Dưới con mắt của các chuyên gia và những nhà phân tích chứng khoán thì có thể thấy rõ các chiêu chụp giật điển hình nhằm trục lợi của một số kẻ đầu cơ trong thời gian gần đây.
Tạo giao dịch ảo: Giới kinh doanh chứng khoán còn nhớ rất rõ sự kiện mang đậm thời khắc lịch sử của thị trường chứng khoán Việt Nam, đó là vào các ngày 10, 11, 12/3 năm nay, hàng loạt cổ phiếu từ blue-chip tới pennystock (cổ phiếu giá trung bình và rẻ) đồng loạt tăng giá kịch trần và trở lên rất khan hiếm. Không ít cổ phiếu trong các phiên trên không được bán ra một chiếc nào.
Tuy nhiên, trong 3 phiên giao dịch ngày 13, 14, 15/3 hàng loạt cổ phiếu niêm yết đồng loạt giảm giá kịch sàn, xuất hiện một cuộc "tháo chạy" gần như chưa từng có trong tiền lệ của ngành chứng khoán Việt Nam.
Quan sát cho thấy, tại các phiên trên, cổ phiếu các loại bị các "đại gia" thao túng bằng các giao dịch ảo rất hiệu quả. Họ nắm được tâm lý của các nhà đầu tư mới chân ướt chân ráo lên sàn giao dịch sau Tết Nguyên đán là "phải mua cổ phiếu bằng mọi giá" nên các "đại gia" đã thi nhau đặt các lệnh giao dịch mua ảo nhằm ru ngủ các nhà đầu tư thiêu thân khiến những đối tượng này cứ nghĩ rằng, mua cổ phiếu hôm trước, hôm sau tăng kịch trần là đã có lãi nên đã không ngớt đặt lệnh mua giá cao càng khiến cho cổ phiếu trở lên tăng giá và khan hiếm hơn.
Theo chuyên gia tư vấn kiêm nhà đầu tư Nguyễn Tiến Hoàng, tại Công ty Chứng khoán Quốc tế, kiểu kinh doanh chụp giật trên là khá điển hình tại thị trường chứng khoán. Lợi dụng hệ thống công nghệ thông tin yếu kém, những kẻ đầu cơ cố tạo ra các giao dịch giả tạo này bằng cách thực hiện hàng ngàn lệnh mua hoặc bán khác nhau vào thời điểm áp chót của phiên khiến lệnh không thể thực hiện được và cũng không thể khớp lệnh (do sự yếu kém của công nghệ thông tin).
Tuy nhiên, các nhà đầu tư không có kinh nghiệm khi thấy viễn cảnh trên thì cho rằng, tình trạng mua hoặc bán cổ phiếu đang là thời điểm tốt để họ giao dịch. Thế là những kẻ đầu cơ tìm cách trục lợi bán ra hoặc mua vào một khối lượng lớn cổ phiếu. Theo Luật Chứng khoán, những hành vi làm lũng đoạn thị trường trên là bị nghiêm cấm.
Kiểu kinh doanh chụp giật tiếp theo là kiểu "rải đinh". Lợi dụng sự sơ hở trong quản lý tài khoản, những kẻ đầu cơ đã tạo ra nhiều tài khoản riêng đứng tên những người khác nhau. Khi thực hiện lệnh mua hoặc bán, họ đặt giá ở nhiều cấp độ khác nhau.
Việc làm này khiến không ít nhà đầu tư thiếu kinh nghiệm cho rằng, cổ phiếu đang xuống thấp hoặc lên cao ở các mức độ an toàn, có thể mua vào hoặc bán ra vào thời điểm đó là hợp lý. Khi những nhà đầu tư non nớt làm việc trên thì các đại gia dựa vào nhiều tài khoản khác mà họ đã lập sẵn để mua vào hoặc bán ra theo kế hoạch mà họ đã sắp đặt trước.
Ngoài những kiểu kinh doanh chụp giật trên, còn có kiểu chụp giật khác thường thấy trên thị trường chứng khoán Việt Nam là: một số nhà đầu tư liên kết với nhau để đưa một loại cổ phiếu nào đó lên đỉnh cao hoặc dìm xuống với giá thấp để thực hiện ý đồ xấu.
Theo các chuyên gia phân tích, kể từ cuối tháng 4 đầu tháng 5 năm nay, Trung tâm Giao dịch chứng khoán TP HCM sẽ áp dụng khớp lệnh liên tục và tăng thêm màn hình nhập lệnh. Khi đó, việc khớp lệnh sẽ nhanh hơn và mảnh đất cho những kẻ "làm giá" sẽ dần bị thu hẹp.
(Theo Công An Nhân Dân)