Ba anh em Hòa - Bình - Hạnh thiếu bé Phúc. |
Chiếc cũi gỗ đặt trong góc nhà. Thấy bóng người, cậu bé đang nằm quặt quẹo vịn thành cũi đứng dậy. Đó là Hòa, một trong bốn trẻ trong ca sinh bốn từ thụ tinh trong ống nghiệm. Bốn em mang tên Hòa - Bình - Hạnh - Phúc, nhưng cuộc đời không như mơ ước.
>> Phần 1 >> Phần 2 >> Phần 3 >> Phần 4 >> Phần 5 |
Chị Thương, mẹ các em bỏ dở công việc dưới bếp, lên chào khách. Chị nói rằng dù Hòa bị bại não, không biết nói, nhưng chị cảm nhận con rất buồn, rất thèm được chăm sóc. Vì vậy mỗi lần thấy bóng người em mừng lắm. Người giúp việc vừa nghỉ vì chị không còn đủ khả năng trả lương. Một mình người mẹ ấy cáng đáng việc gia đình và chăm sóc ba đứa con còn lại. Nhắc đến chữ “ba đứa còn lại”, nước mắt chị trào ra.
Chị lại bàn, lấy tấm ảnh một bé gái nâng niu. Đó là Phúc, đứa con gái út, ảnh chụp lúc bé 3 tuổi, đôi mắt trong veo, sáng ngời. Duy chỉ có đầu bé không còn tóc, hậu quả của những đợt vô hóa chất dài để điều trị khối u ở bụng. Bé chỉ cầm cự được hai năm. Ba năm rồi kể từ ngày bé mất, người mẹ ấy vẫn chưa hết bàng hoàng. Gia đình chị không có ai bị ung thư. Trong bốn anh em, bé Phúc lanh lợi và thông minh nhất. Kết quả xét nghiệm khiến chị muốn ngất xỉu. Từ ngày bé Phúc không còn, chị lủi thủi chăm sóc con và nhốt mình trong nhà.
Chị Thương bỏ hẳn buôn bán từ ngày sinh con. Đồng lương bảo vệ của chồng không đủ giúp gia đình đỡ chật vật. Nhưng dù túng thiếu, chưa khi nào chị có ý định bỏ rơi giọt máu của mình. Ngày bốn bé chào đời, ngổn ngang lo lắng, nhưng chị đã lắc đầu khi các bác sĩ hỏi chị về ý định cho bớt con. Và bây giờ, ngay khi Hòa bị cắt hậu môn, hằng ngày chỉ ăn cháo lỏng, tiêu tiểu không biết, chị cũng cương quyết: “Lương tâm nào chị có thể bỏ con được!”.
Một ngày của người phụ nữ ấy bắt đầu lúc 5h sáng. Đi chợ. Nấu thức ăn sáng. Khóa trái cửa, để Hòa trong nhà. Chở Bình và Hạnh đi học. Xong về nấu cháo cho Hòa. Làm vệ sinh cho Hòa. Lại nấu cơm trưa, cơm tối. Hôm nào con bệnh, ngày của chị không có khởi đầu và kết thúc. Lại ngổn ngang bao việc không tên và khóc.
Trong căn nhà nhỏ trống huơ ở quận Tân Phú (TP HCM) có một chiếc máy vi tính. Chiếc máy ấy anh chị dành cho Bình và Hạnh học ngoại ngữ. Năm học mới này, hai bé mới vào lớp 3 nhưng đôi vợ chồng này đã kỳ vọng ở con rất nhiều. Nhà không đủ tiền, hai vợ chồng chia nhau dạy cho con trong hè. Thế nhưng bao nỗi lo còn đó khi các con ngày càng lớn, chi phí cho các con càng chất chồng thêm.
“Hai ơi”, nghe mẹ gọi, Hòa đứng dậy. Lại cọ cọ khuôn mặt vào tay mẹ. “Dường như bé biết cảm nhận sự yêu thương. Như vậy là chị hạnh phúc lắm rồi”, người phụ nữ tự an ủi chính mình trong nước mắt.
Theo các bác sĩ sản khoa, tỷ lệ biến chứng, khuyết tật ở trẻ thụ tinh trong ống nghiệm không cao hơn trẻ sinh thường. Nhưng trong những năm đầu triển khai kỹ thuật này, nhiều bà mẹ chấp nhận sinh đa thai. Không ít trường hợp sinh non dẫn đến trẻ chậm phát triển, bị mù.
Một đôi vợ chồng nghèo vốn là bộ đội xuất ngũ sau nhiều năm chữa vô sinh khắp nơi không kết quả đã gom góp, vay mượn tiền từ miền Bắc vào TP HCM thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm. Ca thụ tinh thành công. Thế nhưng mới mang thai hơn bảy tháng, ba bé gái đã chào đời. Bé nặng nhất được 1,7 kg, bé nhỏ nhất 1,3 kg. Dù luôn được mang phía trước, ủ ấm hơi người bằng phương pháp kangaroo, nhưng đến hai tháng tuổi các bác sĩ phát hiện cả ba cháu đều bị hư võng mạc. Nếu không đưa đi nước ngoài chữa trị kịp thời, các bé sẽ bị mù vĩnh viễn. Trong phút chốc, niềm hạnh phúc bị thay bằng bi kịch.
Trong bi kịch ấy, ít ra người vợ còn được chồng chia sẻ. Còn với người phụ nữ đơn thân khi sinh con một mình như chị Thu, đó là một quyết định dũng cảm. Nghe tin chị chuẩn bị sinh đôi, cả cơ quan đều mừng cho chị, có người hủ hỉ khi tuổi xế chiều. Nhưng bất ngờ một tai nạn xảy ra, chị phải sinh non. Một trong hai đứa con đã bỏ chị mà đi. Những tháng ngày tiếp theo, người mẹ ấy bồng đứa con còn lại đi hết bệnh viện này đến bệnh viện khác.
Không sinh non, không dị tật, nhưng hoàn cảnh của bé Vân làm các bác sĩ Bệnh viện Hùng Vương rơi nước mắt. Cưới nhau nhiều năm không có con, hai vợ chồng lặn lội từ tỉnh Bình Dương đến Tây Ninh để chữa trị. Hết thuốc bắc đến thuốc nam, nghe nói ở đâu có thầy hay, anh chị đều tìm tới. Cuối cùng, hai vợ chồng đến bệnh viện chữa trị. Sau năm lần bảy lượt bơm tinh trùng, người vợ cũng mang thai.
Ngày biết vợ có thai, chồng vui mừng khôn tả. Tuy nhiên, mọi đổ vỡ bắt đầu khi siêu âm giới tính. Khi biết bào thai là gái, người chồng chỉ thở dài. Hóa ra lâu nay anh và gia đình chỉ trông chờ đứa con trai. Từ đó trở đi, các bác sĩ cũng không thấy anh đưa vợ đi khám thai nữa. Ngày người vợ “vượt cạn” với biết bao đau đớn ở bệnh viện, người chồng đi đâu mất dạng. Người cha ấy cũng không thèm nhìn mặt con. Quá đau buồn, chị không chăm sóc được cho con chu đáo. Đứa bé bị suy dinh dưỡng nặng. Đến khi bé được bốn tháng tuổi thì chồng đòi ly hôn.
“Chắc ăn ở ác quá nên mới vậy”, một người mẹ đã khóc nức nở khi nghe hàng xóm dè bỉu như vậy. Câu nói vô tình như nhân đôi nỗi đau của người mẹ. Hầu hết những nhân vật trong bài đều tha thiết được mang một cái tên khác khi lên báo, dù họ chẳng tội tình gì.
(Còn nữa)
(Theo Tuổi Trẻ)