BLV Anh Ngọc
Những người làm phim, bằng các thủ pháp của mình, đã nâng nhân vật ấy lên một cung bậc khác bằng tính cách của anh ta: Mr Bean đôi khi là một kẻ dở hơi, có thần kinh không bình thường và hay làm những điều kỳ quặc, vì anh ta hay quên, hay gàn dở, thỉnh thoảng tham lam, một kẻ không vặt và láu cá nhưng cũng có không ít những nét đáng yêu và tốt bụng khi làm việc thiện. Bean cũng giống như Bờm. Thực ra, Bờm có trước Bean. Bờm là Bean của Việt Nam.
Tôi không thích những động tác gây cười của Bean, bằng khuôn mặt, bằng đôi mắt, bằng cái lưỡi và những lúc lắc của đôi tai. Xem một lần thì được, nhưng đến lần thứ hai, thứ ba thì nhàm quá thể. Hài hình thể cũng như hài tình huống trong các sit-com không bao giờ đứng được lâu hơn hài bằng trí tuệ nếu không thường xuyên có những thay đổi. Bác Bảo Quốc nhà mình luôn chỉ có một điệu nhăn mặt. Jim Carey chỉ gây ngạc nhiên trong mỗi “The Mask” (Mặt nạ) và “Ace Ventura” rồi sau đó chẳng còn gì nữa vì anh chỉ có mỗi một kiểu như vậy. Suốt 16 năm kể từ khi serie Mr Bean ra đời cho đến tận bây giờ, Bean vẫn chỉ có một kiểu nhăn mặt và chọc ngoáy người khác như vậy. Điều đó có thể làm bạn cười một đôi lần, rồi thôi.
Nhưng tôi quan tâm đến khía cạnh khác của Mr Bean. Ông là một người độc thân, không vợ, không con, dường như đã “quá lứa lỡ thì”, có một cuộc sống hết sức bình thường về kinh tế. Đó là điều mà các nhà làm phim hướng tới về mặt xã hội mà nếu ta chỉ quan tâm đến yếu tố hài của Bean, ta sẽ quên mất điều đó. Bean và những người như ông thuộc loại bị gạt ra ngoài lề xã hội vì dở hơi trong khi họ không thực sự như vậy. Không có gì ngạc nhiên khi những người sống một cách vô tư và trong sáng trong cuộc sống xô bồ này ngày một nhiều, và cũng chẳng có gì ngạc nhiên khi các nhà làm phim đã xây dựng quá thành công mẫu nhân vật như thế tên phim ảnh dù đã hơi phóng đại, Bridget Jones và Mr Bean. Và đôi khi, xem họ như thế, tôi lại chẳng thấy lý do gì để cười. Thấy có một điều gì đó hơi buồn và thương họ. Sao vậy nhỉ?
Mr Bean’s Holiday (Kỳ nghỉ của Ngài Bean) là một phim đáng xem. Nó là phim nhựa và mức độ các hành động gây cười của Bean không đậm đặc trong một khoảng thời gian ngắn như các serie truyền hình trước, mà trải dài ra theo một quá trình. Vẫn là Bean như thế, hơi hâm hâm (cái hâm ấy còn được khai thách nhiều hơn trước), hơi tội nghiệp nhưng láu cá, là người sống trong một chuỗi những hành động buồn cười. Dĩ nhiên, tôi không khắt khe với Bean như trước, vì tôi xem Bean chỉ để thư giãn và muốn tìm thấy trong đó một chút gì đó triết lý về cuộc đời này. Phim mới của Mr Bean không nhiều triết lý để tìm kiếm như thế, và thậm chí còn hơi mờ nhạt về cá tính nhưng thế cũng là đủ để xem và cười một chút rồi. Có một sự pha trộn giữa chất hài Pháp và những âm hưởng của phim những năm 1960 ở đoạn cuối phim, khi Cannes hiện lên thật đẹp đẽ với bài hát La Mer (Biển) của Charles Trenet trên nền nhạc. Những Bean trước đây chẳng bao giờ lãng mạn thế này. Nhưng có ai cấm một người hâm được lãng mạn đâu?
Rowan Atkinson sẽ chẳng bao giờ thay đổi cách diễn về Bean, vì sau bao nhiêu năm, Bean không thay đổi như ông ta không có tuổi. Nhân vật của Bean cũng sẽ sống theo một cách nào đó trong lòng khán giả, dù hình tượng các nhân vật hài của thời hiện đại đã quá nhạt nhòa và khiên cưỡng trong cách thể hiện. Xét cho cùng, ai trong chúng ta cũng lúc hành xử hệt như Bridget Jones và Mr Bean.
Vài nét về blogger
BLV Anh Ngọc đang làm tại báo Thể Thao Văn Hóa. Trước đây, anh từng là bình luận viên Seria A của Đài Phát thanh Truyền hình Hà Nội. Sau đó, anh cộng tác với VTC, hiện nay là cây bút chính của báo Thể thao Văn hóa. Các bài viết khác của BLV Anh Ngọc:
Cô đơn trên blog, Lạnh và lẩu, Mấy suy nghĩ về nghề BLV, Bình luận viên nữ, Cái gương, Hà Nội của tôi, Tiếng của đêm, Đoản khúc tháng 3, Thứ sáu ngày 13, Đừng đến phòng bình luận, Grazie, Milan.