Sau nhiều năm sống kín tiếng, cựu vận động viên wushu Thúy Hiền gây bất ngờ với khán giả khi góp mặt trong dàn Chị đẹp đạp gió rẽ sóng mùa hai. Dịp này, cô tâm sự với Ngôi Sao về hành trình gần 20 năm chiến đấu với bệnh trầm cảm.
- Chị phát hiện mắc bệnh trầm cảm như thế nào?
- Gần 20 năm trước, vấn đề sức khỏe tinh thần chưa được quan tâm nhiều. Ngay cả khi khái niệm trầm cảm phổ biến hơn, tôi cũng không nghĩ mình có thể mắc căn bệnh này. Tôi yêu thể thao, thích vận động, có thu nhập ổn định, sống đơn giản, không nhiều tham vọng, lại có các con là động lực, làm sao tôi mắc bệnh về tâm lý được? Vậy mà đến một giai đoạn, tôi luôn thấy mệt mỏi, dễ bị ngất dù đang chơi thể thao hay chỉ ngồi không trong nhà. Lúc nào, tôi cũng muốn nằm trên giường, sợ ánh sáng và tiếng ồn, không muốn gặp ai. Tôi ở trong nhà một năm, chỉ ra khỏi phòng vào hai bữa ăn trưa và ăn tối mỗi ngày.
Đến bệnh viện khám, tôi được chẩn đoán suy nhược cơ thể, huyết áp thấp. Tôi nghĩ chuyện này dễ hiểu vì sau nhiều năm cống hiến hết mình cho thể thao nhưng không chú trọng dinh dưỡng, tôi đã đến lúc mệt mỏi. Tôi truyền nước, dùng thuốc bổ nhưng không khá hơn.
Tôi chìm trong trạng thái chán nản, ý nghĩ không muốn tồn tại nhiều thêm mỗi ngày. Tôi mong được nhìn các con khôn lớn, có sự nghiệp và gia đình riêng. Nhưng tôi cũng cảm thấy chờ đợi những chuyện này quá lâu, thời gian trôi quá chậm và cuộc sống quá vô nghĩa. Trong tôi giống như có hai con người cùng tồn tại. Một đứa nhắc tôi sống tiếp, một kẻ không thiết tha tiếp tục.
Dù vậy, tôi vẫn tự nhắc mình mỗi ngày phải ăn ít nhất hai bữa. Đến giờ nghĩ lại, tôi cũng không hiểu tại sao lúc ấy mình ý thức được như vậy. Mọi cử động của tôi đều rất chậm, ra khỏi giường và xuống đến bàn ăn không dễ dàng. Ăn hết nửa bát cơm đầu, tôi nằm ra ghế nghỉ vài phút mới ăn tiếp được.
Bữa nào tôi cũng nhờ cô giúp việc chuẩn bị nước rau muống luộc dầm sấu, vì đó là món tôi thích ăn nhất, giúp tôi "lùa" hết cơm cho qua bữa. Thức ăn hằng ngày của tôi đơn giản chỉ có thịt băm, trứng rán. Thú thật, lúc ấy tôi không thấy ngon miệng, ăn gì cũng như nhai rơm. Có lẽ việc luyện tập thể thao từ nhỏ đã rèn cho tôi ý chí đủ mạnh để gắng gượng trong tình cảnh như thế.
- Tình trạng như vậy ảnh hưởng thế nào đến việc chị chăm sóc các con?
- Hai con gái tôi khi đó còn quá nhỏ. Lúc nào muốn gặp tôi, các con vào phòng, quây quần. Nhưng chỉ một lúc, tôi lại ngủ vì mệt. Tôi rất dễ nổi nóng. Chút chuyện nhỏ trong gia đình cũng làm tôi giận và khóc. Nhìn nhà bẩn hay bừa, tôi cũng cáu. Nghe tiếng con khóc, tôi rất khó chịu.
Nhưng tôi đủ lý trí để nhắc mình kìm nén, bởi tôi không muốn trở thành người mẹ cáu gắt làm các con tổn thương. Mỗi lần khó chịu, tôi vào nhà vệ sinh khóc, ra quán cafe một mình hoặc thuê phòng khách sạn ngủ để được yên tĩnh.
- Theo chị, nguyên nhân nào đẩy chị vào căn bệnh này?
- Tôi nghĩ nhiều nguyên nhân gây nên chuyện này. Sự thiếu vắng tình thân, áp lực thi đấu, sử dụng thuốc giảm đau khi chấn thương tích tụ từ ngày tôi còn nhỏ. Sau này, tôi thêm áp lực nuôi dạy con, sự căng thẳng khi các con ốm, nỗi buồn trong tình cảm. Tôi từng nghĩ mọi tổn thương sẽ được xoa dịu qua thời gian nhưng thì ra không phải. Mọi thứ cộng dồn trong khi tôi không thể mở lòng sẻ chia với ai. Đến khi mắc trầm cảm, tôi mới thấy những chuyện trước đây không đáng là gì cả.
- Chị vật lộn với căn bệnh như thế nào?
- Sau một năm chỉ ở trong phòng, tôi cảm thấy ổn hơn, bắt đầu ra ngoài gặp bạn bè và chơi bóng bàn. Nhưng sự tích cực này chỉ kéo dài được một năm. Mỗi ngày, tôi thấy dễ chịu trong khoảng hai tiếng chơi thể thao. Thời gian còn lại, tâm trạng tôi lại chùng xuống.
Tôi không muốn gặp những người bạn không hiểu cho tình trạng của mình, nói những lời không phù hợp với tâm trạng. Tôi cũng không muốn bản thân rơi vào lạc lõng hoặc mang cảm giác mình là gánh nặng, làm phiền bạn bè trong những buổi gặp gỡ. Cho nên, tôi tiếp tục dành phần lớn thời gian ở nhà.
Một lần hiếm hoi tôi ra ngoài, bạn tôi không nhận ra vì tôi xanh xao, chậm chạp, thần sắc kém, ăn mặc luộm thuộm. Sau này, vài người bạn nhận xét hồi đó phản ứng của tôi rất lạ, có hôm nói nhiều chuyện linh tinh, có hôm ngồi một góc không nói gì. Có những người bạn chơi thể thao chung mấy năm tôi cũng không nhớ. Các con thì kể tôi từng nhắn cho chúng những dòng tin nhắn bất ổn. Tôi hành xử hoàn toàn vô thức, giờ không còn nhớ.
Người đầu tiên nghi ngờ tôi bị trầm cảm là một chị bạn làm trong ngành dược phẩm. Thông qua sự kết nối của chị, tôi đến gặp bác sĩ và được chẩn đoán bệnh ở giai đoạn nặng, phải uống thuốc. Tôi vật lộn với trầm cảm gần 20 năm, điều trị thuốc gần 10 năm.
- Người thân hỗ trợ chị thế nào trong hành trình vượt qua tâm bệnh?
- Thời gian đó, mẹ tôi và chị Thúy Vinh sống ở TP HCM, không chứng kiến tình trạng của tôi. Có lúc, tôi gọi điện cho chị gái, thú nhận tôi thấy mình bất ổn, trong đầu xuất hiện những suy nghĩ trước nay chưa từng có. Vài người bạn nghe tôi than thở thì cho rằng tôi buồn chán vì ở trong nhà nhiều quá, khuyên tôi ra ngoài gặp gỡ bạn bè nhiều hơn. Có lần, tôi hẹn gặp anh Anh Tú (nhạc sĩ Tú Dưa, chồng cũ của Thúy Hiền - PV), căn dặn anh nếu tôi gặp chuyện gì, anh phải chăm lo cho các con. Nghe thế, anh Tú cho rằng tôi suy nghĩ linh tinh. Cảm thấy không ai hiểu, tôi chọn một mình đương đầu với vấn đề.
Sau này biết tôi bị bệnh, Anh Tú chia sẻ với tôi nhiều hơn, giới thiệu những người hiểu về bệnh tâm lý trò chuyện, tư vấn cho tôi, giúp tôi bỏ dần các loại thuốc đã dùng nhiều năm. Chúng tôi đã hết duyên vợ chồng nhưng vẫn coi nhau là người thân, anh Tú sẵn sàng giúp tôi khi cần, cùng tôi chăm lo cho các con.
Khi các con lớn hơn, tôi tâm sự tôi mắc một căn bệnh làm tôi đau đầu, hay cáu và mong các con thông cảm cho tôi. Hai con gái đều rất nghe lời, hễ thấy tôi nổi nóng, các con lại im lặng làm việc của mình. Các con hay giành làm việc nhà, động viên tôi ra ngoài gặp bạn bè và tìm tình yêu mới để tinh thần cởi mở, thoải mái.
Người mắc bệnh trầm cảm đôi khi chối bỏ căn bệnh của mình. Họ co mình lại, cố thể hiện bản thân bình thường, vì sợ nếu thừa nhận có thể bị tách khỏi cộng đồng, bị kỳ thị. Sự sẻ chia của người thân rất quan trọng, cho họ cảm giác có chiếc phao hay bờ vai để họ bấu víu. Sống chung với căn bệnh này lâu năm, tôi nghĩ mình nên trải lòng vì có thể tiếng nói của tôi tạo động lực cho những người mắc trầm cảm và các gia đình có người thân mắc bệnh.
- Sau nhiều năm chiến đấu với trầm cảm, hiện tại sức khỏe của chị ra sao?
- Ngày xưa, cứ gần tới một đại hội thể thao lớn, tôi đều được báo đài mời phỏng vấn. Nhưng tôi chỉ dám xuất hiện trong thời gian ngắn, đủ để gửi lời động viên các vận động viên trẻ. Hôm nay, tôi ngồi đây trải lòng một cách thoải mái thế này là một sự thay đổi rất lớn. Tôi cảm thấy khỏe hơn, mở lòng hơn. Tôi đang dành trọn tinh thần cho chương trình Chị đẹp đạp gió rẽ sóng, hy vọng đây là khởi đầu mới của tôi.
Phong Kiều thực hiện