"Livestream trong ngành thương mại điện tử là một mô hình đầy sáng tạo, cho phép người dùng tương tác và cùng tham gia. Sự tương tác góp phần thúc đẩy các giao dịch", Zhang Dingding, nhà bình luận ngành công nghiệp Internet và cựu giám đốc của công ty nghiên cứu Sootoo có trụ sở tại Bắc Kinh, nhận định.
Nhắc đến ngành công nghiệp livestream (phát trực tiếp) ở Trung Quốc không thể thiếu cái tên Trương Đại Dịch. Giới phân tích kinh tế Trung Quốc gọi Trương Đại Dịch là gương mặt đại diện cho cách thức mua sắm mới tại nước này, khi thương mại trực tuyến, kết hợp giữa thương mại điện tử và nền tảng livestream lấn át các nhà bán lẻ.
Sinh năm 1988, Trương Đại Dịch nhanh chóng được chú ý nhờ vẻ đẹp được đa số người Trung Quốc công nhận là làn da trắng, sống mũi cao và nụ cười tỏa sáng khi còn ở tuổi thiếu nữ. Cô là một trong những hot girl mạng xã hội nổi tiếng vào những năm 2010.
Với vẻ ngoài xinh đẹp và nhạy bén trong kinh doanh, Trương Đại Dịch là người tiên phong mở cửa hàng đầu tiên với tên gọi "The Wardrobe I like" trên nền tảng thương mại điện tử Taobao vào giữa năm 2014. Với khả năng phối đồ đẹp mắt và tương tác tốt với khách hàng, gian hàng online bán quần áo của Trương Đại Dịch trở thành địa chỉ mua sắm trực tuyến hàng đầu tại Trung Quốc.
"Với hình ảnh hay video ngắn, có một số khó khăn nhất định như tôi không thể phát phiếu giảm giá hay trò chuyện với người mua hàng. Các video trực tuyến giúp xóa bỏ khoảng cách giữa người bán và người mua", Trương Đại Dịch nói về ý tưởng livestream bán hàng.
Kể từ cuối năm 2014, những người có ảnh hưởng trực tuyến (KOL) đã trở thành một động lực kinh tế quan trọng trong xã hội Trung Quốc. Đây là những người tạo ra danh tiếng trên phương tiện truyền thông mạng xã hội và sử dụng sự ảnh hưởng của bản thân để quảng bá sản phẩm. KOL này kết hợp với công nghệ livestream được phát triển bởi các đại gia công nghệ Trung Quốc đã nhanh chóng tạo nên một thị trường mua sắm online sôi động.
Tưởng Phàm, chủ tịch Taobao, từng nói: "Phát trực tiếp không chỉ là một tính năng. Trong tương lai, nó sẽ là mô hình thương mại điện tử chính thống".
Dù có nhiều KOL xuất hiện và tham gia vào ngành công nghiệp livestream bán hàng, các gian hàng của Trương Đại Dịch chưa bao giờ hết hot. Các sản phẩm được Trương Đại Dịch giới thiệu liên tiếp "cháy hàng" chỉ sau vài phút và cô được mệnh danh là "nữ hoàng của thương mại điện tử".
Trong video phát trực tiếp một giờ, Trương Đại Dịch giới thiệu cho người mua 10 mẫu áo khoác và áo len. Cô đóng vai trò là một hướng dẫn viên mua sắm, một người mẫu, một nhà tạo mẫu tư vấn về phong cách và trả lời các câu hỏi về thiết kế, chất liệu, kiểu dáng, giá cả cho người mua. Video trực tiếp này thu hút 9,73 triệu lượt xem cho thấy khả năng bán hàng và sức hấp dẫn của "nữ hoàng của thương mại điện tử".
Ngày độc thân (1/11) năm 2016, cửa hàng của Trương Đại Dịch trên Taobao vào top 10 địa điểm bán trang phục nữ chạy nhất của trang thương mại điện tử này.
Theo thống kê của Forbes năm 2016, Trương Đại Dịch kiếm được 46 triệu USD, gấp đôi nữ hoàng giải trí Phạm Băng Băng, người chỉ kiếm được 21 triệu USD. Thậm chí Trương Đại Dịch còn vượt qua ngôi sao truyền hình nổi tiếng Mỹ Kim Kardashian, người kiếm được 45,5 triệu USD cùng kỳ.
Khi được hỏi bí quyết nào giúp cô bán hàng thành công như vậy, Trương Đại Dịch cho biết đó là nhờ vào khả năng tương tác với người mua. Cô đưa ra ví dụ: "Nếu bạn chỉ giới thiệu đây là một chiếc áo đẹp thì nhiều người có thể nghĩ rằng nó không đẹp như lời bạn nói. Nhưng nếu bạn đổi cách khác đưa ra vài gợi ý như mọi người thấy chiếc áo này tôi mặc thế nào, bên trong là lớp lông cừu ấm thích hợp cho mùa đông...".
Trương Đại Dịch tin rằng người hâm mộ yêu mến cô không chỉ vì phong cách thời trang mà còn vì quan điểm, giá trị và cách giao tiếp của cô. Các gian hàng của Trương Đại Dịch trên Taobao không chỉ thu hút người mua tại Trung Quốc đại lục mà còn ở các quốc gia khác như Nhật Bản, Singapore và Hàn Quốc, nơi cô cho rằng có phong cách thời trang tương tự.
Vào ngày lễ độc thân (11/11) năm 2017, doanh số bán hàng của Trương Đại Dịch đạt 170 triệu NDT (24,8 triệu USD), là KOL có doanh số bán hàng cao nhất tại Trung Quốc đại lục lúc ấy.
Năm 2018, Trương Đại Dịch thu về doanh thu hơn một tỷ NDT (145 triệu USD) nhờ bán các sản phẩm thông qua cửa hàng trực tuyến của cô, nơi bán hơn 1.000 sản phẩm mỗi năm. Công ty của cô hiện phát video livestream từ 9h đến 23h mỗi ngày và Đại Dịch thường xuyên lên sóng cùng các KOL khác.
Không dừng lại ở việc bán hàng online, năm 2016, Trương Đại Dịch đồng sáng lập Ruhnn Holding, chuyên quản lý những người nổi tiếng trên mạng xã hội và đào tạo họ bán hàng qua mạng. Tại đây cô giữ vị trí Giám đốc Marketing chịu trách nhiệm đào tạo người nổi tiếng bán hàng online. Đây là công ty tiên phong đào tạo chuyên viên bán hàng trực tuyến ở Trung Quốc.
Chỉ sau nửa năm, Ruhnn Holding đã đạt doanh thu 20 triệu USD. Thành công của Ruhnn Holding khiến hãng thương mại điện tử Alibaba chú ý và đầu tư 300 triệu NDT (42 triệu USD), chiếm 9,5% cổ phần của Ruhnn Holding.
Tháng 4/2019, Ruhnn Holding niêm yết trên sàn sàn chứng khoán Nasdaq của Mỹ và huy động được 125 triệu USD. Trương Đại Dịch đã trở thành cổ đông lớn thứ hai với 13,5% cổ phần tại công ty. Ở tuổi 32, Trương Đại Dịch là một trong những nữ doanh nhân thành đạt với khối tài sản hơn 40 triệu USD.
Gần đây cô dính vào bê bối ngoại tình với Tưởng Phàm, chủ tịch trang mua sắm trực tuyến Taobao, sau khi bị vợ anh cảnh cáo vụng trộm cùng chồng trên Weibo. Sau chuyện này, nhiều người nghi ngờ thành công của Trương Đại Dịch, không ít cho rằng Tưởng Phàm đã dùng sức ảnh hưởng của bản thân tác động nhằm giúp công ty của nhân tình nhận được khoản đầu tư từ Alibaba.
Tuy nhiên kết quả điều tra cho thấy quyết định đầu tư vào Ruhnn Holding của Alibaba năm 2016 không liên quan đến Tưởng Phàm. Tưởng Phàm không có bất kỳ hành vi nào tác động đến hoạt động kinh doanh của Ruhan Holdings và Trương Đại Dịch trên Taobao lẫn Tmall.
Nhưng ở vị trí lãnh đạo quan trọng của tập đoàn, Tưởng Phàm giải quyết chuyện gia đình không thỏa đáng, gây ảnh hưởng xấu tới uy tín của Alibaba nên bị loại khỏi danh sách lãnh đạo cao cấp nhất tập đoàn và bị cắt thưởng một năm. Sự nghiệp của Tưởng Phàm lụi tàn hoàn toàn khi bị loại khỏi danh sách quy hoạch lãnh đạo tương lai của tập đoàn thương mại điện tử lớn thứ hai thế giới này.
Trong khi đó, ban đầu nhiều chuyên gia dự đoán sự nghiệp của Trương Đại Dịch sẽ lụi tàn theo Tưởng Phàm nhưng trái với dự đoán, tên tuổi của cô một lần nữa được hâm nóng sau khoảng thời gian bị một số KOL khác như ngôi sao livestream Austin Li Jiaqi vượt mặt. Hiện lượng người theo dõi gian hàng của Trương Đại Dịch trên Taobao tăng mạnh, doanh số bán hàng cũng tăng lên.
Sơn Nam (Theo Forbes, BI, WWD, Fashionofchina)