Điện ảnh Đông Á đến nay ghi nhận ba tác phẩm cùng mang tựa đề Thu muộn (Late Autumn). Bộ phim được nhắc đến ở đây của đạo diễn bậc thầy Ozu, ra mắt năm 1960, là đại diện Nhật Bản gửi tới hạng mục "Phim nói tiếng nước ngoài xuất sắc" tại giải thưởng Oscar cùng năm. Phim không liên quan đến hai cuốn phim Hàn Quốc chiếu rạp năm 1966 và 2010 (Hyun Bin và Thang Duy đóng chính).
Đến dự đám giỗ của ông Miwa, ba người đàn ông trung niên mới có dịp gặp lại vợ Akiko và con gái Ayako của người bạn chí cốt thuở thiếu thời. Giật mình nhận ra Ayako 24 tuổi hãy còn độc thân, ba ông chú tỏ bày lo lắng và đề nghị được lo liệu một tấm chồng tử tế cho cháu gái, giúp người bạn của họ an nghỉ nơi cửu tuyền. Trong khi bà Akiko hoan hỉ đón nhận chuyện này, Ayako tỏ vẻ khước từ.
Mở đầu bằng phong tục truyền thống để tưởng nhớ một người đàn ông đã ra đi, câu chuyện phim kể về cuộc sống và những nỗi buồn thường nhật của hai người phụ nữ còn ở lại.
Lúc nào cũng thế, Ayako luôn giữ ánh mắt tảng lờ, nụ cười gượng gạo khi những người thân quen "đẩy thuyền" cô với ai đó thật ưu tú. Cô né tránh mọi cuộc mai mối bởi sợ bản thân lỡ "trúng tiếng yêu" rồi về nhà chồng, bỏ lại người mẹ vò võ một thân một mình. Ngay cả đến lúc đã hẹn hò, Ayako cũng ráng giữ mình dừng ở yêu đương, thay vì nghĩ đến nên duyên vợ chồng.
Bà Akiko thì như bao người mẹ chốn nhân gian, một lòng niệm cầu hạnh phúc lứa đôi cho con gái, dẫu phải đổi bằng tình cảnh thân cô thế cô của chính mình.
Hai mẹ con lúc nào cũng chuyện trò vui vẻ, mỉm cười nhẹ nhõm. Nhưng ánh mắt họ khó giấu được nỗi buồn, nỗi lo đầy dồn nén. Không ít lần người mẹ nhắc khéo con về một ngày không xa con đi lấy chồng, hai mẹ con khó khăn lắm một tháng gặp mặt một buổi, có khi ba tháng mới có thể dạo chơi với nhau một lần.
Đáp lời mẹ, cô con gái khăng khăng: "Con không lấy chồng, con ở vậy với mẹ là đủ hạnh phúc". Nhưng đôi khi có những phút giây con tim yếu mềm, ánh mắt chùng xuống, cô băn khoăn liệu mẹ sẽ thế nào, khi căn hộ vắng bóng đứa con độc nhất.
- "Mẹ nghĩ thế nào nếu con gặp người mình thích? Mẹ có cô đơn không?"
- "Tất nhiên là có, nhưng mẹ sẽ ổn thôi. Mẹ đoán bà ngoại cũng thế. Chuyện này vẫn thường xảy ra với mẹ và con gái"
Người con sợ bước chân rời đi của mình sẽ là nỗi buồn vĩnh cửu với mẹ, còn người mẹ canh cánh nỗi lo sự hiện diện của bản thân là gánh nặng của con. Cuộc đối thoại giữa họ phản ánh tư tưởng nữ nhi xuất giá tòng phu của của các dân tộc Đông Á, đặc biệt trong thời đại cách đây hơn nửa thế kỷ. Bởi quan niệm cổ truyền như vậy, ngay cả sinh sống cùng một thành phố, người phụ nữ cũng khó lòng dành thời gian cho người thân ruột thịt, sau ngày lên xe hoa.
Câu chữ buồn nhưng bình thản của bà Akiko cũng bộc lộ niềm áy náy của bà đối với người mẹ của mình, từ ngày bà rời nhà mình đến một tổ ấm mới. Đó cũng là một câu chuyện buồn cố nhiên, thường tình, trong bất cứ mối quan hệ mẫu tử nào.
Hai mẹ con Akiko và Ayako chỉ thực sự rổn rảng khi nhắc nhớ những kỷ niệm vui, lúc người chồng, người cha của họ còn tại thế. Với họ, niềm vui đã thuộc về quá vãng mất rồi, trong khi hiện tại êm đềm nhưng không tròn trịa và tương lai nhiều đơn độc, xa cách đợi chờ.
Luôn trung thành với kimono, tạo hình của bà Akiko không chỉ đúng với phong cách phụ nữ trung niên Nhật đương thời, còn cho thấy tính cách thủy chung, kín kẽ, cẩn trọng của người mẹ. Cô con gái luôn hiện diện với váy công sở, qua đó bộc lộ lối sống mẫu mực, nề nếp, làm nên hình ảnh "con gái nhà người ta".
Trái với hai mẹ con Akiko - Ayako, những người ngoài còn sốt sắng với hôn sự của cô con gái hơn cả họ. Những cuộc hội họp của ba ông chú có lúc hóm hỉnh, có khi gây bực mình. Xem phim, khán giả cảm nhận được lòng tốt của họ đối với hai nhân vật chính, nhưng đôi khi, sự quan tâm thái quá biến thành can thiệp sâu vào đời tư của hai người phụ nữ. Chưa kể, cảnh tượng ba gã đàn ông bình phẩm về ngoại hình những người phụ nữ - dù khen hay chê - cũng phản cảm.
Qua những mẩu truyện về ba ông chú, phim Thu muộn tái hiện tư tưởng áp đặt hôn nhân lên phụ nữ - hiện thực chưa nhiều đổi khác dù ở năm 1960 trong phim hay 2023 của hiện tại, nơi nông thôn hay thành thị. Trong quan niệm của nhiều người, phụ nữ giữa quãng tuổi 20 chưa yêu, chưa cưới đã gắn mác gái ế và dù có ra sao, phụ nữ cũng tuyệt đối không thể ở giá, không chồng không con. Vô hình trung, tư duy ấy đè nặng tâm lý nữ giới, gò họ trong một khoảnh giới hạn của đời sống, sự nghiệp và khát vọng.
Từ tựa đề, Thu muộn đã phủ nỗi buồn thênh thang cho câu chuyện đậm màu nữ tính. Bởi mùa thu thường gợi màu buồn, nhịp lắng, dù trong cảm quan đời thường hay khi bước vào văn học, điện ảnh và hội họa.
Với cuốn phim Nhật Bản, sắc thu được tái hiện qua rất ít ngoại cảnh với bầu trời xanh vắng mây, chủ yếu thông qua mốt mặc cardigan, áo khoác nhẹ bên ngoài váy công sở của các cô gái thành thị. Thu ở đây không chỉ là mùa của thiên nhiên, còn là mùa của đời người, ám chỉ tuổi già, sự suy tàn, nỗi cô đơn nhưng cũng là biểu tượng của sự bất diệt trong cảm xúc và tình yêu.
Thu muộn cuốn người xem vào nhịp phim chậm rãi. Không gian 90% là cảnh nội, được dựng trong phim trường, quanh quẩn từ nhà ở, văn phòng, lớp học đến quán ăn càng tô đậm cảm giác tù túng, cho thấy nhịp sống đơn điệu của hai mẹ con Akiko và Ayako. Lúc có mẹ có con còn vậy, Ayako gả chồng rồi, bà Akiko còn lại một mình, nỗi cô đơn còn bao trùm đến bao nhiêu?
Nhập vai hai mẹ con Akiko và Ayako, bộ đôi minh tinh Setsuko Hara - Yoko Tsukasa tỏa sáng trên khung hình với nét diễn thâm trầm, vẻ đẹp thanh lịch, ưu nhã và khiêm cung. Xuất hiện trong hầu hết cảnh quay, họ trở thành linh hồn của Thu muộn, nâng đỡ cảm xúc cho nhau, không ai lấn át ai.
Là tác phẩm thứ 52 của đạo diễn Ozu, Thu muộn nối dài chủ đề nỗi cô đơn của kiếp người góa bụa nơi đô thành trong thế giới điện ảnh của huyền thoại điện ảnh Nhật. Trước khi trở thành người đàn bà sớm góa chồng, vừa mừng vừa buồn khi con gái kết hôn trong Thu muộn, "người đẹp đồng trinh" Setsuko Hara từng thể hiện chân dung cô con gái chần chừ tình duyên vì không nỡ bỏ bố một mình trong Xuân muộn (1949) và cô con dâu nguyện ở giá để phụng dưỡng bố mẹ chồng trong Câu chuyện Tokyo (1953). Các phim Đầu hạ (1951), Một buổi chiều thu (1962) cũng kể những câu chuyện tương đồng.
Trải qua hơn 60 năm, Thu muộn vẫn giữ tiếng vọng trên màn bạc, với vẻ đẹp từ hình ảnh đến xúc cảm. Điểm đáng tiếc duy nhất của kịch bản là cách xử lý đoạn kết vội vã, thiếu đi bước chuyển ngoặt từ mâu thuẫn đến hòa giải giữa các nhân vật. Trên chuyên trang bình luận phim Rotten Tomatoes, phim nhận 100% đánh giá tốt từ các chuyên gia và 86% đánh giá tốt từ khán giả. Trên nền tảng phim IMDb, phim nhận số điểm 7,9/10.
'Mỗi tuần một phim hay' là chuyên mục chỉ có trên Ngôi Sao, cập nhật bài viết tại mục Phim hàng tuần. Mỗi bài viết giới thiệu một phim nổi tiếng của Việt Nam hoặc quốc tế với chủ đề đồng nhất trong tháng. Tháng 9 dành cho 'Những câu chuyện mùa thu'.
Phong Kiều