiệu 8585 mất liên lạc lúc 7h29 sáng nay 14/6 tại khu vực đảo Hòn Mắt, cách thành phố Vinh (Nghệ An) 40 km. Chiếc Su-30 xuất phát từ sân bay Sao Vàng (Thọ Xuân, Thanh Hóa).
Trung tướng Lê Huy Vịnh (Tư lệnh Quân chủng Phòng không không quân) và Thiếu tướng Đỗ Minh Tuấn đã trực tiếp vào sân bay Thọ Xuân để chỉ huy tìm kiếm.
Thiếu tướng Đỗ Minh Tuấn (Phó tư lệnh Quân chủng Phòng không không quân) xác nhận với VnExpress chiếc máy bay mất liên lạc ở phía đông Nghệ An, trong khi đang thực hiện nhiệm vụ huấn luyện trên biển. "Nguyên nhân máy bay mất liên lạc chưa được xác định, các đơn vị đang phối hợp tìm kiếm", ông Tuấn nói.
Máy bay mất tích do hai phi công tên Trần Quang Khải (43 tuổi) và Nguyễn Hữu Cường (39 tuổi) điều khiển, đều là những chiến sĩ dày dạn kinh nghiệm của Trung đoàn không quân 923. Thượng tá Trần Quang Khải là một trong những phi công bay giỏi và có kinh nghiệm nhất Trung đoàn 923. Chiếc máy bay tiêm kích Su 30MK2 cũng là một trong những máy bay hiện đại nhất của Trung đoàn 923.
Ông Huỳnh Thanh Điền, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An cho biết, các lực lượng gồm tỉnh đội, ngư dân, biên phòng tỉnh đang phối hợp với lực lượng của Quân khu 4 tiếp tục tìm kiếm tại vùng biển gần đảo Hòn Mắt, nhưng chưa có kết quả. Hải đội 3 tàu CN09, BP 061901, BP 061201 cùng 35 chiến sĩ đang làm nhiệm vụ tìm kiếm ở khu vực trên. Các đồn biên phòng tuyến biển, chính quyền địa phương và ngư dân gần đảo Hòn Mắt cũng được thông báo để phối hợp.
Máy bay trực thăng đã lên đường rà soát quanh khu vực đảo Hòn Mắt (thị xã Cửa Lò, Nghệ An). Hơn 9h sáng, Hải quân Bộ đội biên phòng Nghệ An đã điều 3 tàu xuất bến tới vùng biển phía đông Nghệ An, cách Hòn Mắt chừng 6 hải lý. Đến 11h, các tàu của Bộ Chỉ huy quân sự, biên phòng, cảnh sát biển, kiểm ngư... ở Nghệ An được huy động tổng lực ra biển.
"Chúng tôi đã cho 3 tàu với 36 cán bộ, quân nhân ra tìm kiếm quanh khu vực Đảo Mắt. Có hơn 10 tàu cá lớn của ngư dân và các lực lượng khác cũng có mặt ở khu vực này", Đại tá Trần Văn Hùng - Phó Chỉ huy trưởng, Tham mưu Trưởng Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Nghệ An nói.
Đến 14h30, một lãnh đạo của Trung đoàn Không quân trực thăng 916 thuộc Sư đoàn 371 cho biết, 4 chiếc trực thăng Mi 171 và Mi 172 của Trung đoàn đã cất cánh, tham gia đoàn cứu hộ.
16h30, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nguyễn Chí Vịnh khẳng định Bộ và các cơ quan chức năng đang và sẽ huy động tất cả các lực lượng có thể để tham gia tìm kiếm. Thứ trưởng Vịnh bác bỏ tin đồn về việc một phi công đã bơi vào bờ. Ban chỉ huy tìm kiếm cứu nạn do Phó chủ tịch tỉnh Nghệ An Đinh Viết Hồng làm trưởng ban được thành lập tại Cửa Lò. Nghệ An sẽ huy động tổng lực từ bộ đội biên phòng, kiểm ngư, ngư dân để phối hợp với Quân khu 4 và Bộ Quốc phòng tìm kiếm máy bay mất tích.
Phi công lái tiêm kích Su-30 thuộc Trung đoàn không quân 923 (Sư đoàn 371, Quân chủng Phòng không Không quân). Đoàn 923 (Đoàn Yên Thế) được thành lập ngày 4/8/1965, là trung đoàn không quân tiêm kích thứ hai của Không quân Nhân dân Việt Nam, ra đời trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Máy bay Su-30 do Nga sản xuất, được đánh giá có nhiều ưu thế hơn các dòng máy bay tiêm kích chủ lực thế hệ 4 của Mỹ. Việt Nam đã thực hiện 3 hợp đồng mua máy bay chiến đấu đa năng Su-30 MK2, loại hiện đại nhất của dòng máy bay chiến đấu Su-30, với số lượng 32 chiếc. Su-30 MK2 có thể hạ mục tiêu trên không, trên đất liền và trên biển. Máy bay được trang bị tên lửa điều khiển, bom điều chỉnh trên không có khả năng đạt vận tốc gấp đôi tốc độ âm thanh. Trang bị vũ khí của Su-30 MK2 ngoài pháo 30 mm có tốc độ 1.800 phát/phút, còn có các loại tên lửa đối không, đối đất/hải, tên lửa phát hiện sóng radar và tấn công đài phát với tầm bắn tối đa 110 km. |
Theo VnExpress