Nghiên cứu được công bố trên tạp chí PLOS Medicine cho thấy việc sử dụng ngắn hạn các biện pháp tránh thai kết hợp hay chỉ chứa progestin làm tăng nguy cơ ung thư vú khoảng 0,5% đối với phụ nữ dưới 50 tuổi.
Progestin là một dạng tổng hợp của hormone progesterone ở người. Estrogen và progestin được sử dụng trong các biện pháp tránh thai để làm dày chất nhầy cổ tử cung và ngăn chặn sự giải phóng trứng từ buồng trứng. Những hormone này cũng liên quan đến sự phát triển của hầu hết các bệnh ung thư vú.
Kirstin Pirie, ThS, nhà nghiên cứu tại Đại học Oxford và là tác giả chính của nghiên cứu, nói với Verywell Health: "Chúng tôi biết khá nhiều về những rủi ro liên quan đến việc sử dụng thuốc tránh thai kết hợp, nhưng biện pháp tránh thai chỉ chứa progestagen ít được nghiên cứu kỹ lưỡng hơn".
Trong nghiên cứu mới, các nhà khoa học đã thu thập dữ liệu từ năm 1996 đến 2017 từ một cơ sở dữ liệu lớn ở Anh. Họ so sánh dữ liệu từ 9.498 phụ nữ bị ung thư vú xâm lấn với một nhóm 18.000 phụ nữ không được chẩn đoán mắc bệnh ung thư. Họ phát hiện ra 44% bệnh nhân ung thư đã được kê đơn thuốc tránh thai nội tiết tố trung bình ba năm trước. Trong khi đó, tỷ lệ mắc bệnh ở người không dùng thuốc tránh thai là 39%.
Theo nghiên cứu, cứ 100.000 phụ nữ trong độ tuổi từ 35 đến 39 đang dùng thuốc tránh thai nội tiết, có 265 trường hợp ung thư vú. Pirie cho biết, ung thư vú trở nên phổ biến hơn khi mọi người già đi, vì vậy người ta cho rằng sẽ có nhiều trường hợp ung thư vú ở nhóm tuổi lớn hơn so với nhóm trẻ.
Bên cạnh đó, những người trẻ tuổi có nhiều khả năng sử dụng biện pháp tránh thai nội tiết tố hơn nhóm phụ nữ ở độ tuổi 30 và 40.
Nghiên cứu cho thấy "không có sự khác biệt đáng kể" về nguy cơ mắc ung thư vú giữa những người dùng thuốc tránh thai kết hợp và thuốc chỉ chứa progestin, vòng tránh thai giải phóng progestin và thuốc tiêm progestin.
Miraj Shah-Khan, MD, giám đốc y tế của Chương trình Sức khỏe Vú tại Bệnh viện Northwestern Medicine Palos, cho biết: "Tuy nghiên cứu tìm thấy mối liên hệ giữa progestin và ung thư vú, không có đủ bằng chứng cho thấy mọi người nên ngừng sử dụng biện pháp tránh thai".
Có nhiều yếu tố góp phần vào sự phát triển của ung thư vú, bao gồm tuổi tác, di truyền và một số phơi nhiễm môi trường. Các nhà nghiên cứu cho biết nghiên cứu của họ đủ lớn để giải thích cho sự khác biệt về lịch sử gia đình, nhưng cần nghiên cứu thêm đối với những bệnh nhân có nguy cơ mắc ung thư vú cao.
Theo Shah-Khan, những phụ nữ có nguy cơ mắc ung thư vú cao nhất, chẳng hạn như những người có đột biến BRCA 1 hoặc BRCA2, thực sự có thể hưởng lợi từ việc uống thuốc tránh thai. Biện pháp tránh thai nội tiết tố có thể làm giảm nguy cơ ung thư buồng trứng, nội mạc tử cung và ung thư ruột kết.
"Nhìn vào toàn bộ tài liệu, tôi nghĩ điều quan trọng cần ghi nhớ là có sự liên hệ giữa thuốc tránh thai với ung thư vú, nhưng tôi không nghĩ nó đủ mạnh để nói rằng phụ nữ không nên thực hiện các biện pháp tránh thai", Shah-Khan cho biết.
Hướng Dương (Theo Verywell Health)