Các DN này cũng đã trở thành những con nợ lớn của ngân hàng thương mại nên họ khó được vay vốn để tiếp tục hoạt động. Điều đó dẫn đến hậu quả nhiều dự án giao thông bị ngưng, kinh tế xã hội chậm phát triển...
Dư luận đặt câu hỏi: thực tế, trước khi thực hiện xây dựng các công trình hai bên đã ký hợp đồng, với các điều kiện ràng buộc chặt chẽ. Thế nhưng tại sao khi công trình đã xong, chủ đầu tư không muốn thanh toán tiền cho đơn vị thi công? Phải chăng do chất lượng công trình thi công kém chất lượng hay chủ đầu tư muốn làm khó để vòi vĩnh tiền bạc của bên thi công?
Theo Người Lao Động, từ trước tới nay thủ tục thanh toán tiền xây dựng các công trình có vốn từ ngân sách thường rất nhiêu khê, mất nhiều thời gian và chi phí. Các nhà thầu muốn đòi được nợ sớm thường phải chi hoa hồng đậm cho người đại diện chủ đầu tư, cho những công chức thực hiện xét duyệt chi tiền...
Tiền hối lộ này được nhà thầu bù đắp từ những khoản ăn bớt vật tư, thi công gian dối, dẫn đến hậu quả công trình kém chất lượng, mau hư hỏng. Thậm chí có những công trình mới làm xong đã phải đập bỏ để làm lại...
Mặt khác, hợp đồng thi công giữa các chủ đầu tư và các nhà thầu đã có pháp luật bảo đảm. Trong quá trình thực hiện ai làm sai thì phải chịu sự tuyên phạt của tòa án, cớ chi Bộ Giao thông Vận tải phải cử thứ trưởng phải đi đòi nợ?