Để trẻ phát triển thể chất và trí não, bữa ăn cho trẻ phải đáp ứng 3 nhóm dưỡng chất thiết yếu là đạm, béo, đường, cùng các vitamin và khoáng chất. Khi những nhóm này bị mất cân bằng sẽ dẫn đến tình trạng thiếu chất nhưng lại thừa năng lượng, lúc đó sức khỏe và sự phát triển của trẻ đều bị ảnh hưởng bất lợi.
Theo đó, nếu bữa ăn của bé quá tập trung vào chất béo, trẻ dễ bị thừa cân, béo phì. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho rằng béo phì được coi là một bệnh mãn tính gây ảnh hưởng đến thẩm mỹ cũng như đe dọa trực tiếp đến sức khỏe con người qua các bệnh mãn tính nguy hiểm như đái tháo đường, tăng huyết áp, thiếu máu cơ tim, ung thư, tăng nguy cơ bị sỏi mật, bệnh về xương khớp... Nhiều nguyên nhân dẫn đến việc thừa cân, nhưng phần lớn tình trạng này xảy ra là do sự mất cân bằng giữa hai yếu tố: năng lượng ăn vào lớn hơn năng lượng tiêu hao. Dinh dưỡng không cân bằng còn khiến cơ thể bé không khoẻ mạnh, khó phát triển toàn diện.
Không chỉ ảnh hưởng về mặt thể chất, bé bị thừa cân, béo phì có khả năng bị trầm cảm khi nhận thức được vẻ ngoài của mình khác biệt với bạn đồng trang lứa, bé bị trêu chọc hay khó hòa nhập vào các hoạt động thể chất cùng bạn bè. Trẻ em rất dễ bị hấp dẫn bởi đồ ngọt, màu sắc và những hình ảnh vui nhộn, vì vậy chúng rất thích đến cửa hàng thức ăn nhanh hay chọn ăn những thực phẩm có bao bì bắt mắt, có vị ngọt… Ngược lại, các bé thường không thích ăn rau, củ, quả các loại, trong khi đây chính là nguồn thực phẩm cung cấp dồi dào các vitamin và khoáng chất. Vì thế, để xây dựng thực đơn một cách khoa học và cân bằng cho bé, phụ huynh cần kiên quyết hơn trong việc hạn chế thức ăn giàu năng lượng nhưng nghèo vi chất dinh dưỡng như nước ngọt, bánh kẹo, thức ăn nhanh…
Gần đây, nhiều phụ huynh lựa chọn váng sữa như một bữa ăn phụ cho trẻ. Thế nhưng, không phải cha mẹ nào cũng nắm rõ công dụng cũng như tác dụng phụ có thể xảy ra. Theo giới chuyên gia, váng sữa hàm lượng chất béo chiếm tới 70%, có thể khiến hệ tiêu hóa còn non nớt của bé quá tải. Nếu trẻ ăn nhiều váng sữa quá có thể gây nguy cơ bị đầy bụng, tiêu chảy, về lâu dài sẽ thừa cân, béo phì.

Khi chọn thực phẩm cho con, phụ huynh nên quan tâm hơn đến việc đọc thành phần dinh dưỡng trên nhãn mác thay vì tin tưởng vào những lời truyền miệng và phỏng đoán về tác dụng của sản phẩm. Bạn cũng lưu ý cho trẻ ăn nhiều trái cây, rau củ quả vì đây là nguồn cung cấp dồi dào vitamin, và dưỡng chất giúp bé tăng cường hệ miễn dịch rất hiệu quả. Ngoài ra, mẹ có thể đa dạng hóa bữa ăn phụ của trẻ với các sản phẩm cân bằng dinh dưỡng như sữa chua và phô mai tươi. Đây cũng là nguồn cung cấp vitamin K2, và canxi dồi dào hỗ trợ cho sự phát triển chiều cao ở trẻ. Với vai trò thúc đẩy hấp thụ canxi vào xương, làm tăng mật độ xương, vitamin K2 là mắt xích thúc đẩy sự phát triển chiều cao tốt hơn.
Bên cạnh chế một chế độ dinh dưỡng cân bằng, các bà mẹ cũng nên thu xếp cho bé vận động để tiêu hao năng lượng và khỏe khoắn hơn, tránh để bé dành quá nhiều thời gian vào TV, máy tính bảng,… Đặc biệt, không nên đặt TV trong phòng trẻ nhỏ. Nếu nghi ngờ về trọng lượng của con, mẹ có thể tham khảo ý kiến của chuyên gia dinh dưỡng hay bác sĩ để có lời khuyên chuyên môn.
Phương Thảo
14h-16h, ngày 26/6, bác sĩ CKII Nguyễn Thị Hoa - Nguyên Trưởng Khoa Dinh Dưỡng Bệnh viện Nhi đồng cùng Web Trẻ Thơ phối hợp giải đáp những băn khoăn của các bậc phụ huynh về chế độ dinh dưỡng cân bằng giúp con phát triển cân đối cho trẻ thông qua chương trình tư vấn trực tuyến: Trẻ béo phì vì thiếu dinh dưỡng- Đâu là giải pháp?. Tham gia đặt câu hỏi tại đây. |