Chiều nay (1/3), TAND TP HCM tiếp tục xét xử vụ ly hôn giữa ông Đặng Lê Nguyên Vũ (48 tuổi, chủ tịch Tập đoàn cà phê Trung Nguyên) và vợ, bà Lê Hoàng Diệp Thảo (47 tuổi), và có thể sẽ đưa ra phán quyết cuối cùng.
Trước đó, tại phiên tòa chiều 25/2, đại diện VKS đã có những phát biểu quan trọng liên quan đến việc cấp dưỡng nuôi con và phân chia tài sản. Theo đó, ông Vũ và bà Thảo đều đồng thuận với phương án cấp dưỡng mỗi người con 2,5 tỷ đồng/năm đến khi học xong đại học và chia đôi 13 bất động sản, riêng bà Thảo được giữ lại căn nhà trên đường Tú Xướng (quận 3).
Ngoài ra, vợ chồng chủ cà phê Trung Nguyên chưa đi đến thống nhất trong việc phân chia cổ phần tại Tập đoàn Trung Nguyên và việc phân chia tài sản gồm tiền mặt, ngoại tệ, vàng trị giá 2.102 tỷ đồng gửi tại các ngân hàng do bà Thảo và người thân đứng tên.
Với phương án chia cổ phần tại Tập đoàn Trung Nguyên, bà Thảo đề nghị chia đôi cổ phần tại 7 công ty nhưng ông Vũ không đồng ý. Ông đề nghị chia theo tỷ lệ 7:3. Ông Vũ còn yêu cầu quy đổi số cổ phần của vợ tại các công ty và hoàn trả bằng tiền mặt.
Đối với số tiền mặt, ngoại tệ và vàng trong ngân hàng, ông Vũ cũng đề nghị chia theo tỷ lệ 7:3 nhưng bà Thảo không đồng ý. Phía bà Thảo cho rằng số tiền này không còn nữa nên không thể chia.
Số tiền 2.102 tỷ đồng trong ngân hàng sẽ phân chia thế nào?
Theo hồ sơ, vợ chồng chủ cà phê Trung Nguyên còn có một khoản tài sản gồm tiền mặt, ngoại tệ và vàng trị giá hơn 2.000 tỷ đồng được gửi tại các ngân hàng Eximbank, BIDV, Vietcombank do bà Thảo và một số người thân đứng tên.
Trong quá trình tranh luận, luật sư của ông Vũ đề nghị chia khối tài sản khổng lồ này theo tỉ lệ 7:3, ông Vũ nhận 70% còn bà Thảo hưởng phần còn lại. Phía bà Thảo không đồng ý vì cho rằng đó là tiền phát sinh năm 2015, 2016, và sau thời điểm này, số tiền đó không còn nữa.
Ông Vũ đề nghị tòa xác minh số tiền của bà Thảo tại 3 ngân hàng Eximbank, BIDV, Vietcombank. Tuy nhiên, hầu hết đại diện các ngân hàng đều cho rằng chưa cập nhật số liệu, không mang theo hồ sơ. Đại diện BIDV nói: "Hiện chúng tôi không mang theo tài liệu và tôi không nắm được số dư trong tài khoản ngân hàng của họ là bao nhiêu".
Đại diện của bà Thảo cho rằng trong vụ án, xác định tiền để chia thì cần xem số tiền đó hiện còn hay không, không thể căn cứ vào con số quá khứ.
Trong khi đó ông Đặng Lê Nguyên Vũ nhiều lần khẳng định bản thân chưa từng đụng đến tiền ở két sắt, tài khoản ngân hàng suốt 20 năm qua.
Nói về khoản tiền trong ngân hàng không còn nữa, bà Thảo cho rằng trước kia có 2.000 tỷ đồng nhưng giờ theo thời gian, số tiền đã khác.
"Nếu không còn thì cũng không thể chia 1.500 tỷ hay 2.000 tỷ như trước được", bà Thảo nói.
Ai đóng góp nhiều hơn cho Trung Nguyên?
Trong 3 ngày tòa làm việc, việc tranh cãi của ông Vũ và bà Thảo xoay quanh vấn đề phân chia tài sản, và mấu chốt xoay quanh việc đóng góp của hai vợ chồng cho sự phát triển của Tập đoàn Trung Nguyên.
Để chứng minh vai trò sáng lập của ông Đặng Lê Nguyên Vũ, luật sư bảo vệ quyền lợi nêu một số căn cứ pháp lý. Trước hết là các giấy phép đăng ký kinh doanh do cơ quan quản lý nhà nước cấp cho Trung Nguyên từ năm 1996. 2 năm sau, năm 1998, ông Vũ kết hôn với bà Thảo và 8 năm sau đó, ngày 12/4/2006, khi thành lập Công ty Cổ phần Trung Nguyên (trên cơ sở là Công ty TNHH Cà phê Trung Nguyên, sau đổi tên thành Công ty Cổ phần Tập đoàn Trung Nguyên), bà Thảo mới tham gia là cổ đông.
Tại phiên tòa, ông Vũ cũng cho biết những ngày đầu khởi nghiệp khó khăn phải vay mượn từng bao cà phê để rang xay. Cha mẹ ông còn bán 2 căn nhà để ông có vốn khởi nghiệp và theo ông, những ngày khó khăn này không hề có bóng dáng của phụ nữ và ông chính là "linh hồn của Trung Nguyên".
Trong khi đó luật sư của bà Thảo cũng khẳng định tầm quan trọng của bà tại Trung Nguyên khi lập luận: "Hầu hết thành quả quan trọng trong quá trình xây dựng và phát triển Tập đoàn và thương hiệu cà phê Trung Nguyên đều mang đậm dấu ấn của bà Thảo".
Theo luật sư của bà Thảo, năm 1997, ông Vũ làm ăn thất bại, thua lỗ, công việc kinh doanh gặp nhiều khó khăn. Bà Thảo đã đi đến quyết định kết hôn năm 1998 để lo cho sự nghiệp của gia đình. Năm 2008, bà Thảo sang Singapore lập Trung Nguyên International và lần đầu đưa Trung Nguyên phát triển ở tấm quốc tế.
Tại phiên tòa chiều 25/2, VKS cho rằng theo quy định tại Luật Hôn nhân gia đình, tài sản chung của vợ chồng là tài sản chung hợp nhất, nếu không thỏa thuận được thì tài sản chia đôi, có tính đến công sức của vợ chồng trong việc tạo lập khối tài sản chung, xét lỗi của mỗi bên... Hiện hai bên vẫn chưa thống nhất phương án phân chia khối tài sản khổng lồ.
Phiên tòa xét xử sẽ diễn ra chiều nay.
Sơn Nam