1. Trân trọng hiện tại
Chúng ta đang sống trong một thế giới có nhịp độ nhanh, liên tục lo lắng về quá khứ hoặc lên kế hoạch cho tương lai. Nhưng có bao giờ bạn tự hỏi mình đã sống trọn vẹn cho hiện tại không? Điều này có nghĩa bạn hoàn toàn đắm mình vào hiện tại, nhận thức được các giác quan, suy nghĩ và môi trường xung quanh.
Bằng cách trân trọng hiện tại, chúng ta có thể thực sự tận hưởng những trải nghiệm và giảm lo lắng, căng thẳng.
Sống cho hiện tại là thừa nhận những suy nghĩ và cảm xúc mà không phán xét. Trân trọng hiện tại là một trong những cách đơn giản nhất để hạnh phúc hơn.
2. Thực hành thiền hàng ngày
Thiền đã trở thành nền tảng trong thói quen hàng ngày của nhiều người. Khi thiền, bạn không cần bất kỳ thiết bị hoặc địa điểm đặc biệt. Tất cả những gì bạn cần là một nơi yên tĩnh và ít phút.
Thiền giúp chúng ta tạo ra khoảng trống giữa suy nghĩ và phản ứng. Nó khuyến khích chánh niệm bằng cách đưa sự tập trung của chúng ta trở lại hơi thở, neo giữ ta trong thời điểm hiện tại.
Chuyên gia về chánh niệm nổi tiếng Jon Kabat-Zinn từng nói: "Thiền là hoạt động có chủ ý, có hệ thống duy nhất của con người, về cơ bản không phải là cố gắng cải thiện bản thân hay đạt được bất kỳ thành tựu nào khác mà chỉ đơn giản là nhận ra bạn đang ở đâu".
Về bản chất, thiền không làm thay đổi chúng ta, mà giúp ta hiểu và chấp nhận bản thân tốt hơn.

Ảnh: Freepik
3. Chấp nhận sự vô thường
Có một sự thật phũ phàng là mọi thứ trong cuộc sống đều chỉ là tạm thời và vô thường. Hạnh phúc, nỗi buồn, thành công, thất bại, tất cả đều đến rồi đi. Không có gì trong cuộc sống là vĩnh viễn, càng sớm chấp nhận điều này, chúng ta càng dễ dàng vượt qua những thăng trầm.
Con người thường bám víu vào hạnh phúc vì sợ mất nó. Tương tự, chúng ta cũng chống lại nỗi đau và sự đau khổ, hy vọng nó sẽ sớm kết thúc. Nhưng làm như vậy, chúng ta chỉ tạo thêm đau khổ cho chính mình.
Vô thường không phải là một khái niệm tiêu cực. Trên thực tế, nó có thể khá tự do. Nó cho phép ta buông bỏ sự gắn bó với mọi thứ, con người và thậm chí cả cảm xúc của chính mình.
Hiểu và nhận thức được rằng không gì tồn tại mãi mãi có thể giúp chúng ta trân trọng những gì đang có. Nó cũng có thể mang lại sự an ủi khi ta đang trải qua thời điểm khó khăn, nhắc nhở ta rằng khó khăn này rồi cũng sẽ qua.
Chấp nhận sự vô thường là một bước quan trọng để đạt được bình an và hạnh phúc nội tâm. Suy cho cùng, như triết gia Heraclitus từng nói, sự thay đổi là hằng số duy nhất trong cuộc sống.
4. Nuôi dưỡng lòng biết ơn
Trong cuộc sống hiện đại, chúng ta rất dễ bị cuốn vào vòng xoáy của những thử thách mà quên trân trọng những điều tốt đẹp đang có. Việc tập trung vào những gì chúng ta thiếu thậm chí còn dễ dàng hơn là những gì chúng ta sở hữu.
Đây là lúc chánh niệm có thể thực sự tỏa sáng. Chánh niệm dạy chúng ta nuôi dưỡng thái độ biết ơn. Nó khuyến khích ta dừng lại, hít một hơi và trân trọng những phước lành, cho dù chúng có thể nhỏ đến đâu.
Nuôi dưỡng lòng biết ơn không chỉ đơn giản là nói cảm ơn. Đó là việc nhận ra những điều tốt đẹp trong cuộc sống và thừa nhận giá trị của nó. Bạn có đang được sống trong một mái nhà che mưa nắng, có thức ăn để ăn và những người xung quanh quan tâm mình? Đây thực ra là những phước lành mà chúng ta thường coi là đương nhiên.
Nuôi dưỡng lòng biết ơn không có nghĩa là bỏ qua những khó khăn trong cuộc sống. Nhưng nó có thể giúp chúng ta tiếp cận những khó khăn đó.
Bằng cách thừa nhận và đánh giá cao những phước lành, chúng ta có thể chuyển sự tập trung từ những điều sai trái trong cuộc sống sang những điều đúng đắn, đưa chúng ta đến một cuộc sống hạnh phúc và trọn vẹn hơn.
5. Sống với tác động tối đa và cái tôi tối thiểu
Trong xã hội, nhiều người thường tin rằng thành công là về lợi ích cá nhân và sự công nhận. Nhưng Phật giáo dạy rằng thành công thực sự đến từ việc tạo ra tác động tích cực đến thế giới xung quanh, đồng thời kiểm soát cái tôi.
Khi chúng ta đóng góp vào hạnh phúc của người khác, chúng ta cũng làm phong phú thêm cuộc sống của chính mình.
6. Ngừng phán xét
Nhiều người có thói quen liên tục phán xét bản thân, người khác và hoàn cảnh. Nhưng sự thật điều đó càng khiến bạn thêm mệt mỏi. Cả chánh niệm và Phật giáo đều khuyến khích chúng ta buông bỏ sự phán xét thường xuyên này.
Chúng ta thường dán nhãn cho mọi thứ là tốt hay xấu, đúng hay sai, nhưng điều đó chỉ khiến ta rơi vào vòng luẩn quẩn của sự bất mãn. Sự phán xét đó chỉ tạo ra những kỳ vọng và khi thực tế không đáp ứng được những kỳ vọng này, chúng ta sẽ đau khổ.
Chánh niệm dạy chúng ta quan sát suy nghĩ và cảm xúc của mình mà không gắn bất kỳ nhãn mác nào cho chúng. Đó là việc chấp nhận mọi thứ như hiện tại chứ không phải như chúng ta mong muốn.
Tương tự như vậy, Phật giáo khuyến khích chúng ta thực hành việc không phán xét. Nó dạy chúng ta rằng mọi người đều đang trên hành trình riêng và những gì phù hợp với người này có thể không phù hợp với người khác.
Bằng cách buông bỏ sự phán xét, chúng ta có thể giảm mức độ căng thẳng, nâng cao sự hiểu biết về bản thân và người khác. Đó là một thực hành giải phóng có thể đem đến cuộc sống bình yên và hạnh phúc hơn.
7. Thực hành lòng từ bi
Trong cuộc sống bận rộn, chúng ta rất dễ quên phải tử tế với người khác và với chính mình. Thực hành lòng từ bi không chỉ là cảm thấy thương hại hay cảm thông. Đó là sự hiểu biết và chia sẻ nỗi đau khổ của người khác và hành động để giảm bớt nỗi đau đó.
Lòng từ bi không chỉ nên thực hành với người khác, bản thân chúng ta cũng cần mở rộng nó cho chính mình. Chúng ta thường là những nhà phê bình gay gắt nhất của chính mình, tự trách móc bản thân về mọi sai lầm hoặc thất bại.
Thiền sư Thích Nhất Hạnh từng nói: "Yêu bản thân là khởi đầu cho một mối tình lãng mạn trọn đời". Bằng cách thực hành lòng từ bi, chúng ta không chỉ làm cho thế giới trở thành một nơi tốt đẹp hơn mà còn nuôi dưỡng sự bình yên và hạnh phúc bên trong.
8. Làm ít hơn để đạt được nhiều hơn
Nghe có vẻ phản trực giác nhưng đôi khi làm ít hơn thực sự có thể giúp chúng ta đạt được nhiều thành tựu hơn.
Trong nỗ lực làm việc hiệu quả, chúng ta thường thực hiện đa nhiệm và dàn trải bản thân. Nhưng tất cả những điều này chỉ khiến ta căng thẳng và choáng ngợp.
Chánh niệm khuyến khích chúng ta sống chậm lại và tập trung vào một nhiệm vụ tại một thời điểm. Đó là việc hoàn toàn đắm mình vào những gì đang làm, thay vì liên tục nghĩ về nhiệm vụ tiếp theo trong danh sách việc cần làm. Bằng cách làm ít hơn, chúng ta cho mình cơ hội làm tốt mọi việc, trở nên hiệu quả hơn, mắc ít lỗi hơn và tận hưởng những gì mình đang làm.
Khi bạn thấy mình đang gấp rút hoàn thành các nhiệm vụ, hãy dành một chút thời gian để tạm dừng. Hãy tập trung vào một nhiệm vụ tại một thời điểm và xem sự khác biệt mà nó tạo ra.
Làm ít hơn không có nghĩa là lười biếng. Đó là việc lưu tâm và tận dụng tối đa từng khoảnh khắc. Vì cuối cùng, chất lượng vẫn quan trọng hơn số lượng.
Hướng Dương (Theo Hack Spirit)