Bé Ken, con trai đầu lòng của ca sĩ Đăng Khôi và bà xã Thủy Anh, đã trải qua năm học đầu đời với kết quả học tập tốt, nhiều niềm vui và trưởng thành hơn. Còn cặp bố mẹ nổi tiếng cũng đã phải đối mặt với nhiều "câu hỏi khó" khi đồng hành cùng con trai. Một trong số đó là những thắc mắc của bé về đồng tiền và mong muốn được tiêu tiền.
Hot mom kể lại: "Một ngày đẹp trời, Ken thắc mắc với mẹ: 'Mẹ ơi, tại sao bạn Trà My có 20 nghìn đồng, bạn Thanh Bình thì có 30 nghìn đồng... Bạn ý mua được mỳ gói, bim bim, đồ chơi mà con không có, hay là nhà mình nghèo quá hả mẹ?'". Trước câu hỏi đó, Thủy Anh đã giải thích cho con rằng: "Đúng là bố mẹ đã phải làm việc rất vất vả để trang trải cuộc sống hàng ngày, có tiền cho con ăn học, nuôi con nên bố mẹ sẽ không tự nhiên mà cho con tiền, sẽ phải kèm theo điều kiện gì đó để con hiểu được giá trị của đồng tiền".
Thủy Anh nhận định những băn khoăn này hoàn toàn hợp lý với một đứa trẻ ở độ tuổi như Ken khi hàng ngày bé quan sát thấy các vấn đề của cuộc sống. Và chị cũng muốn nhân cơ hội đó giúp con hiểu hơn về đồng tiền và cách sử dụng tiền hợp lý. Chị đặt ra các đầu công việc và nếu bé hoàn thành tốt thì sẽ được thưởng điểm. Số điểm này sau một thời gian tổng kết sẽ quy ra tiền, chẳng hạn 10 điểm tương đương với 10 nghìn đồng. Khi bé Ken muốn dùng tiền cho một việc gì đó, bé cần nói trước với mẹ.
Ngoài ra, "Có thưởng sẽ có phạt. Bé Ken có tính hay quên và nếu con làm mất đồ dùng học tập như bút chì, tẩy... thì chi phí mua đồ mới sẽ được trừ trực tiếp vào số tiền con có" - Thủy Anh cho hay.
"Dạy con về đồng tiền: Nói sao cho khéo?" là điều khiến vợ chồng Đăng Khôi - Thủy Anh trăn trở. Bởi Thủy Anh cho rằng sự cấm đoán nghiêm khắc của phụ huynh đôi khi sẽ dẫn đến suy nghĩ tiêu cực ở trẻ về vấn đề tiền bạc nên chị luôn thực hiện theo các nguyên tắc dưới đây.
1. Tiền không phải thứ từ 'trên trời rơi xuống'
Ở tuổi còn nhỏ, trẻ bắt đầu biết so sánh khi nhìn thấy các bạn có tiền mà mình không có. Điều đầu tiên vợ chồng Thủy Anh dạy cho con là: Tiền không phải một thứ tự dưng có. Bố mẹ phải làm việc vất vả để kiếm tiền và điều đó thể hiện giá trị của sức lao động.
2. Đồng tiền đi liền với điều kiện
Thủy Anh lưu ý những điều kiện này đều phải mang tính giáo dục, phù hợp với con và chứa đựng bài học, thông điệp đi cùng. Đồng tiền thể hiện sức lao động, con cần hiểu rằng phải bỏ ra một điều gì đó để đổi lại đồng tiền.
Tuy nhiên, song song với bài học về vật chất với tính trao đổi, chị cũng dạy con về những giá trị không thể mua bằng tiền để con hiểu là cuộc sống có những trao đổi không phải cứ có "điều kiện" là sẽ thực hiện được.
3. Thưởng điểm bằng các mục tiêu công việc
Thủy Anh đưa ra các mục tiêu công việc để con thực hiện và quy đổi nó thành "điểm thưởng", ví dụ 1 điểm = 1 nghìn đồng. Nhờ đó, con sẽ học cách tích lũy các điểm thưởng từ việc giúp đỡ cha mẹ với công việc nhà, nỗ lực hoàn thành bài tập, cố gắng trong học tập... Nhưng hot mom cũng lưu ý có những điều sẽ là công việc trẻ cần phải làm dù có thưởng hay không; đừng để con trẻ lấy đó làm một cớ để lười biếng.
4. Luôn giám sát việc con tiêu tiền
Thủy Anh luôn giám sát và tư vấn cho các con: Liệu con có nên mua đồ ăn này không? Nếu có 10 nghìn đồng thì nên mua một gói bánh 9 nghìn đồng hay hai gói kẹo 4 nghìn đồng? Chính sự giám sát ấy sẽ giúp các con tiêu tiền hiệu quả và hợp lý, hiểu được đúng giá trị của đồng tiền.
5. Có thưởng sẽ có phạt
Mục đích của việc "phạt" không phải là để lấy lại tiền từ con. Việc phạt bằng cách trừ điểm khi con làm mất bút chì ở lớp, ví dụ như vậy, giúp trẻ nhận ra hai điều: (1) Các con luôn cần phải cẩn thận hơn trong cuộc sống và công việc, (2) Có được đồng tiền không dễ dàng và các con phải thực sự trân quý thành quả của mình.
6. Khi tiêu tiền, hãy nghĩ tới sự sẻ chia
Thủy Anh cho rằng đây là điều thực sự quan trọng. Giá trị của đồng tiền không chỉ nằm ở giá trị vật chất mà còn ở sự sẻ chia. Bà mẹ hai con đã giao cho bé Ken thử thách Mua gì với 50 nghìn đồng? và sau đó chị cảm thấy rất hài lòng vì Ken đã biết chia sẻ với em, mua đồ thêm cho bố mẹ, nghĩ tới mọi người trong gia đình khi sử dụng đồng tiền.
Ảnh & Video: NVCC