Tuần qua, Facebook va phải hàng loạt scandal liên quan đến bảo mật quyền riêng tư của người dùng và khủng hoảng nhân sự cao cấp. Nghiêm trọng nhất là vụ livestream cảnh xả súng làm 49 người thiệt mạng tại nhà thờ Hồi giáo Christchurch (New Zealand) và sự ra đi bất ngờ của Giám đốc sản phẩm Chris Cox, người từng gắn bó 13 năm tại Facebook với tư cách là một trong 15 kỹ sư phần mềm đầu tiên.
Vốn hóa thị trường của Facebook đã bốc hơi hơn 21 tỷ USD chỉ trong 2 ngày cuối tuần qua. Trong phiên giao dịch hôm 15/3, cổ phiếu của công ty này giảm đến 5%.
Sự phản đối của người dùng với những nội dung rác tràn lan
Ngày 15/3, đoạn video phát trực tiếp xả súng hàng loạt ở New Zealand được chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội. Tay súng người Australia, Brenton Tarrant, tấn công và giết chết 49 người tại nhà thờ Hồi giáo Christchurch. Sư việc này làm dấy lên làn sóng kêu gọi kiểm duyệt các nội dung trên mạng xã hội này.
"Việc phát trực tiếp cảnh xả súng tại New Zealand chắc chắn sẽ đặt ra nhiều câu hỏi về quy định và việc kiểm soát của Facebook. Họ đã cung cấp nền tảng cho cuộc tấn công khủng khiếp và tạo điều kiện cho một số người lan truyền những nội dung cực đoan này", ông Clement Thibault, chuyên gia phân tích của Investing, nhận định.
Facebook đang gặp sự phản đối gay gắt của người dùng mạng xã hội. Nhiều người đặt câu hỏi liệu Facebook có kiểm soát được nội dung phát trên nền tảng của họ hay không. Trước đó, nhà đồng sáng lập ứng dụng WhatsApp là Brian Acton kêu gọi xóa Facebook bởi nền tảng này không kiểm duyệt nội dung một cách hiệu quả.
Để giải quyết khủng hoảng trên, Facebook đầu tư nhân lực để loại bỏ nội dung giả mạo khỏi nền tảng của mình. Cụ thể hãng này đã thông báo xóa 1,5 triệu video về vụ xả súng trong 24 giờ đầu sau vụ thảm sát. Công ty công nghệ cho biết đã ngăn 1,2 triệu video được tải lên nền tảng của mình, nơi có hơn 2,2 tỷ người dùng toàn cầu.
Bất kể những nỗ lực đó, Facebook khó lấy lại được niềm tin của người dùng. Thậm chí một số nhân vật nổi tiếng và có ảnh hưởng như CEO của AirAsia, ông Tony Fernandes, thông báo đã xóa tài khoản Facebook cá nhân hôm 17/3 để phản đối chính sách kiểm duyệt nội dung của mạng xã hội này.
Cùng với đó, hôm 13/3, các công tố viên Mỹ tuyên bố mở cuộc điều tra hình sự về thỏa thuận chia sẻ dữ liệu giữa Facebook và các nhà sản xuất thiết bị điện thoại thông minh, máy tính bảng do những sai phạm về sử dụng dữ liệu người dùng.
Bên cạnh đó, Facebook cũng đối mặt với lỗi hệ thống lớn nhất từ trước đến nay khi mạng xã hội này bị sập toàn cầu vào đêm 13/3 và kéo dài gần 10 giờ mới được khắc phục. Theo CNN, lần gần nhất Facebook bị sập với quy mô rộng lớn như trên là từ năm 2008, nhưng khi ấy họ mới chỉ có 150 triệu người dùng, hiện con số này đã lên đến 2,2 tỷ.
Kể từ năm 2016 đến nay, Facebook cũng bị chỉ trích gay gắt liên quan đến chính sách bảo mật, làm lộ dữ liệu người dùng, thu thập dữ liệu khách hàng phục vụ mục đích quảng cáo.
Khủng hoảng nội bộ và hàng loạt nhân sự cao cấp rời bỏ công ty
Ngay khi thông tin các công tố viên Mỹ vừa mở một cuộc điều tra hình sự đối với Facebook thì cũng là lúc giám đốc sản phẩm Chris Cox và giám đốc WhatsApp, Chris Daniels tuyên bố rời công ty.
Chris Cox được xem là một trong những người thân cận với Mark Zuckerberg và là nhân vật có quyền lực thứ ba tại Facebook, chỉ sau Mark và Sheryl Sandberg. Ông gia nhập Facebook năm 2005 và là một trong 15 kỹ sư phần mềm đầu tiên của mạng xã hội này. Ông đứng sau nhiều sản phẩm cốt lõi của Facebook như News Feed. Vị trí giám đốc sản phẩm của Chris Cox hiện chưa có người thay thế.
Cùng lúc, giám đốc WhatsApps, Chris Daniels cũng thông báo rời Facebook. Trước đó vài tháng, cả 2 nhà sáng lập WhatsApp là Jan Koum và Brian Acton cũng đã rời bỏ công ty. Facebook mua lại nền tảng nhắn tin WhatsApps này vào tháng 10/2014 với giá 19 tỷ USD, hầu hết nhân sự cao cấp đều dứt áo ra đi sau khi có nhiều bất đồng với Mark Zuckerberg.
Cuộc khủng hoảng nhân sự cao cấp của công ty công nghệ hàng đầu thung lũng Silicon này bắt đầu từ tháng 6/2018 khi giám đốc Quan hệ công chúng, Elliot Schrage, người phụ trách truyền thông và chính sách cộng đồng của Facebook từ chức do các bê bối rò rỉ thông tin cá nhân của người dùng.
Tiếp đến giám đốc bảo mật Alex Stamos cũng từ chức vào tháng 8/2018 sau 3 năm phục vụ Facebook. Một tháng sau 2 nhà sáng lập Instagram là Kevin Systrom và Mike Krieger cũng dứt áo ra đi với lý do bất đồng với Mark Zuckerberg về chiến lược phát triển của nền tảng chia sẻ hình ảnh này. Hàng loạt các nhân sự cao cấp khác như: Giám đốc điều hành và đồng sáng lập Oculus - Brendan Iribe, giám đốc điều hành Quan hệ đối tác Dan Rose, hai giám đốc truyền thông Caryn Marooney và Debbie Frost cũng rời bỏ Facebook để tìm bến đỗ mới.
Sau hàng loạt khủng hoảng, trong một bài viết trên Facebook, Mark Zuckerberg cho biết mạng xã hội này sẽ tập trung nhiều hơn vào những dịch vụ tin nhắn riêng tư nhằm bảo mật tốt hơn cho người dùng.
"Tôi tin rằng tương lai của truyền thông sẽ dần chuyển sang các dịch vụ riêng tư, được mã hóa. Đây sẽ là nơi người dùng có thể tin tưởng những gì họ nói với nhau được giữ an toàn, các tin nhắn cũng như nội dung đó sẽ không tồn tại mãi mãi", Zuckerberg viết.
Sơn Nam
(Theo BI, Bloomberg, CNN)