Thỏa thuận hợp tác giữa Nike và Michael Jordan đã làm thay đổi vận mệnh của cả hãng thời trang thể thao này và huyền thoại bóng rổ. Michael Jordan đã đưa Nike từ một tên tuổi kém hấp dẫn trở thành một trong những thương hiệu tiêu dùng lớn nhất, có giá trị nhất thế giới. Và Nike cũng biến Michael Jordan thành vận động viên thể thao giàu có nhất thế giới.
Tuy nhiên, thỏa thuận có thể đã không xảy ra nếu không có lời khuyên từ cha mẹ của Michael Jordan. Trong tập 5 của The Last Dance, phim tài liệu về huyền thoại bóng rổ, Jordan tiết lộ anh suýt ký hợp đồng với Adidas trước khi bị mẹ bắt lên máy bay để đến nghe các thoả thuận hợp tác mà Nike đưa ra.
"Mẹ tôi nói: 'Con hãy thử nghe qua nó một lần. Con có thể không thích nhưng đừng nói gì cả mà chỉ lắng nghe thôi'. Và mẹ bắt tôi lên máy bay để đến nghe đề nghị hợp tác từ Nike", Michael Jordan nhớ lại.

Michael Jordan và mẹ, bà Deloris Jordan, sau khi giành chiến thắng tại Chung kết NBA 1998. Ảnh: CBCNews.
Theo đó, Nike cung cấp cho Jordan một hợp đồng trị giá 500.000 USD/năm kéo dài trong 5 năm. Đó là một khoản tiền khổng lồ với một vận động viên còn non trẻ như Jordan nếu so với nhiều ngôi sao nổi tiếng như Larry Bird hay Magic Johnson lúc ấy. Ngoài ra, Nike còn ra mắt dòng giày Air Jordan dành riêng cho Michael Jordan và đây là điều mà Adidas không hứa hẹn dành cho anh nếu hợp tác.
"Nike đã tạo ra cú hích lớn", Jordan nói. Cha anh thêm vào: "Chỉ có kẻ ngốc mới từ chối cơ hội hợp tác này. Đây là thỏa thuận tốt nhất".
Vào thập niên 70, Nike là một trong những hãng thời trang được yêu thích khi tập trung phát triển dòng giày chạy bộ chuyên dụng. Doanh thu của hãng tăng mạnh từ 28,7 triệu USD năm 1973 lên 867 triệu USD năm 1983. Tuy nhiên, năm 1984, thị trường bão hòa, sức hút không còn khiến doanh thu của Nike sụt giảm đáng kể khiến hãng ghi nhận khoản thua lỗ đầu tiên.
Khi đó, nhà sáng lập Nike Phil Knight quyết định ký hợp đồng với một cầu thủ có tiềm năng trở thành ngôi sao lớn để thúc đẩy trở lại doanh số của công ty. Nike đặt hy vọng vào Michael Jordan, một cầu thủ trẻ chưa được nhiều hãng thể thao lớn biết đến.

Michael Jordan trong chiến dịch quảng bá mẫu giày Air Jordan hợp tác với Nike năm 1984. Ảnh: Nike.
Hợp tác giữa Nike với Michael Jordan không chỉ dừng lại ở những chiến dịch quảng bá một dòng sản phẩm hay một mẫu giày mới mà hãng muốn tạo ra một hiện tượng thời trang gắn liền với thành tích và phong cách của ngôi sao trẻ tài hoa. Quyết định này của Nike hoàn toàn đúng đắn khi Michael Jordan tỏa sáng trong mùa giải 1984-1985, khiến doanh số của hãng tăng mạnh. Kết thúc năm 1984, doanh thu của Nike đạt 900 triệu USD.
Mẫu giày Air Jordan có mặt ở các kệ hàng của Nike tháng 3/1985 với giá 65 USD một đôi và liên tục "cháy hàng". Chỉ trong hai tháng, Nike thu về 70 triệu USD tiền bán sản phẩm này. Đến năm 1997, khi Jordan nhận danh hiệu vô địch thứ 5 trong sự nghiệp bóng rổ nhà nghề, doanh thu của Nike cán mốc 9,19 tỷ USD.
Michael Jordan trở thành huyền thoại trong bộ môn bóng rổ, còn Nike là thương hiệu được các tín đồ thời trang thể thao khao khát. Theo báo cáo của Brand Finance, năm 2018, Nike tiếp tục đánh bại H&M, Zara, Adidas, Hermès, Louis Vuitton... để giữ vị trí số 1 trong bảng xếp hạng 50 thương hiệu may mặc hàng đầu thế giới. Và Michael Jordan là vận động viên kiếm được nhiều tiền nhất thế giới với khối tài sản 1,4 tỷ USD, trong đó 1,3 tỷ USD đến từ các thương vụ hợp tác với Nike trong 36 năm qua.
Sơn Nam (Theo BI)