- Trang phục ứng dụng luôn đòi hỏi phải phù hợp với xu hướng mới, còn theo anh tính đương đại của trang phục áo dài được thể hiện ở những khía cạnh nào?
- Tôi cho rằng, áo dài cũng như trang phục ứng dụng bởi khi ta đã nói về thời trang thì nó cũng phải luôn phù hợp với xu hướng và thời đại. Cái khó của các nhà thiết kế trang phục áo dài là luôn phải sáng tạo, phát triển nhưng vẫn không thể tách khỏi cái nền tảng của nó. Tính đương đại của áo dài vẫn sẽ nằm ở những điểm bắt đầu đó là ý tưởng mới mẻ, kỹ thuật cắt may hiện đại, cách thể hiện hoạ tiết trang trí phù hợp với thời đại.
- Sự thay đổi và cải tiến là yếu tố không thể thiếu để trang phục truyền thống dễ dàng hòa nhập cùng nhịp sống hiện đại. Làm thế nào để áo dài cách tân không bị ‘biến dạng’?
- Sự thay đổi và cải tiến sẽ mang lại hơi thở mới cho áo dài, sẽ giúp cho trang phục áo dài đi vào cuộc sống nhiều hơn. Tuy nhiên, một nhà thiết kế áo dài chuyên nghiệp là phải biết điểm dừng ở đâu là hợp lý nhất. Và quan trọng nhất là phải biết tư vấn cho người mặc những thiết kế phù hợp với từng hoàn cảnh và mục đích sử dụng. Sự "biến dạng" của áo dài là một trong những lỗi dễ mắc phải khi ta không biết điểm dừng khi sáng tạo. "Cách tân áo dài" và "sáng tạo dựa trên cảm hứng từ áo dài" là hai phạm trù hoàn toàn khác nhau. Ranh giới ấy cũng rất mỏng manh và ta rất dễ dàng bước qua mà không hề hay biết. Việc xác định rõ mục đích ngay từ đầu là một việc làm quan trọng để ta biết ta đang làm gì.
- Trong nhịp sống mới, áo dài dần vắng bóng ở giảng đường, trường học, công sở… theo anh lý do chính là vì đâu?
- Là một nhà thiết kế áo dài, thật sự tôi cũng rất buồn khi áo dài dần vắng ở giảng đường, trường học, công sở. Có lẽ đó cũng là yếu tố tất yếu khi mà cuộc sống ngày nay bắt chúng ta phải vận động nhiều hơn, nhanh hơn, ít thời gian để nhìn ngắm và chỉn chu trang phục. Trên thực tế, áo dài khó thích ứng với những hoạt động mạnh mẽ, di chuyển nhanh và chính những yếu tố này mà đã có những hình ảnh không đẹp với áo dài.
Đứng ở một góc độ nào đó tôi cho rằng áo dài sẽ được trân trọng hơn. Chúng ta sẽ không còn thấy những hình ảnh những tà áo dài nhăn nhúm hay bị cột lại và áo dài sẽ chỉ được thấy ở những nơi trang trọng với hình ảnh hoàn hảo nhất.
- Ở Việt Nam không hiếm cảnh, bản mẫu của nhà thiết kế bị copy và bán đại trà. Với công việc của một người sáng tạo, anh xử lý thế nào khi gặp phải tình cảnh ấy?
- Trong thời trang ứng dụng, việc trùng ý tưởng quả thực không hiếm vì nó là những vòng tròn lặp đi lặp lại. Do vậy, việc trùng ý tưởng trong trang phục áo dài cũng không tránh khỏi. Tuy nhiên, trùng ý tưởng trong áo dài chỉ có thể là việc trùng các nguyên tắc xử lý chất liệu, kỹ thuật cắt may chứ không thể nào là trùng các hoạ tiết trang trí. Việc các mẫu copy và bán đại trà là một niềm đau mà bất kỳ nhà thiết kế chân chính nào cũng phải đối mặt. Có lẽ đó cũng chỉ là yếu tố lương tâm nghề nghiệp mà thôi. Ngay cả bản thân tôi, cũng đã có nhiều khách hàng yêu cầu may theo ý họ, may theo một mẫu có sẵn hay may theo một mẫu của tôi được tối giản đi nhiều lần. Nguyên tắc của mình là luôn từ chối trước những tình huống này. Bởi đơn giản, mình là một nhà thiết kế thì việc tự hào với những sáng tạo của mình và người khác chính là lòng tự trọng tối thiểu cần có. Việc bạn tối giản những mẫu sáng tạo của mình chính là bạn đang tạo ra một phiên bản copy không chất lượng, chính là cách bạn đang làm nguy hại đến uy tín và hình ảnh của mình.
- ‘Không phải là nhà thiết kế nên có quyền vô tư ăn cắp ý tưởng’, anh có đồng tình với quan điểm trên?
- Thật ra, để trở thành một nhà thiết kế ở Việt Nam hiện nay cũng tương đối đơn giản, do vậy việc ăn cắp ý tưởng cũng sẽ gặp rất nhiều. Tôi cho rằng, việc ăn cắp ý tưởng của người khác cũng chính là cách bạn đã không tôn trọng tài năng của mình.
Nếu chỉ căn cứ vào số mẫu thiết kế bạn sáng tạo được trong một năm để đánh giá thì bạn cũng chỉ là một thợ copy mẫu giỏi. Nếu chỉ căn cứ vào số lượng bạn bán được, thì thật ra bạn cũng chỉ là một nhà sản xuất trang phục có khiếu kinh doanh. Nếu là một nhà thiết kế chuyên nghiệp thì quan trọng nhất là phải có một phong cách thiết kế riêng của bạn. Chính phong cách thiết kế ấy sẽ giúp bạn xây dựng được chính thương hiệu cho mình. Việc copy ý tưởng của người khác chỉ có thể giúp bạn bán được nhiều sản phảm trước mắt, việc ra nhiều bộ sưu tập nhờ copy cũng chỉ giúp bạn tên tuổi tạm thời mà không giúp cho tên tuổi bạn được nhớ lâu dài.
- Là một nhà thiết kế có thâm niên, theo anh làm cách nào để hạn chế tối đa việc những sản phẩm của mình bị ‘nhân bản’ hoàng loạt và bán với giá hàng chợ?
- Việc copy này không những làm ảnh hưởng đến doanh số của mình, nhưng vấn đề mà tôi buồn nhất là các mẫu copy có chất lượng quá tệ làm mất đi giá trị của những mẫu gốc. Trong thực tế, có rất nhiều mẫu thiết kế của tôi bị sao chép và chỉ đổi màu. Nhưng đến giờ, tôi vẫn tự hào về dấu ấn thiết kế riêng với chất lượng của những mẫu sáng tạo luôn là tuyệt hảo, từ cách phối màu đến kỹ thuật. Do vậy, nếu người tiêu dùng sành điệu, họ sẽ dễ dàng nhìn nhận ra được đâu là sản phẩm Thuận Việt.
- Áo dài dạ hội – dòng trang phục truyền thống dành cho dạ tiệc được thiết kế khác với các mẫu áo thông thường ra sao?
- Áo dài dạ hội luôn phải thể hiện được tính đương đại và sự sáng tạo mạnh mẽ hơn. Bởi ngoài yếu tố truyền thống, áo dài cần mang hơi thở của dòng chảy thời trang, nổi bật, gợi cảm của trang phục dạ hội. Thiết kế phải dung hoà giữa tính truyền thống và hiện đại để giúp người mặc rực rỡ nhưng vẫn thể hiện nét truyền thống Việt Nam. Đối với tôi, áo dài dạ hội nên chú trọng nhiều vào xử lý chất liệu cùng chi tiết trang trí, kỹ thuật cắt may hiện đại trên phom dáng áo dài, không nên quá sa đà vào việc ứng dụng các trào lưu của thời trang ứng dụng mà làm cho áo dài trở nên quá lai căng.
- Những ý tưởng về việc thiết kế trang phục dân tộc dành cho người đẹp Việt tham gia các đấu trường sắc đẹp quốc tế được bắt nguồn từ đâu?
- Duyên nợ với việc thiết kế trang phục dân tộc dành cho người đẹp Việt Nam tham gia các đấu trường sắc đẹp quốc tế bắt đầu khi tôi may mắn gặp được hoa hậu Thanh Hằng, khi cô tham gia cuộc thi Hoa hậu Liên Lục Địa 2005. Trước đó, các người đẹp của chúng ta thường hay chọn các bộ trang phục áo dài cùng khăn đóng may trên nền vải lụa tơ tằm hoặc gấm để dự thi trang phục dân tộc. Tôi thấy phong cách ấy đẹp, truyền thống nhưng rất nhàm chán, thiếu sự hoành tráng và giúp cho sắc đẹp Việt toả sáng giữa gần 100 bộ trang phục dân tộc khác.
Chính những yếu tố đó, tôi đã quyết tâm thực hiện bộ sưu tập "Rồng Việt" trên nền lụa tơ tằm đỏ cùng hình ảnh rồng thêu tay bằng chỉ kim tuyến vàng. Sau đó là rất nhiều bộ sưu tập cho các người đẹp Hương Giang, Hoàng My... nhưng có lẽ những dấu ấn và bắt đầu được thế giới đánh giá cao là các bộ sưu tập "Vũ khúc hạc" của Thuỳ Lâm được bình chọn top 10 trang phục dân tộc đẹp nhất Hoa hậu Hoàn vũ Thế giới 2008, rồi bộ sưu tập "Tre Việt" của Chung Thục Quyên được trao giải trang phục dân tộc đẹp nhất cuộc thi Hoa hậu Siêu Quốc gia. Gần đây là hai bộ sưu tập của Diễm Hương và Trương Thị May đều được đánh giá cao và đẹp lọt vào top trang phục đẹp nhất. Tất cả như tạo nên một động lực cho tôi phải sáng tạo không ngừng để tạo nên bộ sưu tập "Giấc mơ hồng hạc" của Phạm Hương tại Hoa hậu Hoàn vũ Thế giới 2016.
- Với dòng sản phẩm cao cấp của mình, theo anh giá trị của một mẫu áo dài là phép tổng của những yếu tố nào?
- Đã là một dòng sản phẩm cao cấp, giá trị của một mẫu áo dài chính là sự tổng hợp của sự sáng tạo, tính độc quyền, giá trị và sự tinh tế tạo ra sản phẩm đó. Bạn có thể mua được một phiên bản copy với giá rẻ nhưng bạn sẽ không tìm được sự hoàn hảo như bản gốc.
- Suy nghĩ của anh trước việc mang áo dài thêu thủ công so sánh với những mẫu váy haute couture của nước ngoài?
- Tôi luôn tự hào với những thiết kế mang vẻ đẹp của thêu thủ công Việt Nam. Áo dài bản thân nó cũng đã mang một giá trị rất riêng và khi ta sáng tạo nó dưới góc độ trân trọng giá trị ấy thì chúng ta cũng có những mẫu haute couture mang nhãn hiệu Việt .
- Kỹ thuật thêu tay thủ công mang đến họa tiết đậm nét Việt là yếu tố không thể thiếu trong thiết kế của anh, ở mùa xuân năm nay điểm nhấn chủ đạo ấy có gì mới mẻ?
- Có thể nói thêu tay thủ công là nét đặc trưng trong phong cách của áo dài Thuận Việt. Trong những năm trước, những thiết kế của tôi luôn ghi dấu ấn với những hoạ tiết thêu hoa, bướm. Năm nay, vẫn dựa trên những nền tảng cơ bản ấy, tôi sẽ mang thêm hình ảnh những hoạ tiết dân tộc, cùng hình ảnh những chú chim hạc mang lại nhiều may mắn tốt lành.
- Danh tiếng và doanh thu, đâu là khía cạnh mang yếu tố quyết định sự thành công của một nhà thiết kế?
- Danh tiếng và doanh thu phải luôn được cân bằng để mang lại một yếu tố thành công cho một nhà thiết kế, bởi danh tiếng sẽ mang lại doanh thu và doanh thu sẽ nuôi sống nhà thiết kế sáng tạo ra những bộ sưu tập danh tiếng. Nếu chỉ chú trọng vào danh tiếng mà các bộ sưu tập của bạn không bán được, không được người tiêu dùng mua, thì bạn cũng chỉ là một nhà sáng tạo nghệ thuật. Ngược lại nếu bạn chỉ bán được rất nhiều mà uy tính va danh tiếng của bạn không có thì bạn cũng chỉ là một nhà kinh doanh thời trang thành công mà thôi.
- Theo anh, đối với người làm thiết kế thời trang, ngoài cách đầu tư cho chất lượng từng mẫu trang phục, bộ sưu tập thì đâu là cách PR tốt nhất?
- Ngày nay, khi mà truyền thông đang lan truyền trong cuộc sống ta ngày càng mạnh mẽ, ta thường cho rằng PR bản thân là một cách tốt nhất tạo nên một tên tuổi nhà thiết kế. Đó thật ra là một suy nghĩ sai lầm. Bởi sản phẩm và quá trình sáng tạo của bạn chính là những thước đo hiệu quả nhất cho sự thành công của bạn. Việc xuất hiện tràn ngập ý tưởng của bạn cũng chính là cách làm cho mẫu thiết kế của bạn dễ bị copy. Khách hàng chính là những người PR hiệu quả nhất cho sáng tạo của chính bạn, vừa mang lại hiệu quả kinh doanh nhất.
Duy Khánh thực hiện
Ảnh: Duy Nhất