Nam Mỹ được coi là vựa cà phê lớn thế giới khi có tới hai tên tuổi đứng Top 3 quốc gia xuất khẩu nhiều cà phê nhất là Brazil (thứ nhất) và Colombia (thứ ba). Cũng nằm trong khu vực này, cà phê Peru mang hương vị riêng và chú trọng phát triển cà phê đặc sản trồng theo hướng hữu cơ. Theo thống kê, Peru là quốc gia hàng đầu về sản xuất và xuất khẩu cà phê hữu cơ và đứng thứ 9 thế giới về xuất khẩu cà phê.
Cà phê thượng hạng, hay cà phê đặc sản, là thuật ngữ được dùng cho những hạt cà phê phân khúc cao cấp, bao hàm về chất lượng từ khâu canh tác đến thu hoạch, sơ chế, với điểm thử nếm trên 80 theo tiêu chuẩn của Hiệp hội cà phê đặc sản thế giới (SCA). Giá thành cà phê đặc sản cao hơn hẳn so với mặt bằng chung. Cà phê Peru chủ yếu là giống arabica với 6 loại cà phê đặc sản nổi tiếng là Cemcavir Geisha, Perunor Typica, Kaffee Satipo Caturra, Coagrovalle Caturra, Perunor Caturra-Pache-Catimor, Kaffee Satipo Geisha.
Điều kiện về đất đai, thổ nhưỡng đóng vai trò lớn trong việc hình thành hương vị của mỗi loại cà phê. Cây cà phê có thể sinh trưởng trên nhiều loại đất nhưng lý tưởng nhất là đất đỏ núi lửa màu mỡ hoặc đất thịt pha cát sâu. Rất nhiều quốc gia trong vành đai cà phê là một phần của "Vành đai lửa Thái Bình Dương" như Colombia, Panama và Peru. Hoạt động núi lửa góp phần vào sự màu mỡ của đất để cây cà phê phát triển mạnh.
Hầu hết cà phê trên thế giới được trồng ở độ cao từ 1000 – 2000 mét trên mực nước biển. Nhiệt độ và khí hậu ở độ cao này tương đối ổn định trong khoảng 15-30 độ C, lý tưởng để cây cà phê phát triển. Độ cao cũng rất quan trọng, quyết định hàm lượng caffeine của hạt. Ngoài ra, cà phê được trồng ở độ cao lớn cũng mang lại độ axit mong muốn giống như độ axit có trong rượu vang.
Bà Kristell Áviles Flores, Phó Đại sứ Peru tại Việt Nam, cho biết: "Peru có diện tích rộng lớn, trải qua nhiều tầng khí hậu, địa hình khác nhau, trải dài đặc biệt là các vùng đất có nhiều khoáng chất màu mỡ. Phần lớn lãnh thổ quốc gia là đồi núi trên 1.000 mét, chạy dọc theo dãy Andes hùng vĩ. Đó là điều kiện thích hợp khiến cà phê của chúng tôi mang hương vị đặc biệt. So với các quốc gia canh tác, xuất khẩu cà phê lớn của thế giới như Brazil, Colombia, người dân Peru không uống quá nhiều cà phê nhưng vài năm gần đây, loại đồ uống này dần trở thành xu thế. Người Peru coi đây là một trải nghiệm thú vị, uống cà phê giống như được sống ở chính các quốc gia sản xuất ra loại đồ uống này vậy".
Nhận xét về hương vị cà phê của quốc gia Nam Mỹ này, anh Thạch Deshou, một barista có nhiều năm kinh nghiệm, từng đạt nhiều giải thưởng trong ngành pha chế cà phê, cho biết: "Khách hàng Việt Nam vốn chỉ biết đến cà phê của các nước như Ethiopia, Colombia, Panama. Trong thời gian gần đây, cà phê Peru mới xuất hiện nhiều hơn tại Việt Nam. Tôi đánh giá rất cao chất lượng hạt cà phê Peru, đa phần các mẫu cà phê có độ chua tươi sáng, với hương thơm citrus hay các loại quả hạch như đào, mơ. Đặc biệt, nhiều năm gần đây, Peru đầu tư nhiều vào giống cà phê Tipica chất lượng cao".
Dân ghiền cà phê có thể tham dự Tuần lễ cà phê Peru tại Hà Nội và TP HCM, diễn ra từ ngày 8/4 đến ngày 15/4 do Đại sứ quán nước này tổ chức. Tại buổi lễ khai mạc sự kiện, khách tham quan có cơ hội trải nghiệm kỹ thuật cupping taste cùng các chuyên gia, ngửi thử mùi vị (bao gồm hương khô, hương ướt) và nếm thử 6 loại cà phê đặc sản nổi tiếng của Peru.
Chị Nguyễn Phương Linh, nhà sáng lập cà phê RAAW tại Hà Nội, cho biết cà phê Peru sẽ được giới thiệu tại quầy riêng và phục vụ với phương pháp pour over. Đây là cách pha chế cà phê thủ công (manual brew) với dụng cụ và kỹ thuật đơn giản, chỉ bao gồm một bộ lọc (filters) và thao tác rót nước lên cà phê (pour). Giá thành từ 80.000 đồng đến 100.000 đồng (cà phê Geisha). Là người am hiểu cà phê, chị Linh nhận xét cà phê Peru có hương body dày, vị creamy trong khoang miệng, riêng cà phê geisha có hương hoa quả cân bằng, độ ngọt cao, rất nên thử.