Người tiêu dùng giật mình khi được thông tin: cả hai mạng di động lớn nhất nước (Vinaphone và MobiFone) đang bị quá tải. Về nguyên tắc, lượng thuê bao chỉ được chiếm 65% dung lượng mạng. Trong khi thực tế, con số này đã lên tới 70-80%. Do vậy tỷ lệ rớt mạch cục bộ vượt quá con số cho phép 2%, có khi lên tới 50%. Nhiều người đã tiên liệu chỉ trong 3 tháng tới hai mạng này có nguy cơ bị "sập mạng".
Thật đáng ngờ khi các đơn vị kinh doanh lại để tình trạng nước đến chân mới thông báo. Ai cũng biết quy trình thẩm định, phê duyệt dự án ở nước ta mất rất nhiều thời gian, chưa kể đến thời gian lắp đặt, vận hành thử hệ thống. Theo một chuyên gia viễn thông, thời gian ngắn nhất cũng mất 2-3 tháng để vận chuyển, lắp đặt và vận hành thử thiết bị. Phải chăng mạng quá tải là một lời biện minh cho những sai phạm về chỉ định thầu, mua sắm trang thiết bị viễn thông mà báo cáo của Thanh tra Nhà nước đã nêu ra?
Trong khi chờ đợi đầu tư nâng cấp mạng, lãnh đạo một đơn vị khai thác mạng cho biết: khi khai thác ba cuộc gọi, họ chấp nhận bỏ một cuộc để phục vụ hai cuộc còn lại. Công khai nói điều này nhưng nhà cung cấp không có lời nào đề cập đến chuyện đền bù thiệt hại cho người sử dụng. Dễ hiểu thôi, vì điều đó chưa có tiền lệ. Đơn giản là khách hàng chẳng có cách nào chứng minh thiệt hại vật chất.
Theo Sài Gòn Tiếp Thị, trong nền kinh tế thị trường, quyền lớn nhất của người mua là quyền lựa chọn. Tuy nhiên, quyền lực này chỉ phát huy tác dụng nếu thị trường có nhiều hàng hay dịch vụ. Bên cạnh đó, không ai có thể sáng suốt lựa chọn nếu không được cung cấp thông tin đầy đủ về hàng hóa, dịch vụ và cả về năng lực phục vụ. Đối với người mua, chẳng có ai bỏ tiền mua trước thiết bị để chờ dịch vụ phát triển bởi làm vậy là lãng phí. Về phía người bán, nhẹ thì gọi nó là "thông tin sai sự thật", còn theo cách nói đời thường gọi là lừa dối.
Trong khi thông tin về vùng phủ sóng được quảng cáo khắp nơi thì các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông chỉ công khai về năng lực khi mạng đã quá tải. Ngay cả đại biểu Quốc hội, những người có trách nhiệm giám sát hoạt động, điều hành của Chính phủ gần đây mới được biết. Theo giải thích của một đại biểu Quốc hội, cơ chế độc quyền gói quá kín ngành bưu chính - viễn thông. Nói cách khác, sức mạnh độc quyền kinh doanh được hỗ trợ bởi độc quyền thông tin.
Về quản lý nhà nước, Phó Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tuyên bố sẽ tách đường trục - bửu bối độc quyền của Tổng công ty bưu chính - viễn thông. Việc quản lý sẽ hiệu quả hơn khi có các định chế về trách nhiệm, nghĩa vụ đối với nhà cung cấp dịch vụ. Kèm theo nó là cơ chế giám sát việc thực thi. Điều này chỉ có ý nghĩa khi thông tin được cung cấp đầy đủ cho người tiêu dùng và các cấp có thẩm quyền. Bởi có biết, mới có thể bàn và kiểm tra.