Chủ nhật, 10/12/2023, 11:30 (GMT+7)

Tiệm bánh mỳ nhân pate nướng, ba rọi hấp 55 năm đắt khách

TP HCMGiữ nguyên vị trí buôn bán từ năm 1968 đến nay, bánh mỳ kẹp pate nướng, xíu mại viên và thịt ba rọi hấp vị gia truyền họ Tăng luôn đắt hàng.

Cuối chiều một ngày thường, trời vừa tắt sáng, đèn đường vừa lên, cửa tiệm của gia đình họ Tăng lại kín khách xếp hàng. Đèn điện sáng trưng góc ngã tư Nguyễn Trãi - Phùng Hưng, quận 5. Tiếng trao đổi mua bán lẫn với tiếng xe cộ tấp nập giờ tan tầm.

Tăng Chi Quân, chủ quán, cho hay đây là một trong hai khung giờ quán đắt hàng nhất, cùng với giờ đi học, đi làm vào sáng sớm. Ấy là khi người ta ghé vội mua hộp xôi, ổ bánh mỳ cho bữa sáng; hoặc mua vài ba phần đồ ăn nóng sốt cho cả gia đình vào một buổi tối phá lệ không nấu cơm.

Anh Quân cho biết việc làm ăn buôn bán của gia đình đã truyền thừa ba thế hệ. 55 năm trước, ông chú của anh (em trai ông nội) mở bán bánh mỳ bình dân ngay góc đường này, với hai món đặc sản pate nướng và xíu mại thịt viên. Tiệm vốn chẳng có tên nhưng sớm được lòng bà con khu Chợ Lớn.

Sau này, ông chú của Quân để lại quán cho ba anh. Ba mẹ anh lấy nhau, bán thêm xôi mặn với đồ ăn kèm giống hệt bánh mỳ. Tiếp quản thương hiệu gia truyền, hai anh em Quân mới đặt cho quán cái tên Tăng. Anh kể: 'Nhiều người tưởng bánh mỳ Tăng là bánh mỳ chay, nhưng thực ra tên quán lấy từ họ của chúng tôi'.

Dưới ánh đèn vàng, các loại đồ ăn kèm được bày tươi ngon, hút mắt. Ngoại trừ chà bông (ruốc) và lạp xưởng được nhập, những thứ còn lại như chả lụa (giò lụa), pate, xíu mại, thịt xá xíu... đều do gia đình tự làm .

Chi Quân tâm đắc pate và xíu mại là hai món nguyên bản nhất của tiệm, với công thức được cha truyền con nối hơn nửa thế kỷ. 'Khách đến đều ăn hai loại toping này', anh khoe.

Thay vì hấp, pate ở đây được nướng để tạo độ béo bùi và dậy mùi thơm. Sau khi xay thịt, trộn gia vị, pate cho vào nồi, nướng trên bếp than và ủ khoảng một tiếng. Theo anh tiết lộ, chiếc lò nướng đã được gia đình gìn giữ hơn 30 năm. Hai ông chủ nhiều lúc tính thay lò mới đẹp hơn, hiện đại hơn, nhưng tiếc món đồ cổ nhiều giá trị kỷ niệm.

Pate được làm mới liên tục, bốc khói nóng hổi khi đổ ra khay inox. Ước chừng, mỗi ngày quán tiêu thụ khoảng 40 kg pate. Ngoài ăn kèm bánh mỳ và xôi, nhiều khách còn mua thêm pate để trữ ở nhà ăn dần.

Xíu mại viên to, chắc và mềm, với phần nước xốt có độ mặn vừa phải, không ngọt. Tương tự pate, món ăn này cũng được đông thực khách mua riêng (5 viên mỗi phần) để thêm món cho mâm cơm gia đình.

Ngoài thịt xá xíu quen thuộc trong bánh mỳ đường phố, tiệm Tăng còn có thịt ba rọi hấp lạ miệng. Miếng thịt màu hồng nhạt, lẫn nạc và mỡ. Phần thịt dày và ngọt, phần mỡ dẻo nhưng không ngấy.

Bên cạnh các loại nhân mặn, quán phục vụ thêm nhân ca dé ăn kèm xôi và bánh mỳ, dành cho những người hảo ngọt. Hỗn hợp trứng, sữa được quán tự làm, vàng ươm, nhuyễn mịn, ngọt đủ độ, không ngấy.

Bánh mỳ đựng trong sọt nan tre và nướng liên tục. Một ổ bánh mỳ có giá cố định 28.000 đồng với nhân mặn và 16.000 đồng với nhân ngọt.

Từ quận 8, bà Mai (hơn 60 tuổi) cho hay bà thích bánh mỳ Tăng đã mấy chục năm. Giá bán ở đây cao hơn chỗ khác (15.000-20.000 đồng/ổ), nhưng xíu mại và pate hợp khẩu vị gia đình bà, ngon hơn nhiều tiệm.

Phía sau quầy bán hàng là khu bếp, nơi chủ quán làm đồ ăn kèm xôi và bánh mỳ. Là khách ruột của quán nhiều năm, chị Linh đánh giá các loại toping đều ngon, giá thành xứng đáng với chất lượng.

Chị Yến thích pate có vị béo và thơm của quán. Chị 'chấm' bánh mỳ ở đây đầy đặn, đậm đà, vừa ăn; đồng thời dành sự yêu thích đặc biệt cho xôi mặn. 'Xôi và bánh mỳ chất lượng, giá hợp lý, xứng đáng để mình xếp hàng đợi', chị nói.

Theo Tăng Chi Quân, xôi của tiệm đắt hàng không kém bánh mỳ, mỗi ngày tiêu thụ gần 60 kg, trong thời gian quán mở bán 5h30-23h30 hằng ngày.

Bánh mỳ Tăng
 
 

Một buổi buôn bán ở tiệm bánh mỳ nhà họ Tăng

Phong Kiều

Đánh giá phiên bản mới