Bạn Minh Tâm cho biết: "Bệnh viện Nhi Đồng 2 có quầy thuốc ngay cửa ra vào, rất tiện cho việc mua thuốc. Riêng tôi, việc mua thuốc tại quầy của bệnh viện còn có thêm một lý do nữa là thuốc mới, không sợ mua phải giá trên trời… Theo toa bác sĩ, tôi đã mua 3 ngày thuốc cho cháu, hóa đơn tại quầy nhà thuốc Nhi Đồng 2 là 92.300 đồng. Bác sĩ có dặn nếu thấy bé đỡ bệnh thì mua thêm 3 ngày nữa. Ba ngày sau, do không tiện đường nên tôi đã mua tại quầy thuốc gần nhà thì chỉ có 70.000đồng. Lúc thanh toán tiền, tôi tưởng người bán đưa nhầm. Kiểm tra đúng thuốc ghi trong toa, tôi lại sợ thuốc hết date nhưng xem kỹ thì hạn còn rất dài. Tôi thật sự bức xúc khi phát hiện mình phải mua đắt".
Bác sĩ Phan Văn Nghiệm (Sở Y tế TP HCM) cho biết: "Giá thuốc bệnh viện cao hơn bên ngoài là có. Nhà thuốc trong bệnh viện mua hàng có hóa đơn, chứng từ đúng quy định".
Việc giá thuốc ở nhà thuốc bệnh viện cao hơn được giải thích rằng do các nhà thuốc bên ngoài mua hàng không hóa đơn, hàng trôi nổi hoặc chủ động bán hạ giá khi cần. Nhưng qua khảo sát một số nhà thuốc tại Bình Thạnh, quận 10, quận 1 thấy một sự thật: giá của các nơi này đều thấp hơn giá của nhà thuốc trong bệnh viện! Chị Thanh Hằng, chủ một nhà thuốc tại quận10 cho biết: "Chúng tôi cũng mua hàng công ty".
Khảo sát tại một số bệnh viện, việc quản lý thuốc trong bệnh viện thường được phân bổ như sau: Khoa dược bệnh viện cung cấp thuốc cho bệnh nhân nội trú qua toa của bác sĩ. Nguồn thuốc tại đây mua từ công ty dược hoặc từ chợ sỉ và có hóa đơn đỏ, có giám sát của kế toán bệnh viện và hội đồng thuốc bệnh viện. Tuy nhiên, ngay tại khâu được quản lý tưởng là chặt chẽ này cũng nảy sinh vấn đề.
Đại diện một công ty dược nước ngoài cho biết: "Một bệnh viện tại TP HCM vừa thay trưởng khoa, thì vị này đã mời chúng tôi đến để hỏi về hoa hồng cho bà ta với mức đề nghị là 3%. Còn tại một viện chuyên khoa ngoài Hà Nội thì mức đề nghị là 5%. Đây là điều mà những công ty rất "dị ứng" vì không biết lấy đâu ra để chi, mà không chi thì khỏi vào bệnh viện. Chẳng hạn như thuốc Nifepidin 20 mg có rất nhiều loại. Hàng của Đức nếu không chi thì cho hàng của Hungary vào, thế thôi!". Việc này được các công ty dược gọi là "cống nạp" và đã trở thành chuyện thường ngày ở bệnh viện. Còn tại thị trường chợ sỉ, khi mua hàng luôn được chiết khấu và đây đã trở thành "lệ làng"!
Đại lý thuốc bệnh viện chịu sự quản lý của Khoa dược hoặc đấu thầu. Có điều nhà thuốc thuộc khoa dược hay đấu thầu đều không tự định giá mà phải báo lên Khoa dược. Như vậy giá thuốc bệnh viện ra hóa đơn là giá thuốc đã được định giá và chấp thuận cho bán. Khoa dược hiện nay đang "vừa đá bóng, vừa thổi còi". Đó là chuyện kê toa bằng tên biệt dược chứ không phải là tên thương mại. Do vậy, họ có thể đổi thuốc theo ý công ty "đối tác" là chuyện trong tầm tay! Trình dược viên có cần bác sĩ nữa hay không? Câu trả lời tất nhiên là không.
Chuyện còn bức xúc hơn khi một bác sĩ công tác tại một bệnh viện ngoại khoa cho biết: "Không thường xuyên lắm nhưng thỉnh thoảng có thông báo có một loại thuốc nào đó tồn kho còn nhiều mà gần cận date, yêu cầu bác sĩ lưu ý kê toa". Việc quản lý thuốc chưa tốt do nhập hàng nhiều, đến khi phát hiện hàng không "hút" thì gần hết date. Hiện nay, để tránh tình trạng này, các bệnh viện tư và một số bệnh viện công đã dùng máy tính để theo dõi, thuốc gần date sẽ hiển thị theo thời gian định sẵn.
So sánh giá thuốc nhập vào Việt Nam và giá thuốc bán tại nhà thuốc bệnh viện 115 từ các đợt thanh tra vừa qua, theo những tài liệu mà PV Sài Gòn Tiếp Thị có trong tay cho thấy tỷ lệ chênh lệch khá cao: Bicef (Hàn Quốc) nhập khẩu giá 1.100 đồng/viên, giá vào bệnh viện 3.714 đồng/viên, bán cho bệnh nhân 4.300 đồng/viên! Thuốc Milan (Ấn Độ) giá nhập khẩu 981 đồng/viên, giá vào bệnh viện 5.500 đồng/viên, bán cho bệnh nhân 6.000 đồng/viên. Tương tự, Kobes (Hàn Quốc), Zolid (Ấn Độ), Argi B (Hàn Quốc)… đều có tỷ lệ chênh lệch giá từ 300% đến 600%.
Dược sĩ Trần Việt Trung (Sở Y tế TP.HCM) cho biết: "Khi đi kiểm tra, hầu như không bệnh viện nào vi phạm. Thông tư 3016 của Bộ Y tế cho phép lãi của bệnh viện từ 5-20% (giá thuốc đắt tiền là 5%, giá thuốc rẻ là 20%)". Khoảng cách này nhằm giúp bệnh viện hoạt động và giúp bệnh nhân có lợi khi mua thuốc bệnh viện. Thế nhưng, thực tế lại quên mất quy định đầu vào và như vậy mặc dù không bệnh viện nào vi phạm nhưng giá thuốc vẫn cao hơn bên ngoài.
Dù quy định lãi không vượt quá 20% được coi là lợi nhuận hợp lý của ngành nhưng tại TP HCM thì cần xem lại. Mỗi ngày một bệnh viện ở thành phố có 1.000-3.000 bệnh nhân đến khám ngoại trú và từ vài trăm đến cả nghìn trường hợp nội trú. Với số bệnh nhân này, bệnh viện không thể coi là nơi bán lẻ được vì doanh thu đại lý thuốc cao hơn nhiều so với một quầy tại chợ sỉ.