Những ngày gần đây, nhiều diễn đàn mạng xã hội đồng loạt đăng tải những thông tin liên quan đến Ngày Tam nương đại kỵ 50 năm mới có một lần, theo đó cần tránh ra đường, tránh cởi trần, gây gổ đánh nhau... Trước những thông tin không rõ thực hư như này khiến cho không ít người cảm thấy hoang mang và lo lắng chuẩn bị tâm lý “có kiêng có lành”.
Ngay sau đó Giáo sư Lương Ngọc Huỳnh hiện là Phó chủ tịch Học viện An ninh xã hội Liên bang Nga (còn được nhiều người gọi là Thầy Huỳnh) đã có những chia sẻ thu hút được rất nhiều sự chú ý liên quan đến truyền thuyết Ngày Tam Nương. Nguyên văn chia sẻ của Giáo sư Lương Ngọc Huỳnh:
Lịch sử của Ngày Tam nương
"Tam nương là nói về ba người đàn bà phá nát ba vương triều của Trung Quốc thời xa xưa.
1. Muội Hỉ:
Nhà Hạ có một ông vua tên là Hạ Kiệt tàn bạo hoang dâm! Hắn đánh nước Hữu Thi. Do không chống nổi mà nước Hữu Thi mang dâng một mỹ nữ tên là Muội Hỉ cho Hạ Kiệt. Nhờ vào sắc đẹp lại lạnh như tiền, Hạ Kiệt say đắm làm mọi cách từ việc xé vải cho đến xây cung điện, làm ao rượu miễn sao để cho Muội Hỉ cười! Vì vậy vương triều ngày càng suy vong và tan tành sự nghiệp.
2. Đát Kỷ:
Vua Trụ Vương đời nhà Thương, là một ông vua háo sắc! Hắn đòi Tô Hộ là một quan thần phải dâng con gái xinh đẹp là Đát Kỷ cho hắn. Đát Kỷ đẹp đến nỗi khi nóng giận cũng làm cho Vương Trụ say lòng, ngày đêm quấn quýt bên người đẹp, vì ham mê tửu sắc mà Vương Trụ đã phá tan sự nghiệp nhà Thương.
3. Bao Tự:
Thời nhà Chu cấm bán gỗ dâu! Ai bán gỗ dâu sẽ bị truy bắt. Một đôi vợ chồng vì không biết nên mới mang ra chợ bán liền bị triều đình truy bắt! Họ chạy trốn giữa đường thì gặp đứa trẻ bị bỏ rơi, bèn ôm mang theo đến nước Bao. Cô bé lớn lên chính là Bao Tự, rất xinh đẹp. Người nước Bao phạm tội với Chu U Vương bèn mang Bao Tự dâng vua để thoát tội. Do Bao Tự quá đẹp khiến Chu U Vương mê mẩn! Hắn làm tất cả những gì để Bao Tự cười, cũng vì si tình và ngu muội mà Chu U Vương mất nước và chết nhục.
Theo dân gian Trung Quốc, ngày tam nương là ngày ba nàng Muội Hỉ, Đát Kỷ, Bao Tự được đưa vào nội cung, và ngày của những ông Vua háo sắc bị sụp đổ. Đó là những ngày mùng 3, 7, 13, 18, 22, 27 Âm lịch còn ở tháng nào cụ thể thì không thấy ghi. Cho nên cứ vào ngày này của tháng Âm lịch mọi người đều sợ phạm Tam Nương mà không dám khai trương động thổ, cưới hỏi nhập trạch...
Chẳng hiểu từ đâu mà lại suy diễn ra là ngày Thượng Đế, quan tuần tra xét dương gian. Ai ra đường thì sẽ đụng xe, ai đánh nhau hay làm điều gì ngày 21/7 này tức ngày 18/6 âm thì bị chết? Lịch sử Trung Quốc là ứng với người Trung Quốc, chẳng liên quan đến vận mệnh cũng như truyền thống của nước ta. Bản thân người Trung Quốc cũng chẳng sợ ngày Tam nương, thậm chí các cô gái Trung Hoa còn hâm mộ và yêu mến muốn được như ba nàng này. Hà cớ gì phải lo sợ ngày Tam nương? Đồng ý là có thờ có thiêng, có kiêng có lành. Nhưng không nên ngu muội đến vậy”.
Cộng đồng đều tỏ ra đồng tình và cảm thấy an tâm hơn với những chia sẻ trên từ Thầy Huỳnh. “Chuẩn đấy, mặc dù không biết nguồn gốc thế nào, nhưng mình quan điểm có thờ có thiêng, có kiêng có lành, tôn trọng nơi thờ cúng… thế thôi. Ba cái mê tín dị đoan tam nương với chả tam muội suốt ngày share câu like chả buồn đọc”, Bích Ngọc chia sẻ quan điểm cá nhân của mình.
Hay như độc giả Lê Hoàng Lan cũng bày tỏ ý kiến của mình trước sự giải thích về Ngày Tam nương của Giáo sư Huỳnh: “Cảm ơn anh! Em cũng thấy nực cười bởi có rất nhiều người toàn mang dân gian của người Trung Quốc ứng dụng vào cuộc sống của mình trong khi đó mình lại là người Việt Nam. Chẳng ra làm sao”.
Nhiều bạn đọc có suy nghĩ thực tế và khách quan hơn: “Tam với chả Nương không ra đường đi làm thì cuối tháng không có lương lúc ấy mới chết thật”, Hải Linh bình luận.
Maruko Chan