Tô Hương Sen
(Truyện ngắn của tôi)
Hai người đàn bà ngồi trước mặt tôi, nhìn cái cách ngồi và khuôn mặt của họ, ai cũng có cảm nhận họ như một tội đồ. Tôi im lặng, một sự im lặng dửng dưng đến tàn nhẫn. Người đàn bà sang trọng quỳ xuống "con hãy cho ông ấy một lần, một lần duy nhất con mở lòng mình ra được không?". Tôi không nói gì, không mở lời bởi tôi chỉ nghe thấy thôi chứ không cảm nhận được một chút nào nỗi đau đang tồn tại cùng hai người đàn bà ấy. Nó mới bắt đầu hay đã có từ khi họ yêu người đàn ông ấy? Hay có thể họ sinh ra đã có nỗi đau này rồi, tôi không biết, không cần biết. Trước mặt tôi bây giờ là một màu nhợt nhạt, một màu không ai đặt nổi thành tên. Người đàn bà có khuôn mặt khắc khổ nói như van lơn "thời gian của ông ấy rất ngắn…". Thì đã sao? Việc ông ấy còn bao nhiêu thời gian trên cõi đời này đâu có liên quan gì đến tôi. Tôi thấy con người thật mâu thuẫn, đã nói cuộc đời này chỉ là cõi tạm, bên kia thế giới mới là cõi vĩnh hằng, sao người ta khóc lóc, người ta đau khổ vì được đi đến thiên đường, vì được đến cõi vĩnh hằng mơ ước ấy? Sao người ta nghĩ là mình phải được thứ tha mới về đó yên lòng?
Tôi không hận thù nên không có khái niệm thứ tha, không có một sự bao dung nào tồn tại. Cuộc sống này tự dạy cho tôi những điều mà cần thiết phải có, cũng như nó đã cho tôi cái cảm giác dửng dưng này trước hai người đàn bà: một người là mẹ tôi, người kia là vợ của người mà người ta thường gọi là "ba tôi". Tôi không biết khi hai người đàn bà này gặp nhau đầu tiên, họ có cảm giác thứ tha cho nhau không? Một người cướp chồng, một người cướp người yêu… Thế ra cuộc đời này không ai có lỗi cả, nó là một cái lỗi liên hoàn. Và người đàn ông mang danh từ "ba" với tôi ấy, ông ta có lỗi gì đâu mà phải thứ tha? Ông ta không có lỗi gì cả, ông ta đã yêu mẹ tôi theo cách ông ta cho là đúng nhất, cho mẹ những phút giây hạnh phúc ngập tràn và lo mọi thứ về kinh tế. Ông ta cũng yêu vợ ông ta một cách đúng nghĩa nhất, không bao giờ đối xử bạc bẽo với vợ và cũng chăm chút hết mình.
Có thể tôi đã "miễn nhiệm" với những thứ cảm xúc thông thường. Cái cảm xúc ước ao sau mỗi chiều tan học có một người được gọi là cha tôi sẽ đứng đó, mồ hôi nhễ nhại và đạp chiếc xích lô cà tàng, trên tay cầm một cái kem mút đá cười tươi đón tôi, thay vì có một người đàn ông đỗ xịch cái xe con đen loáng sang trọng đeo kính râm đứng chỉ cách mấy bước chân ngắm nhìn tôi mà tôi không thể nào cảm nhận hết. Không thể nào biết mình có ai đó máu mủ để yêu thương. Tuổi thơ của tôi là danh sách dài những giấc mơ không bao giờ thành hiện thực, cái ước mơ mà nói ra cả lũ bạn sau khi cười một tràng dài rồi chết lặng khi thấy mắt tôi là một khoảng vô hồn. Cái ước mơ được mẹ đánh đòn một trận và thỏa mãn với những đòn roi ấy, những cái lỗi được trừng phạt là điều hạnh phúc. Nhưng có muôn vàn trận đòn không biết lý do, tôi không đọc được trong ánh mắt mẹ một sự thù hằn, cũng không đọc được tình yêu thương khi đánh tôi. Khi ấy mẹ đang nhìn vào đâu đó xa thẳm, có thể mẹ đang tự đánh trái tim mẹ, đang tự đánh vào nó để được thứ tha.
Tôi đã gặp người mà người ta gọi là "anh cùng cha khác mẹ" với tôi một lần. Thay vì dè chừng như tôi, anh đã dang vòng tay rất rộng, anh đã khóc khi khi tôi đứng đó ngác ngơ và vô cảm. Tôi tự hỏi anh có bao giờ cảm giác chờ ai đó có cái danh từ "ba" suốt tuổi ấu thơ của mình mà chỉ cần người ấy là một người cha bình thường thôi, không là một người ngồi trên cái ghế cao xa kia. Tôi tự hỏi anh đã bao giờ bị đánh những trận đòn tóe máu mà mình không được biết một lý do chính đáng? Anh từng tự dành cho mình cái thú là tự cho mình một cái tội và tự đánh mình để thỏa mãn một nỗi đau của chính mình? Tôi bị ám ảnh nỗi đau. Ám ảnh đến nỗi luôn có một chiếc roi thu dưới gối, tôi sẽ tự đánh mình mỗi ngày, cái cảm giác đó làm tôi sung sướng. Tôi đã ước ao tôi sẽ có một đứa con để tôi cho nó tuổi thơ không gì bù đắp nổi của tôi. Tôi sẽ dắt tay con tôi cùng ba nó đi trên con đường ngắn ngủi từ nhà đến lớp. Tôi sẽ đi xếp hàng mua một mớ quần áo hạ giá rẻ rề ở siêu thị mỗi mùa nhập học. Sẽ đưa con đi tìm một nơi giải trí rẻ tiền nào đó suốt ngày chủ nhật và khi đã thấm mệt, cả nhà tìm một quán chè mát bên đường…
Người đàn ông ấy tôi chỉ biết qua ảnh và sau này gặp một lần. Bức ảnh treo trên tường suốt những năm tôi học cấp một với một niềm tin rằng ba tôi đã đi công tác xa lắm, ở một nước nào đó không thể về sớm được. Sau đó tôi đã xé nát tấm hình khi tôi biết ông ở rất gần tôi, chỉ cách nhà tôi chưa đầy hai cây số và ông làm chức to nhất ở thành phố này.
Mẹ tôi không nói vì sao cái người được gọi là ba tôi kia luôn chu cấp cho tôi mà không một lần đối diện với tôi, không một lần dang vòng tay ôm tôi vào lòng và gọi một tiếng "con gái của ba". Ông đã dập tắt hay nói đúng hơn là đã đâm chết ước mơ suốt tuổi ấu thơ ấy của tôi. Vì cái gì? Chung quy lại là chỉ một chữ "chỗ ngồi", thế hóa ra tôi không bằng cái ghế kia, người ta có thể từ bỏ tôi nhưng không thể từ bỏ cái ghế ngập tràn quyền lực ấy? Người ta có thể đánh đổi nụ cười và hạnh phúc con trẻ bằng những niềm vui được chúc tụng, được uy danh? Thế thì cần gì bây giờ ông ấy phải nhờ hai người đàn bà cầu xin, ông ấy đã được cái ông ấy muốn, tôi chỉ là thứ bên lề, là thứ như cây cỏ dại không vướng bước chân trên con đường ông ấy đi.
Đôi khi tôi tự đặt câu hỏi để tự an ủi mình rằng "nếu là mình, mình có làm thế không?". Nhưng tôi cũng không lý giải được, bởi với tôi không gì có thể đánh đổi được núm ruột của mình. Tôi sẽ là một ông lái xe ôm và được là bố của đứa trẻ do mình sinh ra thay vì làm ông này ông nọ mà không dám gặp nó.
Mẹ tôi nói "tình cảm và cuộc sống vốn là thứ không thể dùng lý lẽ bình thường để nói được", "thế thì cần lý lẽ gì hả mẹ?". Mẹ im lặng, có thể bà đang nghĩ về quá khứ, đang nghĩ đến ngày đầu tiên bà gặp người đàn ông bà yêu trong một cuộc họp. Bà đã không ngờ rằng cái cuộc gặp định mệnh ấy đã gắn cuộc đời bà lại với một mối tình câm lặng và đớn đau nhưng đàn bà là thế, họ chỉ mãi mãi nhớ đến người làm họ đớn đau hơn là người làm họ hạnh phúc. Bà nghĩ đến khoảng thời gian ông đã không thể từ bỏ vợ con mà đến với bà, bởi hơn ai hết bà biết cái đó từ lúc gặp ông, từ lúc ông nhìn vào tận sâu thẳm bà và đọc được sự đợi chờ hy sinh vô bờ bến của một người đàn bà yêu.
Nhưng sao ông muốn có với bà một đứa con? Trong khi chính ông biết đó là điều có thể nhấn chìm tất cả sự nghiệp của ông? Cái đó làm bà cảm động. Nhưng tôi cười cợt sự cảm động ấy, tôi khinh thường sự cảm động ấy, cũng như khinh thường người đàn bà mang danh nghĩa vợ ông, bà đã im lặng chịu đựng khi ông nói rằng " Anh xin lỗi, anh đã yêu người khác dù biết em rất tốt". Tình yêu và lòng tốt là thứ mà con người ta vươn tới, nhưng trong trường hợp này nó là thứ đạo đức giả, thứ đạo đức giả ấy nó kết tinh thành đứa con gái là tôi đây.
Tôi đã luôn hỏi rằng tại sao hai người đàn bà của một người đàn ông gặp nhau trong một buổi chiều ảm đạm, đeo theo đứa con gái là tôi, có thể yên lặng nhìn nhau nước mặt dàn dụa thay vì lao vào nhau mà cấu xé. Lao vào nhau mà ăn thua để rồi mình thắng cũng cười mà thua cũng chao chát cười để được thấy mình đúng là người đàn bà yêu. Một sự tranh đua bản năng theo đúng đàn bà.
Nhưng tôi đã không thỏa mãn sự chờ đợi đó, tôi chỉ thấy hai người đó nói cảm ơn nhau, một người thì cảm ơn vì đã cho người đàn ông mình yêu một sự bình yên. Một người thì cảm ơn đã đem đến tình yêu cho người đàn ông của mình mà trong bao năm qua tự nó đã chết đi. Tình yêu đã chết đi không vì một sự cố nào cả, không oán giận nhau mà chỉ là không tìm thấy ở nhau một sự rung cảm đúng nghĩa. Tôi đã hất cái bàn tanh bành trước sự ngạc nhiên đến cùng cực của hai người đàn bà đó và họ lại im lặng khóc nhiều hơn khi tôi bỏ chạy.
Tôi nói với mẹ rằng cuộc đời tôi bây giờ chỉ có học mới là sự giải thoát. Tôi muốn ngồi trên cái ghế mà ông ấy từng ngồi, đi con đường mà ông ấy từng đi, xem khi đó nó có vui sướng không? Có chất ngất hạnh phúc hơn khi ở bên người thân máu mủ của mình không? Mẹ tôi khóc, mẹ tôi nói "chúng ta làm gì thì mới rũ bỏ được hận thù trong con?", tôi cười nhạt. Tôi nói là "thực sự các người muốn biết cảm giác của con sao? Thực sự muốn biết con nghĩ gì và cần gì sao? Sao câu đó không hỏi khi con lên ba tuổi, khi lần đầu tiên con thấy bạn con được ba nó bế lên sau mỗi lần vấp ngã, còn con thì sẽ chống tay đứng dậy một mình dù có mẹ nhưng mẹ còn nhiều việc để làm. Khi mẹ chỉ có hai bàn tay. Sao không hỏi câu đó khi con năm tuổi, khi con và một đứa bạn gái bị mấy thằng bạn đánh vì cái tội không chia phần bánh cho nó. Chúng con cùng khóc tấm tức trên đường về, đứa bạn gái gặp ba nó giữa đường và ba nó bế nó lên lau nước mắt cho nó. Còn con thì nước mắt tự khô đi. Sao các người không hỏi con khi lần đầu tiên con nhìn thấy giấy khai sinh của mình trống một cái tên. Con cấu xé cho rách nát giấy khai sinh đi cũng không lấp đầy nỗi trống vắng trong lòng mình. Sao các người không hỏi khi ngày con nhận cái bằng học sinh giỏi cấp tỉnh từ tay người cha của mình mà người ấy cũng không dám hãnh diện vì có một đứa con gái giỏi giang như thế? Sao các người không hỏi con khi con có một người anh ruột cùng học chung dưới một mái trường mà thường đi qua nhau như người xa lạ… Nên giờ thì hỏi để làm gì? Có phải bây giờ người đó về hưu rồi, lại gần về cõi vĩnh hằng rồi mới dám nhận con, mới dám sống thật với mình để lòng thanh thản, để xuống dưới đó được lên thiên đàng thay vì xuống địa ngục?"
Tôi nhàm chán mọi thứ rồi, tận cùng nỗi đau rồi. Bây giờ không còn là nỗi đau nữa, không còn là hận thù nữa, cái đỉnh điểm ấy đã qua rồi. Bây giờ nó là sự chai lì đến vô cảm. Mọi người cứ vui đi vì khi mình còn khóc được, khi mình còn thứ tha được, còn cảm nhận được nỗi đau mà mình có.
Mẹ nói "con chưa có con nên không hiểu hết những gì mẹ trải qua. Mẹ đau nỗi đau của con thì nỗi đau ấy gấp ngàn lần nỗi đau từ trong mẹ". Tôi im lặng, tôi có nói mẹ cũng không tin được, tôi đã đau nỗi đau của người mẹ, nỗi đau khi tự đánh mất đứa con mình… Quân thường dỗ dành tôi "Rồi chúng ta sẽ có đứa con khác…”. Cái đó có thể thay thế sao? Thay vì yêu đứa con này, người ta sẽ yêu đứa con khác khi nó ra đi? Có phải tôi cũng đã bị thay thế trong một sự mơ hồ về nhận thức như thế không? Có phải người cha ấy đã tự lấp liếm mình bằng cách yêu thương "đứa con được coi là hợp pháp"? Người ta thay thế nỗi đau bằng tình yêu nhưng không thể thay thế tình yêu bằng tình yêu được, tôi không cho phép mình thế, có chăng chỉ là sự hiện hữu song hành.
Tôi đã đưa dao lam rạch từng nhát một, từng nhát một vào thớ thịt của mình trong ngày con tôi ra đi. Tôi xem cái nỗi đau da thịt có khác nỗi đau đớn tột cùng trong sâu thẳm lòng tôi không? Nhưng tôi không thấy đau gì cả, máu chảy lênh láng và tôi thấy sung sướng, một sự sung sướng thỏa mãn, thỏa mạn hơn cả khi tôi lấy roi tự đánh mình vun vút bởi tôi thấy một sự trừng phạt có lý do: Tôi đã đánh mất con mình…
Quân ôm ghì lấy tôi trong bệnh viện, có lẽ anh nghĩ tôi muốn tự tự. Tôi mỉm cười nhìn Quân, anh hỏi tôi "làm thế nào để em hết đớn đau?". Quân đã không hiểu được rằng tôi không thể sống nếu thiếu đớn đau đó, đó là thói quen, là hạnh phúc, là đam mê không thể chối từ. Mẹ nói tôi cần bác sỹ tâm lý, sao tôi lại phải cần một người thấp kém hơn mình và không hiểu gì về mình? Tôi sẽ đến đó ngồi nghe hàng mớ câu sáo rỗng và đi về trong sự nhạt nhẽo của chính mình?
Tôi gặp người đàn bà của Quân khi tôi lang thang trên con đường quen thuộc. Có vẻ như chị ta đã đợi tôi từ lâu lắm hay chị ta vẫn thường ngồi trên khung cửa sổ trên tầng tư của ngôi nhà mà hả hê cái sự thẩn thờ vô hồn của tôi, hoặc cũng có thể chị ta thương hại tôi… Tôi không biết, chỉ là tôi ngồi đây như cái cách mười mấy năm về trước mẹ tôi và người đàn bà ấy vẫn ngồi. Cũng đối diện nhau, thay vì cả hai cùng nói, còn đây tôi im lặng. Người đàn bà của Quân nói chỉ đúng vài câu gì đó tôi nghe không rõ, bì bõm và đuối sức nhưng những giọt nước mắt chạy dài, giọt nước mắt thì không sức mạnh nào cản nổi. Người đàn bà ấy cũng là cô giáo tôi. Ngày đầu tiên tôi vào giảng đường, tôi đã mang sự vô cảm theo tuổi mười tám của mình. Quân nói sao trên đời lại có một thân xác mang tâm hồn đầy mâu thuẫn như thế? Và cái tâm hồn đầy mâu thuẫn ấy đã trói Quân lại.
"Đó là nghiệp chướng", bà ngoại tôi đã nói thế khi tôi đưa Quân về. Tôi nói thẳng rằng Quân là giáo sư dạy môn tâm lý trường tôi, tôi không nhắc đến chuyện gì nữa nhưng bà và mẹ tôi hiểu ra. Bà tôi nói cuộc đời là một sự trùng lặp tạo nên nghiệp chướng, không dễ gì thoát được. Bà tôi nhìn về phía di ảnh ông ngoại, cái hình hài mà đến khi chết vẫn không trọn vẹn là của bà.
Tôi nói con người không ai là hoàn hảo và trọn vẹn cả, thế thì hai người hãy nói với người đàn ông đó rằng ông ta đã sống không trọn vẹn trên phần dương thế thì hãy ra đi và mang theo một phần khiếm khuyết của mình, đừng đòi hỏi gì quá tầm tay. Tôi có thứ tha hay không không quan trọng gì cả, mà là ông ấy có thứ tha cho mình không? Nếu ông ấy thanh thản được thì hãy tự cho mình thanh thản.
Ông ấy đến, không có gì là vẻ mệt mỏi của người sắp ra đi, nụ cười tươi trên khuôn mặt chữ điền cương nghị. Ông nhìn tôi thật lâu và nói "Con giống ba bởi sự lạnh lùng, tàn nhẫn bên ngoài và một trái tim ấm áp bên trong".
Tôi ra mộ ông khi đoàn người dài lê thê đã về hết. Tôi đeo kính râm và nhìn ngôi mộ ông từ xa. Tôi thấy nỗi đau, nỗi đau khi đứng đây nhìn cha mình mà không thể gọi thành tiếng "Ba ơi"...
Vài nét về tác giả:
Truyện ngắn đã đăng: Người đàn bà hư, Màu bình yên, Chênh vênh, Nắng vẫn xôn xao ngoài kia.