Cục CSĐT tội phạm về TTQLKT và CV (Bộ Công an) vừa văn bản yêu cầu Bộ GTVT cung cấp tài liệu có liên quan đến những sai phạm tại Vietnam Airlines, trong đó có phi vụ thuê động cơ PW 127F, số hiệu 127191 không đạt chất lượng gây thiệt hại nặng về kinh tế.
Ký hợp đồng thuê động cơ không đạt yêu cầu
Ngày 18/11/2005, Ban kỹ thuật Vietnam Airlines có Văn bản số 938/TCTHK đề nghị Tổng Giám đốc về việc thuê động cơ để thay thế động cơ EB 0085 sẽ phải tháo đi đại tu trước ngày 5/12/2005. Thời gian dự kiến tháo lắp và thay thế vào ngày 2 và 3/12/2005 và đã được Tổng Giám đốc Vietnam Airlines phê duyệt.
Ngày 18/11/2005, Vietnam Airlines đã có hợp đồng số 5110385 với EADS Seca thuê động cơ 124234 để đưa về sử dụng. Tuy nhiên, đến ngày 2/12/2005, đối tác EADS Seca có điện thư thông báo cho phía Vietnam Airlines là không thể chuyển động cơ 124234 vì động cơ này hỏng và đề nghị cho thay thế bằng động cơ số hiệu 127191 với các điều kiện thuê tương tự.
Ngày 5/12/2005, theo đề nghị của Ban Quản lý vật tư, lãnh đạo Vietnam Airlines lại tiếp tục có hợp đồng số 5110385 thuê động cơ số hiệu 127191 (ký cùng ngày 18/11/2005 với EADS Seca theo các điều khoản tương tự có đơn hàng ngày 25/11/2005 kèm theo).
Tuy nhiên, qua kiểm tra, Xí nghiệp Sửa chữa máy bay A75 đã phát hiện động cơ không đủ tiêu chuẩn chế độ bảo dưỡng và đơn vị này đã có văn bản báo cáo Vietnam Airlines tạm dừng việc thay động cơ 127191 và trả lại cho đối tác.
Sau khi cả hai hợp đồng thuê động cơ trên không thực hiện được, Xí nghiệp Sửa chữa A75 đã kiểm tra lại động cơ EB 0085 (là động cơ trong kế hoạch phải tháo để đem đi bảo dưỡng, động cơ này vẫn trên máy bay VN - B 212) đang phải tạm nằm đắp chiếu chờ sửa chữa nhiều ngày nay thì cho thấy động cơ này vẫn còn khả năng hoạt động. Sau khi xin ý kiến nhà sản xuất và được Cục Hàng không Việt Nam chấp thuận, động cơ EB 0085 tiếp tục được hoạt động thêm 200 giờ nữa.
Theo kết luận của cơ quan chức năng, trong phi vụ này Vietnam Airlines đã thiếu tinh thần trách nhiệm. Đặc biệt, phi vụ này đã gây thiệt hại lớn về kinh tế vì máy bay VN - B212 đã phải dừng bay 6 ngày kèm theo đó là hàng loạt chi phí khác phục vụ cho việc ký kết hợp đồng, lắp đặt động cơ máy bay VN B 212 không đúng kế hoạch. Số tiền thiệt hại trong thương vụ ký kết nửa vời này lên tới hàng chục ngàn USD.
Thuê và sửa chữa động cơ máy bay không qua đấu thầu
Trong lá đơn gửi đến các cơ quan chức năng năm 1998, 4 cán bộ đứng tên của Vietnam Airlines cho biết: Chỉ trong vòng từ tháng 5/1997 đến tháng 6/1998, nhiều động cơ trên các máy bay A320 và B767 đã liên tục bị báo hỏng một cách hết sức khó hiểu. Điều hết sức đáng lưu tâm là chi phí bảo dưỡng, sửa chữa những động cơ này thuộc trách nhiệm của phía Việt Nam và khi hỏng bao giờ cũng kéo theo một loạt chi phí rất lớn. Những người được giao nhiệm vụ đi thuê sửa chữa động cơ và thuê động cơ đã được quyền muốn ký hợp đồng với ai, với giá bao nhiêu cũng được.
Ví dụ rõ nét nhất là vào năm 1997, lãnh đạo Vietnam Airlines đã phê duyệt công văn của Ban Quản lý vật tư đề nghị thuê một động cơ CFM 56 của hãng CFMI để thay thế cho động cơ A320. Việc thuê này dĩ nhiên không thông qua đấu thầu với giá thuê cao hơn nhiều lần so với các hãng khác.
Cụ thể, theo thông báo từ phía đối tác công ty của Pháp thì giá thuê động cơ này cho 60 ngày đầu tiên là hơn 4.200 USD/ngày; từ ngày 61 trở đi là hơn 10.000 USD/ngày. Ngoài ra, Vietnam Airlines còn phải trả thêm 110 USD/h bay. Sau đó, đơn vị này đã lập một tổ đàm phán lại với phía đối tác và thật bất ngờ, hãng CFMI đã đồng ý giảm số tiền thuê động cơ trên xuống còn 50% so với giá thuê ban đầu được đề nghị phê duyệt.
Theo kết luận của Thanh tra Nhà nước, trong vòng một năm từ 1997-1998, tại Vietnam Airlines đã xảy ra tới 7 vụ hỏng động cơ, chiếm tỷ lệ cao. Tuy nhiên, do việc phát hiện và xác định mức độ hỏng hóc của động cơ, sửa chữa động cơ hoàn toàn do các công ty nước ngoài thực hiện nên thời điểm đó Đoàn thanh tra đã không có cơ sở để kết luận về nguyên nhân hỏng hóc.
Liên quan đến nội dung thuê và sửa chữa động cơ không qua đấu thầu, theo hợp đồng thuê máy bay, thuê khai thác, bảo dưỡng máy bay thì khi hỏng hóc động cơ, Vietnam Airlines tự lựa chọn giá cả và đối tác để thuê sửa chữa và thuê động cơ thay thế. Từ cuối năm 1996, khi động cơ các máy bay chưa có chiếc nào hỏng, Vietnam Airlines đã có chủ trương lựa chọn đối tác chịu trách nhiệm bảo dưỡng động cơ CF6, CFM 56. Thế nhưng, quá trình tổ chức đấu thầu chọn đối tác ký hợp đồng cho chương trình bảo dưỡng động cơ từ tháng 1/1997 kéo dài gần 1 năm, Vietnam Airlines vẫn không tìm được đơn vị trúng thầu.
Khi động cơ bị hỏng, Vietnam Airlines đã chỉ định ký hợp đồng với Công ty GE (Mỹ) sửa chữa 2 động cơ CF6 -239 và 295; với Công ty LHT (Đức) sửa chữa 2 động cơ CF6 -232 và 296. Theo chỉ định của nhà chế tạo động cơ hợp đồng với Sochata (Pháp) sửa chữa bảo hành 3 động cơ CFM 6. Đồng thời ký 4 hợp đồng thuê 4 động cơ thay thế với các công ty: GE (Mỹ), LHT (Đức), CSA (Quảng Châu), CFMI (Công ty liên doanh giữa Mỹ và Pháp). Việc tự chọn đối tác để ký hợp đồng sửa chữa động cơ, không qua đấu thầu là vi phạm quy định của chính Vietnam Airlines về việc mua sắm vật tư, khí tài, động cơ…
Thanh tra Nhà nước đã khẳng định: Tại thời điểm ký kết các hợp đồng sửa chữa và thuê động cơ, các bộ phận tham mưu tư vấn và thông tin cho Tổng Giám đốc về đối tác và giá cả cũng rất khác nhau ngay giữa Ban Kỹ thuật vật tư và Ban Tài chính kế toán. Thế nhưng, đơn vị này vẫn không tổ chức đấu thầu để chọn ra một đối tác có lợi nhất mà vẫn ký, làm thiệt hại cho ngân sách. Theo số liệu của Vietnam Airlines từ năm 1997 - 1998, Vietnam Airlines đã xuất chi 1,9 triệu USD và hơn 500.000 DEM cho việc xử lý hỏng hóc của các động cơ máy bay.
Theo kết luận của Thanh tra Nhà nước đối với việc đấu thầu không đạt được kết quả là do trong tổ chức chọn thầu đã có những sai phạm. Trách nhiệm chính thuộc về ông Nguyễn Đức Tâm - Phó Tổng giám đốc phụ trách kỹ thuật; ông Nguyễn Khắc Hưng, Trưởng ban Kỹ thuật vật tư, Tổ trưởng tổ giúp việc đấu thầu và ông Lê Đức Tứ với cương vị là Tổng Giám đốc thời kỳ đó.
(Theo Công An Nhân Dân)