Thúy Diễm sinh năm 1986 tại TP HCM. Cô được khán giản yêu mến khi tham gia nhiều phim như Hương đồng nội, Phận làm dâu, Mẹ ghẻ, Cát đỏ, Dâu bể đường trần... và gần đây là Chống lại số phận. Năm 2016, Thúy Diễm lên xe hoa cùng diễn viên Lương Thế Thành. Hiện cả hai có một bé trai kháu khỉnh.
Trò chuyện với Ngoisao.net, Thúy Diễm đã chia sẻ nhiều điều trong cách chăm sóc con, dạy dỗ con trai của vợ chồng cô.
- Bé Bảo Bảo - con trai anh chị vừa tròn 3 tuổi. Nhìn lại hành trình làm mẹ trong những năm qua, chị thấy mình thay đổi như thế nào?
- Tôi thấy mình trưởng thành và sâu sắc hơn. Trước đây, khi chưa có con, cả hai vợ chồng đều đi quay phim thường xuyên, mặc dù kết hôn rồi nhưng vẫn hay phải xa nhau. Hầu như thời gian đều dành hết cho công việc. Nếu rảnh rỗi thì lại đi du lịch. Lúc đó, tôi vẫn chưa vướng bận một trách nhiệm quá nặng nề.
Có con rồi, tôi phải suy nghĩ kỹ hơn những khoản chi tiêu trong cuộc sống. Tôi phải tiết kiệm cho con, cho tương lai về sau của mình. Khi nhận lời quay phim xa hay những dự án phim, tôi cũng phải tính toán quỹ thời gian để có thể bên cạnh con. Tôi từ một người không biết nấu nướng nhiều đãi cố gắng học nấu nhiều món ngon cho con. Tôi cảm thấy khác hẳn so với trước đây.
- Khi công việc bận rộn, chị cân bằng thời gian cho công việc và cho gia đình như thế nào?
- Tôi chia quỹ thời gian của mình làm hai phần: một nửa dành cho công việc và nửa còn lại cho gia đình. Chẳng hạn, buổi sáng tôi đi quay phim, tối thì ở nhà chơi với con, dạy con học. Khi tôi nhận lời tham gia dự án phim ở xa, quay trong vài tháng thì trong thời gian tiếp theo tôi sẽ không nhận công việc để dành thời gian bên con. Tất nhiên là khi đã có con, đã có gia đình rồi, tôi ưu tiên gia đình hơn công việc của mình.
- Con trai chị ở tuổi mới lên ba, chị thấy bé có gì mới và khiến chị bất ngờ ?
- Khi chứng kiến một hành trình lớn lên của con, tôi thấy được nhiều điều bất ngờ. Em bé nhà tôi đôi khi không chịu nói gì hết và tôi cũng nghĩ rằng con đang bị chậm nói so với bạn bè cùng lứa tuổi. Tôi cũng khá lo. Nhưng có một hôm, dắt con đi chơi, đi du lịch, con vui quá tự nhiên nắm tay ba, nắm tay mẹ rồi nói: "Mẹ ơi, con yêu mẹ". Tôi cảm thấy rất bất ngờ. Đôi khi, con có những hành động khiến tôi rất vui và hạnh phúc. Con tôi coi ba mẹ là tất cả, luôn muốn nắm tay của cả ba và mẹ.
- Chị có sự chuẩn bị như thế nào khi con trải qua giai đoạn 'khủng hoảng tuổi lên ba'?
- Con tôi cũng đang trong giai đoạn khủng hoảng tuổi lên ba. Con rất bướng. Con hay phản kháng với những hoạt động thường ngày. Nhiều lúc, con gào lên rồi nằm khóc, ăn vạ. Tôi không dạy con theo kiểu quát con. Tôi cho con khóc một chút rồi khi nào con dịu xuống thì bắt đầu nói lí lẽ phải trái. Tôi đang áp dụng phương án khi nào con hư, sẽ không đánh con mà yêu cầu con khoanh tay, dựa vào tường, hối lỗi. Tôi thấy cách này đang hiệu quả với bé nhà tôi.
- Ở thời điểm này, chị bắt đầu cho bé học và trải nghiệm điều gì mới ?
- Bé nhà tôi đang thích thú với những con số. Ngoài ra, con còn học về màu sắc, đánh vần. Con cũng rất thích học. Khi đi học, con được cô giáo khen là nhớ mặt chữ số và chữ cái rất tốt. Khi con thấy bất kể tên nhãn hiệu nào trên đường, con đọc từng chữ một. Tối trước khi đi ngủ, con hay tự đếm số.
- Trong việc nuôi dạy con cái ở nhiều gia đình, bố và mẹ hay có những quan điểm và phương thức khác nhau, còn với gia đình anh chị thì sao?
- Trong gia đình cần có một người nghiêm khắc. Tôi dùng phương pháp mềm mại để uốn nắn con, còn chồng tôi thì nghiêm khắc hơn. Mỗi gia đình có cách dạy con khác nhau nhưng đều mong muốn là uốn nắn cho bé ngoan ngoãn, nghe lời. Tôi dạy con tôn trọng người lớn tuổi. Con phải biết nói lời cảm ơn khi nhận được sự giúp đỡ và xin lỗi khi sai. Con còn nhỏ thì cách cư xử của con cần được uốn nắn, sau đó mới dạy con về kiến thức.
- Chị sẽ làm gì nếu bé không nghe lời?
- Mỗi khi con không nghe lời, tôi hay phạt con không được xem tivi hoặc đứng khoanh tay. Tôi không dùng đòn roi để dạy con. Nếu con không vâng lời, tôi sẽ không cho con làm những điều mà con thích để con sẽ thấy là mình sai. Con sẽ nhận thức được rằng nếu hành động như thế thì sẽ không có được món đồ chơi mà mình yêu thích hay được làm những điều con thích.
- Trong khoảng thời gian giãn cách này, con ở nhà nhiều và không được chơi với bạn bè. Chị làm gì để bé không bị chán?
- Mỗi ngày, vợ chồng tôi thường bày ra các trò chơi để chơi cùng con. Chúng tôi cố gắng để con vui nhất. Thường mùa hè hay những khi rảnh rỗi, hai vợ chồng tôi dắt con đi biển chơi hoặc đi công viên để bé tìm hiểu cái này cái kia mới mẻ. Nhưng giờ con ở nhà thì tôi cho đọc sách cho con nghe, bày trò chơi với con. Nhiều khi tôi nấu ăn, tôi sẽ cho con nhặt rau cùng. Hay khi tôi quét nhà, con cũng ra quét nhà cùng mẹ. Tôi tạo ra trò chơi cho con bằng những công việc nhà đơn giản.
Bé nhà tôi rất thích xem các chương trình hoạt hình trên tivi, youtube. Hầu như gia đình nào các con cũng đều như vậy. Con hay mè nheo xin mẹ mở tivi nhưng tôi cũng đang cố gắng hạn chế con. Đặc biệt, trong giờ ăn thì sẽ không có tivi, youtube. Những chương trình con xem thì tôi sẽ xem song song cùng con để đảm bảo con xem được những nội dung phù hợp lứa tuổi.
Minh Nguyệt thực hiện