Hẳn bạn từng nghe ai đó nói rằng đứa trẻ lớn tuổi nhất trong một gia đình có xu hướng là người rất có trách nhiệm, trong khi một em bé không có anh chị em thường ích kỷ và hay đòi hỏi. Đó chỉ là những trường hợp ngẫu nhiên hay thứ tự chào đời của mỗi người có thể định hình tính cách của họ? Những thông tin dưới đây sẽ giúp bạn sáng tỏ vấn đề.
Lý thuyết về thứ tự sinh bắt đầu vào cuối năm 1920 do Alfred Adler và cộng sự phát triển. Adler cho rằng bạn sinh ra ở vị trí thứ mấy trong số các anh em của mình sẽ ảnh hưởng tới tính cách. Theo đó, con đầu lòng có xu hướng bảo thủ, hay định hướng và chỉ đạo người khác. Bởi họ thường phải chịu trách nhiệm cho các anh em của mình. Con cả khi lớn lên sẽ biết chăm sóc người khác, sẵn sàng để làm cha mẹ và nhiều khả năng chủ động hơn.
Người con giữa thường phải chịu áp lực do anh hoặc chị lớn tạo ra, luôn phải cố gắng vượt qua điều này nên họ có tốc độ phát triển cao. Những đứa trẻ sinh ở giữa trong một gia đình có xu hướng là người nhiều tham vọng nhưng không ích kỷ. Họ cũng có nhiều khả năng để đặt ra mục tiêu cao nhưng bất hợp lý cho mình. Điều này khiến họ đối diện với nguy cơ thất bại nhiều hơn, tuy nhiên việc xoay xở để làm thế nào đối phó với những khó khăn trong cuộc sống giúp họ mạnh mẽ.
Như một quy luật, con út thường nhận được nhiều sự quan tâm và chú ý từ cha mẹ, anh chị của mình. Đó là lý do tại sao họ có thể cảm thấy mình ít kinh nghiệm và độc lập. Tuy nhiên, người con út lại thường có nhiều động lực để vượt qua các anh chị lớn hơn. Họ thường đạt được thành công lớn và được công nhận trong lĩnh vực mình lựa chọn. Họ có thể trở thành vận động viên nhanh nhất, nhạc sĩ tài năng hoặc nghệ sĩ xuất sắc nhất. Con út trong gia đình có xu hướng hòa đồng mặc dù họ có thể sẽ vô trách nhiệm và phù phiếm hơn các anh, chị.
Trong khi đó, những đứa trẻ là con một vì không có anh chị em nào để cạnh tranh nên chỉ thường so sánh bản thân với cha của mình. Những đứa trẻ này cũng thường nhận được sự nâng niu, bảo bọc từ cha mẹ và những người khác. Vì vậy, họ dễ có tính cách phụ thuộc và tự cho mình làm trung tâm. Họ cũng khó khăn hơn khi tương tác với các đồng nghiệp. Nhiều trẻ là con một có tính cách cầu toàn và có xu hướng làm mọi thứ để đạt được mục tiêu của mình.
Nội dung này có sự phân chia giữa các nhà nghiên cứu. Một số bác bỏ hoàn toàn lý thuyết cho rằng thứ tự ra đời ảnh hưởng đến chỉ số IQ của một đứa trẻ, trong khi những người khác lại cho rằng nó đóng vai trò rất quan trọng. Các nhà nghiên cứu từ Đại học Leipzig và Đại học Johannes Gutenberg Mainz (ở Đức) đã nghiên cứu hơn 20.000 người lớn từ Mỹ, Anh, Đức để so sánh trí thông minh của các anh, chị, em trong một gia đình.
Họ phát hiện ra rằng, con đầu thể hiện hiệu suất cao hơn trong các bài kiểm tra trí thông minh. Tuy nhiên, các nhà khoa học cũng chỉ ra là thứ tự sinh không có tác dụng ổn định cảm xúc và phát triển khả năng tưởng tượng.
Kết quả nghiên cứu này có một số điểm không chính xác vì chưa đưa các yếu tố xã hội quan trọng như dân tộc, giáo dục, phúc lợi của cha mẹ và mối quan hệ trong một gia đình. Thứ tự sinh có thể có một tác động nhất định đến tính cách và trí thông minh của một người, nhưng chúng ta cũng không nên quên rằng các mối quan hệ giữa cha mẹ - con cái và việc nuôi dạy trong gia đình là những tác nhân quan trọng để hình thành cá tính.