Thứ trưởng Công nghiệp Đỗ Hữu Hào.
- Nhìn lại hai năm qua, chính sách về ngành công nghiệp ôtô vẫn còn nhiều khúc mắc, ý kiến ông ra sao?- Thực ra, điểm khúc mắc lớn nhất vẫn là chính sách thuế. Nhưng Chính phủ đang có lộ trình điều chỉnh mức thuế cho phù hợp với quá trình hội nhập. Các loại thuế giành cho ôtô sẽ giảm dần. Trước mắt thuế nhập khẩu cũng đã giảm và thuế tiêu thụ đặc biệt cũng đã giảm xuống 50% đối với sản xuất trong nước cũng như nhập khẩu nguyên chiếc. Nhà nước đã và đang khuyến khích mọi thành phần kinh tế đầu tư vào lĩnh vực ôtô vì Nhà nước không dùng tiền ngân sách để đầu tư nữa. Nhà nước chỉ có thể cho vay ưu đãi đầu tư phát triển một số dự án như chế tạo động cơ, phụ tùng.
- Còn chính sách định hướng cho ngành công nghiệp ôtô trong năm 2007 và sau khi Việt Nam gia nhập WTO sẽ có điểm gì mới?
- Chính sách bảo hộ của Nhà nước sẽ giảm dần, chỉ có thể hỗ trợ cho các hoạt động nghiên cứu công nghệ... Tất nhiên đây vẫn là lĩnh vực cần phát triển và trong tương lai, khi nền kinh tế Việt Nam phát triển thì chắc chắn ngành công nghiệp ôtô sẽ phát triển. Thế nhưng không phải tất cả các doanh nghiệp sản xuất lắp ráp ôtô đều phát triển kịp với xu thế. Doanh nghiệp nào có sự đầu tư công nghệ cao, thích nghi với cơ chế thị trường sớm thì sẽ tồn tại và phát triển.
- Vậy khi nào việc bảo hộ của Nhà nước đối với ngành công nghiệp ôtô trong nước sẽ chấm dứt?
- Trên thực tế hiện nay Nhà nước không còn sự bảo hộ nhiều cho ngành công nghiệp ôtô, duy nhất chỉ có chính sách thuế vẫn còn được bảo hộ. Mà thực ra, ngay bản thân doanh nghiệp cũng không trông chờ nhiều vào sự bảo hộ đó của Nhà nước. Còn các chính sách về thuế vẫn đang phụ thuộc vào Bộ Tài chính công bố lộ trình.
- Người tiêu dùng có thể hy vọng gì vào xe nhập khẩu?
- Điều này còn tuỳ thuộc vào mức tiêu thụ của thị trường. Người tiêu dùng bao giờ cũng mong muốn thuế giảm tới mức thấp nhất, nhưng Nhà nước cũng có lợi ích của Nhà nước khi đánh thuế để bảo đảm nguồn thu quốc gia, bảo đảm an ninh giao thông và sự phù hợp giữa tăng trưởng ôtô với cơ sở hạ tầng, môi trường... Để giảm thuế phải có sự kết hợp đồng bộ giữa Bộ Giao thông - Vận tải, Bộ Xây dựng, Bộ Công nghiệp, Bộ Tài chính, Bộ Thương mại.
- Dường như các cơ quan hoạch định chính sách luôn viện dẫn cơ sở hạ tầng chưa phát triển là một trong những lý do chính cho việc không khuyến khích xe nhập khẩu cũng như phát triển số lượng xe ôtô mà "quên" mất quyền của người tiêu dùng?
- Đúng là cơ sơ hạ tầng là vấn đề "hóc" cho sự phát triển thị trường ôtô tại Việt Nam. Ngoài việc nâng cao cơ sở hạ tầng cũng cần phải tính đến việc phát triển thêm về hạ tầng đô thị, bao gồm cả quy hoạch đô thị, quy hoạch các bãi đỗ xe... Sắp tới theo quy hoạch của Bộ Công nghiệp thì nhà cao tầng bắt buộc phải có hầm để xe. Nhưng vấn đề này liệu có trở thành sự bắt buộc từ phía Bộ Xây dựng hay không. Khi hoạch định chính sách cho ngành công nghiệp ôtô Nhà nước đã tính đến lợi ích của người tiêu dùng. Ví như lĩnh vực xe tải, xe buýt... đều được Nhà nước khuyến khích phát triển vì mục tiêu của người tiêu dùng, khuyến khích người dân tham gia giao thông bằng xe công cộng.
- Liệu trong năm 2007 thị trường ôtô có gì mới về mặt chính sách?
- Về cơ bản vẫn chưa có gì thay đổi.
(Theo Doanh Nghiệp & Thương Hiệu)