Đây cũng được đánh giá là mức thấp nhất cả về tỷ trọng thu lẫn mức tăng trưởng kể từ năm 2001 trở lại đây.
Một nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng thu thuế giảm là do tình trạng kinh doanh “hiu hắt” của 11 liên doanh sản xuất, lắp ráp ôtô trong nước. Số lượng xe mà 11 liên doanh bán được trong 5 tháng qua thấp dưới mức mong đợi không chỉ khiến bản thân các liên doanh này buồn vì đọng vốn, mà ngành thuế cũng buồn theo bởi hụt thu.
11 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đang lắp ráp, sản xuất ôtô chỉ chiếm một tỷ lệ nhỏ trong khoảng 5.000 dự án đầu tư nước ngoài đã được cấp phép đang còn hiệu lực hoạt động, với tổng vốn đầu tư đăng ký lên tới hơn 50 tỷ USD. Tuy nhiên, dự kiến trong năm 2006, các loại thuế mà 11 doanh nghiệp này nộp sẽ chiếm tới 1/5 tổng số thuế thu được từ các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (trừ dầu khí) đang hoạt động.
Năm nay, thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ôtô không phân biệt là sản xuất, lắp ráp trong nước hay xe nhập khẩu chỉ còn là 50% (với xe 5 chỗ ngồi trở xuống); 30% (với xe từ 6 đến 15 chỗ ngồi) và 15% (đối với xe từ 16 đến 24 chỗ ngồi).
Như vậy, xe ôtô mới khi nhập khẩu sẽ phải nộp ít thuế hơn, còn xe trong nước lắp ráp thì mức nộp thuế có nhích lên một chút.
Dẫu vậy ảnh hưởng mạnh hơn cả tới kết quả bán hàng của 11 liên doanh ôtô lại là chính sách nhập khẩu xe cũ. Mặc dù bắt đầu từ ngày 1/5, xe ôtô cũ mới chính thức được nhập khẩu, nhưng thị trường tiêu thụ của các liên doanh ôtô dường như bị “đóng băng” vào cuối tháng 1 (thời điểm Nghị định 12/NĐ-CP có liên quan đến việc cho nhập khẩu xe cũ được ký ban hành).
Sự chờ đợi của người tiêu dùng xem xe cũ nhập khẩu có thật sự “xịn mà giá rẻ” hoặc mong ngóng các liên doanh giảm giá bán trước áp lực của xe cũ nhập khẩu đã khiến tình hình tiêu thụ ôtô của các liên doanh giảm.
Trong khi đó, dự kiến năm 2006, tiền thuế thu từ các liên doanh sản xuất và lắp ráp ôtô được đặt ra là 5.500 tỷ đồng, bằng 19,5% dự toán phấn đấu của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài và tăng 36,1% so với cùng kỳ năm 2005.
Mức thu này cũng được “quy đổi” ra tương ứng với việc tiêu thụ 37.346 xe ôtô của các liên doanh. Số lượng “ước định” này cũng được ngành thuế đánh giá là tăng 5,8% so với cùng kỳ và được cho là hợp lý với nhu cầu và công suất của các nhà máy sản xuất, lắp ráp ôtô. Nếu với tốc độ tiêu thụ xe như của năm 2004 và 2005, thì lượng xe tiêu thụ trong 5 tháng đầu năm 2006 của 11 liên doanh phải đạt khoảng 16.000 chiếc, bằng 42,8% số lượng xe tiêu thụ được dự tính cho cả năm. Con số này tương đương với mức thu thuế là 2.600 tỷ đồng, chiếm khoảng 46,8% dự kiến cho cả năm của khối này.
Tuy nhiên, trên thực tế, trong 5 tháng đầu năm nay, tiền thuế thu được từ 11 liên doanh này chỉ đạt khoảng 1.360 tỷ đồng, bằng hơn 50% mức dự kiến thực hiện, tức là hụt thu khoảng 1.240 tỷ đồng. Mức thực thu này cũng giảm khoảng 379 tỷ đồng so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó, thuế tiêu thụ đặc biệt chỉ thu được 959 tỷ đồng (giảm 149 tỷ đồng); thuế giá trị gia tăng là 291 tỷ đồng (giảm 110 tỷ đồng); thuế thu nhập doanh nghiệp là 110 tỷ đồng (giảm 117 tỷ đồng).
Trong 5 tháng đầu năm nay, chỉ có duy nhất Liên doanh Toyota Việt Nam có sản lượng xe tiêu thụ tăng 25%, còn Công ty Ford Việt Nam giảm 30%, 9 liên doanh còn lại giảm từ 65% đến 80% so với cùng kỳ năm ngoái.
Việc hụt thu thuế cũng còn bởi một nguyên nhân khác nữa. 5 tháng đầu năm nay, tỷ trọng xe dưới 5 chỗ ngồi tiêu thụ được đã giảm từ 41% xuống còn 19%, trong khi loại xe từ 6 đến 24 chỗ ngồi tăng từ 48% lên 75%, mà thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xe từ 6 đến 24 chỗ lại thấp hơn so với xe dưới 5 chỗ. Điều này cũng làm giảm thu khoảng 350 tỷ đồng cho ngành thuế.
Thêm vào đó, trong khi hy vọng đang trở lại với 11 liên doanh bởi xe cũ nhập khẩu giá chẳng hề thấp thì chính sách tạm dừng mua xe ôtô mới bằng tiền ngân sách nhà nước (được áp dụng từ ngày 1/6) cũng khiến cho 11 liên doanh mất đi một số khách hàng “đầy tiềm năng mà lại dễ tính”.
(Theo Đầu Tư)