Tại hội thảo do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cùng Viện Khoa học pháp lý (Bộ Tư pháp) tổ chức tại Hà Nội ngày 5/12, tiến sĩ Chính nêu rõ: "Nguyên nhân của những rủi ro này là do sự bất cập của hệ thống pháp luật Việt Nam chưa tương đồng với luật pháp quốc tế, do doanh nghiệp bội ước hợp đồng...".
Liệt kê các trường hợp doanh nghiệp Việt Nam “bị lừa” khi giao kết với các đối tác nước ngoài, ông Nguyễn Gia Hảo, trọng tài viên VIAC, đã nhận xét: “Đang có tới cả 1.001 kiểu lừa đảo như: Dụ khị rửa tiền; đi chơi có thưởng; phô tiền đầu tư; mua rởm, bán rởm; chôm tiền, chộp hàng; lang thang trên mạng... nhưng doanh nghiệp của ta lại quá “ngây thơ” trong thương trường quốc tế nên đã mắc vào bẫy của bọn lừa đảo quốc tế”.
Chứng minh cho những điều vừa nêu, ông Hảo cho biết đã có ngân hàng ở Hải Phòng, chỉ vì nghe lời mời “mùi mẫn” trên mạng Internet đã “quăng” cả 1 triệu USD để được tham gia vào trang web alibaba.com rồi không thể đòi lại được.
Một dạng rủi ro khác doanh nghiệp Việt Nam đang phải đối mặt trên thương trường là khả năng bị kiện chống bán phá giá, các biện pháp tự vệ, các rào cản kỹ thuật.
Bà Đinh Thị Mỹ Loan, Cục trưởng Quản lý cạnh tranh, Bộ Thương mại, cho biết: "Việc kháng kiện đang ngày càng khó khăn hơn, đối tượng kiện đã mở rộng ra các nước ở nhiều khu vực chứ không tập trung vào Mỹ và EU như trước đây. Và mặt hàng Việt Nam bị kiện đã ngày càng đa dạng: Nan hoa xe đạp; đèn huỳnh quang... là loại sản phẩm mới thâm nhập thị trường chứ không chỉ là mặt hàng lớn, hàng xuất khẩu chủ lực...".
Những vụ rủi ro điển hình các doanh nghiệp Việt Nam bị thua thiệt: Công ty Vinafood II năm 1995 phải đền 5 triệu USD do không thực hiện được việc giao gạo cho một đối tác phương Tây. Công ty Centrrimex năm 2000 thua kiện và mất trắng 1,45 triệu USD vì đã từ chối không nhận lô phân bón Đức. Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) đã phải nộp phạt 200.000USD do huỷ hợp đồng thuê huấn luyện viên Christian Letard. |
Ông Nguyễn Gia Hảo nói: “Kiến thức kinh doanh các doanh nghiệp Việt Nam được đào tạo chỉ toàn là những “cái tốt”, các nhà trường không dạy cho doanh nhân những “cái xấu” sẽ gặp phải trên thương trường để biết mà đối phó, nên rất dễ bị lừa”.
Đã vậy, khi bị đối tác nước ngoài lừa đảo, các doanh nghiệp vì “sĩ diện” lại tìm mọi cách che giấu nên các đồng nghiệp không biết kinh nghiệm để né tránh, nên đối tượng lừa đảo càng có nhiều cơ hội “làm ăn” với các doanh nghiệp Việt Nam. Bởi vậy mà Việt Nam không chỉ là “vùng đất hứa” cho các nhà đầu tư quốc tế đến làm ăn nghiêm túc, mà còn là mảnh đất màu mỡ cho những kẻ lừa đảo quốc tế tìm đến.
Hàng loạt những “điểm yếu” của doanh nghiệp Việt Nam đang cần phải khẩn trương khắc phục trong môi trường hội nhập đã được các chuyên gia pháp lý, các cơ quan quản lý, các hiệp hội nêu ra để tìm hướng khắc phục.
Luật sư Đỗ Trọng Hải, Phó tổng giám đốc InvestConsult Group, cho biết: "Các dạng rủi ro có thể phát sinh trong giao thương quốc tế là rất đa dạng và không thể liệt kê hết, nhưng đều xuất phát từ một số nguyên nhân chính: do các doanh nghiệp Việt Nam chưa có thói quen tuân thủ và thượng tôn pháp luật, coi nhẹ yếu tố pháp lý trong kinh doanh; do không hiểu biết pháp luật nước ngoài và thông lệ quốc tế...".
(Theo Lao Động)