Mới đây, cảnh sát hình sự Bắc Kinh đến Tây An tìm người phụ nữ tên Deng Moumou, vì những nghi vấn liên quan đến lừa đảo. Trong vòng 6 tháng, cô Deng liên tục báo sự cố ăn phải dị vật trong thức ăn. Các điều tra viên đã gặp người này khi cô và chồng vừa đi du lịch về, chưa kịp thu dọn hành lý.
Deng Moumou sống trong căn hộ cao cấp ở Tây An, hầu như ngày nào cũng đặt hàng đồ ăn mang về từ thành phố khác đến nhà. Sau khi đồ được giao tới, Deng liên hệ với chủ cửa hàng, báo cáo rằng đồ ăn của họ có vấn đề, có khi lẫn ốc vít, côn trùng và yêu cầu bồi thường. Sau đó, cô đe dọa sẽ để lại bình luận xấu nếu nhà hàng không đền tiền. Trong nửa năm, cô đã đặt hơn 200 đơn hàng đến Tây An từ 18 tỉnh thành trên khắp Trung Quốc, số tiền lên tới 20.000 tệ (gần 70 triệu đồng). Tại cơ quan điều tra, người này thú nhận hành vi tống tiền.
Ngoài Deng, cảnh sát Bắc Kinh cũng xác định được 13 người có hành vi tương tự khi nhận được thông tin khiếu nại của nền tảng giao đồ ăn. Đặc điểm chung của các vụ án này đều là khách hàng liên tục yêu cầu ứng dụng đền tiền vì có vật lạ trong thực phẩm. Cuối tháng 11/2023, đội điều tra hình sự công an Bắc Kinh đã tập trung điều tra, bước đầu xác minh có hơn 569 vụ án, số tiền lên tới 50.000 tệ.
Hiện Deng Moumou và một số người bị cảnh sát Bắc Kinh giam giữ hình sự vì nghi ngờ tống tiền và lừa đảo, vụ án đang được điều tra thêm.
Theo Luật An toàn thực phẩm Trung Quốc, người tiêu dùng sản xuất thực phẩm không đạt tiêu chuẩn an toàn thực phẩm hoặc tiêu thụ thực phẩm mà biết rõ không đạt tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, đều phải thực hiện bồi thường gấp 3-10 lần giá trị đơn hàng và không thấp hơn 1.000 tệ.
Dịch vụ giao đồ ăn tận nhà rất thịnh hành ở Trung Quốc và có sự cạnh tranh khốc liệt. Các nền tảng giao hàng và chủ nhà hàng thường tránh bị khiếu nại, ảnh hưởng đến doanh số bán hàng bằng cách bồi thường nhanh chóng cho những khách hàng phàn nàn. Đây được xem là kẽ hở khiến nhiều thực khách thực hiện hành vi trái pháp luật.
SuZi (Theo Global Times)